Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cưỡng chế thi hành xử lý vi phạm hành chính: Băn khoăn về quy định ngừng cấp điện nước

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ đề xuất bổ sung hai biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính bên cạnh các biện pháp hiện hành. Tuy nhiên, vẫn còn những quan điểm khác nhau về vấn đề này.

Đề xuất cắt điện nước để xử lý vi phạm hành chính có thể ảnh hưởng đến người khác sống chung với người vi phạm. Ảnh: Hoàng Nam
Lo can thiệp vào quan hệ dân sự
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính lần này đã bổ sung một số biện pháp cưỡng chế trong thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, không bổ sung biện pháp trên trong lần sửa đổi này; việc bổ sung biện pháp cưỡng chế này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, có đánh giá tác động cụ thể khi sửa đổi toàn diện Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Luật hiện hành không quy định “ngừng cung cấp điện” là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và không giao Chính phủ quy định các biện pháp cưỡng chế khác ngoài các biện pháp đã quy định. Trong khi đó, báo cáo tổng kết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành không phản ánh khó khăn, vướng mắc của các cơ quan thực thi do thiếu biện pháp cưỡng chế. Hơn nữa, việc cung cấp điện, nước là giao dịch dân sự giữa nhà cung cấp và người sử dụng, nếu họ không vi phạm các điều khoản hợp đồng hoặc vi phạm pháp luật trong sử dụng sẽ khó yêu cầu nhà cung cấp ngừng cung cấp. Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng lưu ý, nếu buộc nhà cung cấp “ngừng cung cấp điện, nước” như quy định tại Dự Luật có thể sẽ can thiệp quá sâu vào quan hệ dân sự.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính hiệu quả, thích hợp với giai đoạn xử lý hành chính vi phạm hành chính, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung quy định “ngừng cung cấp điện, nước” như một biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm, mà không phải là biện pháp cưỡng chế. Đồng thời, có quy định để bảo đảm biện pháp ngăn chặn này chỉ được áp dụng đối với những hành vi mà điện, nước là điều kiện cần, là phương tiện để thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Việc áp dụng biện pháp này cũng phải bảo đảm không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, hoạt động của cá nhân, tổ chức.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng cho rằng, “ngừng cung cấp điện, nước” không nên là biện pháp cưỡng chế. Nên làm rõ thực tiễn có quốc gia nào trên thế giới quy định như vậy chưa, bởi biện pháp cưỡng chế và biện pháp ngăn chặn có ý nghĩa khác nhau.
Áp dụng hợp lý sẽ hiệu quả tốt
Ở một góc nhìn khác, nhiều ý kiến lại cho rằng, “ngừng cung cấp điện, nước” có thể sẽ là một biện pháp cưỡng chế hiệu quả. Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến lấy ví dụ: Đối với một đơn vị xây dựng công trình trái phép, nếu áp dụng biện pháp cưỡng chế này sẽ rất hiệu quả. Tuy nhiên, nếu áp dụng ở một số hành vi vi phạm khác thì lại chưa phù hợp. Trong trường hợp chủ hộ vi phạm, việc cắt điện nước sẽ ảnh hưởng đến cả hộ, không đảm bảo tính khách quan. Do vậy, cần quy định rõ các trường áp dụng cho hợp lý.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh dẫn thực tế tại tỉnh Quảng Ninh và cho rằng, khi giải phóng mặt bằng để thu hút đầu tư, nhiều trường hợp đã giải quyết theo đúng quy định nhưng vẫn chây ì. Lúc này, "cắt điện, nước" là biện pháp hiệu quả để "cưỡng chế thi hành", để người vi phạm không còn điều kiện thực hiện hành vi vi phạm.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng khẳng định, Chính phủ đã cân nhắc khi bổ sung 2 biện pháp này vào Dự Luật. Theo Bộ trưởng, hiện có tới 10% quyết định xử lý vi phạm hành chính không được thực hiện, nên việc có thêm biện pháp cưỡng chế là cần thiết. Bên cạnh đó, biện pháp cắt điện, nước cũng đã được quy định trong pháp luật về xây dựng. "Nếu coi điện nước là hợp đồng dân sự cũng đúng, nhưng từ góc độ khác như hiệu lực quản lý nhà nước thì quan hệ thị trường hay dân sự đều có thể can thiệp bằng hành chính" – Bộ trưởng nói.
Có thể thấy, hai biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được bổ sung tại Dự án Luật lần này đều là những vấn đề lớn, vì vậy, cần đánh giá tác động đến đời sống người dân, hoạt động của DN khi đưa vào Luật là quan điểm được đồng tình.