Cương quyết “xử trảm” công trình vi phạm luật đê điều ở huyện Thường Tín

Công Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Huyện Thường Tín (Hà Nội) có 16,3km đường đê Hữu Hồng đi qua 8 xã khiến công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng và bảo vệ hành lang đê gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy nhiều năm qua một số xã ven đê sông Hồng đã để xảy ra vi phạm.

Hàng loạt công trình vi phạm pháp luật về đê điều thời gian qua đã được UBND huyện Thường Tín vào cuộc chỉ đạo xử lý dứt điểm

Nguyên nhân của vi phạm

Huyện Thường Tín nằm ở phía Nam của TP có tốc độ đô thị hóa, xây dựng NTM, phát triển kinh tế xã hội ngày càng cao nên nhu cầu về sử dụng đất đai, vật liệu xây dựng rất lớn đã dẫn đến vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng, đê điều và phòng, chống thiên tai. Bên cạnh đó, do nhiều năm qua tại địa bàn không xảy ra lũ lớn nên một số cơ quan quản lý đã chủ quan, thiếu quyết liệt trong xử lý vi phạm pháp luật về đê điều.

Cùng với đó, việc xử lý vi phạm còn mang tính hình thức, thậm chí còn để vụ việc kéo dài trong nhiều năm, qua nhiều nhiệm kỳ công tác. Nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng, đê điều và phòng, chống thiên tai bị buông lỏng, để cho các tổ chức cá nhân lấn chiếm đất, cho thuê đất trái thẩm quyền hoặc tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng công trình, làm bãi trung chuyển vật liệu xây dựng, san lấp bãi sông.

Tại 5/8 xã của huyện Thường Tín có tuyến đê sông Hồng đi qua nhiều năm qua do buông lỏng quản lý nên đã để xảy ra vi phạm, trong đó có các xã, như: Ninh Sở, Thống Nhất, Hồng Vân, Vạn Điểm và Chương Dương. Trong số các xã này phải nói đến xã Ninh Sở để xảy ra vi phạm đất đai, trật tự xây dựng lên tới 10 trường hợp, diện tích vi phạm nhỏ nhất 40m2, lớn nhất là 4.500m2, chủ yếu được làm bằng khung sắt, mái tôn.

Hiện trường một trong những công trình vi phạm Luật đê điều đã được UBND xã Ninh Sở xử lý xong trong tháng 9/2022
Hiện trường một trong những công trình vi phạm Luật đê điều đã được UBND xã Ninh Sở xử lý xong trong tháng 9/2022

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản: Ngày 20/12/2021, Thanh tra TP ban hành kết luận số 5982/KL-TTTP (VP) thanh tra trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn TP, trong đó có huyện Thường Tín với hàng chục trường hợp vi phạm đất đai, đê điều, trật tự xây dựng ở dọc tuyến đê hữu Hồng từ nhiều năm về trước gây bức xúc dư luận cần phải được xử lý.

Cùng với đó, trên cơ sở chỉ đạo của UBND TP tại văn bản số 2507/UBND-KTN ngày 4/8/2022, UBND huyện Thường Tín đã xây dựng kế hoạch yêu cầu các xã ven sông Hồng tổ chức thực hiện theo từng giai đoạn. Trong đó, đối với 4 trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều được Thanh tra TP kết luận tại văn bản số 5982/KL-TTTP (VP) thì UBND huyện yêu cầu UBND các xã, gồm: Ninh Sở, Thống Nhất, Vạn Điểm hoàn thành công tác xử lý theo thẩm quyền xong trước ngày 30/9/2022.

Còn đối với 12 trường hợp vi phạm về đê điều được UBND TP chỉ đạo tại văn bản 2507/UBND-KTN, UBND huyện Thường Tín đã yêu cầu UBND các xã củng cố hồ sơ, xử lý dứt điểm theo quy định của pháp luật xong trước ngày 30/9/2022. Đối với các trường hợp vi phạm về đê điều còn tồn tại, huyện yêu cầu các xã củng cố hồ sơ, xử lý, giải tỏa theo quy định của pháp luật xong trước ngày 15/11/2022.

Hàng loạt công trình vi phạm pháp luật về đê điều thời gian qua đã được UBND huyện Thường Tín vào cuộc chỉ đạo xử lý dứt điểm
Hàng loạt công trình vi phạm pháp luật về đê điều thời gian qua đã được UBND huyện Thường Tín vào cuộc chỉ đạo xử lý dứt điểm

Đồng loạt vào cuộc

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết: Sau khi UBND huyện có văn bản chỉ đạo, UBND các xã đã thành lập tổ kiểm tra xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều. Phối hợp với Hạt quản lý đê Thường Tín tiến hành kiểm tra, rà soát, xác định các trường hợp vi phạm luật về đê điều còn tồn tại trên địa bàn. Từ đó tổ chức tuyên truyền, vận động, xây dựng kế hoạch xử lý theo chỉ đạo của TP và huyện.

Qua đó, đến nay các xã đã tiến hành xử lý, giải tỏa được 14 trường hợp vi phạm luật đê điều. Trong đó, công trình vi phạm nhiều nhất tập trung tại xã Ninh Sở 10 và xã Hồng Vân 3 công trình. Cho đến nay, cả hai địa phương này đều đã xử lý được cơ bản xong dứt điểm các công trình vi phạm. Qua tuyên truyền, vận động, một số chủ công trình vi phạm luật đê điều đã hiểu rõ vấn đề và cùng UBND xã tháo dỡ công trình vi phạm.

Liên quan đến nội dung này, Chủ tịch UBND xã Ninh Sở Nguyễn Xuân Đạo thừa nhận lỗi do buông lỏng quản lý đất đai, xây dựng nên mới để xảy ra vi phạm. Để thực hiện theo chỉ đạo của TP và huyện, thời gian qua UBND xã đã quyết liệt vào cuộc tuyên truyền, vận động và xử lý dứt điểm được 8 công trình vi phạm đê điều, đất đai. Đến nay, chỉ còn một số công trình vi phạm không thuộc thẩm quyền nên UBND xã đã báo cáo, đề xuất để UBND huyện xử lý.

Nhằm lập lại trật tự trong công tác quản lý đất đai, xây dựng, UBND xã Ninh Sở đã quyết liệt vào cuộc tháo dỡ hàng loạt công trình vi phạm pháp luật về đê điều
Nhằm lập lại trật tự trong công tác quản lý đất đai, xây dựng, UBND xã Ninh Sở đã quyết liệt vào cuộc tháo dỡ hàng loạt công trình vi phạm pháp luật về đê điều

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản khẳng định: Đến nay, các xã có công trình vi phạm đê điều và đất đai đều cơ bản đã xử lý xong theo đúng tinh thần chỉ đạo. Công tác kiểm điểm trách nhiệm, kỷ luật cán bộ, lãnh đạo địa phương qua các thời kỳ cũng đã được hoàn tất theo hướng dẫn của các đơn vị để sớm ổn định tình hình. Đối với một số công trình vi phạm lớn thuộc thẩm quyền của huyện xử lý, đang được giao cho các phòng chuyên môn tham mưu hướng giải quyết.

Riêng một số công trình nhà xưởng lớn ở xã Ninh Sở do UBND xã trước đây cho thuê đất trái thẩm quyền, tuy đã được thanh lý hợp đồng từ năm 2017 đang được UBND huyện giao cho Phòng Tài chính và Phòng TNMT nghiên cứu hoàn thiện thủ tục truy thu tiền sử dụng đất trong 5 năm qua để nộp ngân sách nhà nước. Đồng thời, tìm hướng giải quyết việc các doanh nghiệp sử dụng đất làm mặt bằng sản xuất sao cho đảm bảo quyền lợi và đúng quy định của pháp luật.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần