“Cứu cánh” không còn hiệu nghiệm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính sách miễn học phí cho sinh viên (SV) sư phạm (SP) được thực hiện từ năm 1997 đã từng chiêu mộ được không ít người giỏi vào ngành SP.

Sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội trên giảng đường. 	Ảnh: Phạm Hùng
Sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội trên giảng đường. Ảnh: Phạm Hùng
Nhưng hiện giờ, chính sách được xem là “cứu cánh” cho ngành SP ấy đã không còn hiệu nghiệm khi nhân lực ngành SP đang bế tắc trong “khủng hoảng thừa”, chất lượng đầu vào và đầu ra ngành SP cũng gióng giả hồi chuông báo động…

Chỉ còn là động lực với sinh viên nghèo
GS Nguyễn Quang Ngọc – ĐH Quốc gia Hà Nội:
Ưu tiên xét học bổng“Cứu cánh” không còn hiệu nghiệm - Ảnh 1

Tôi nghiêng về chính sách ưu tiên hơn cho SV SP trong việc xét thưởng các học bổng lớn, học bổng quốc gia. Ví dụ, ở ngành học khác, SV được 10 học bổng, thì ngành SP được 50. Nhưng việc xét thưởng nghiêm túc, học bổng dành cho người có kết quả học tập giỏi, chứ không phải học cầm chừng. Cho SV SP vay không tính lãi suất cũng là giải pháp áp dụng được, để giúp các em có trách nhiệm hơn với việc học hành.
TS Đỗ Hồng Cường – Phó Hiệu trưởng ĐH Thủ đô Hà Nội:

Miễn lãi suất cho sinh viên sư phạm
“Cứu cánh” không còn hiệu nghiệm - Ảnh 2Chúng ta cứ để cho SV SP đóng học phí bình thường, nhưng sẽ có ưu tiên được vay vốn đóng học không phải trả lãi suất. Đó chính là biện pháp ràng buộc để SV có trách nhiệm với việc học hành. Còn đối với những SV con nhà nghèo, gia đình chính sách, Nhà nước đã có chính sách miễn, giảm học phí.
TS Nguyễn Tùng Lâm – Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng:

Giáo viên được trả lương cao
“Cứu cánh” không còn hiệu nghiệm - Ảnh 3Các trường SP cần được tự chủ để có quyền trả lương cho giáo viên cao tương đương lương DN. Cùng với đó là cần phải được củng cố, đảm bảo kế hoạch đào tạo và sử dụng phải đi liền với nhau. Đồng thời, đào tạo phải sát với thực tiễn để SV ra trường có việc làm, giống như hiện nay mọi người đổ xô vào học ngành công an, quân đội. Đối với những giáo viên đang dạy cũng phải bồi dưỡng, đào tạo, tuyển chọn, sử dụng và đãi ngộ đúng.
Anh Lục Văn Trường (Bộ Tài chính) - Cựu sinh viên ĐH SP Hà Nội:

Áp dụng chính sách trọng dụng nhân tài
“Cứu cánh” không còn hiệu nghiệm - Ảnh 4Theo tôi, nên bỏ quy định miễn học phí đối với SV SP, mà thay bằng chính sách trọng dụng nhân tài, trao các suất học bổng với giá trị cao; có chính sách cam kết về đầu ra cho những SV khá, giỏi có việc làm khi họ tốt nghiệp ra trường… Một yếu tố quan trọng nhất đối với SV SP khi tốt nghiệp ra trường theo kịp tình hình đổi mới GD&ĐT là các trường SP cần phải tiếp tục thay đổi phương pháp dạy học tiệm cận dần với chuẩn mực giáo dục và đào tạo quốc tế.

Các chuyên gia giáo dục đều thừa nhận, thời gian đầu chính sách miễn học phí cho SV SP thực sự là “đòn bẩy” giúp các trường đào tạo giáo viên chiêu mộ được thí sinh có điểm đầu vào cao, nhờ đó mà chất lượng đào tạo cũng được đẩy lên cao. GS Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Đại học (ĐH) SP Hà Nội còn nhớ, suốt từ năm 1997 đến năm 2006, điểm chuẩn vào trường luôn tăng cao hơn trước và ổn định. Điểm trúng tuyển ngành SP Ngữ văn lên tới 25, SP Toán lên tới 27. Nhưng những năm sau đó, điểm đầu vào giảm dần, SP Toán chỉ còn 21 - 22 điểm, có những ngành điểm trúng tuyển chỉ trên 16, cao hơn “sàn” ĐH do Bộ GD&ĐT quy định “tí ti”.

Tình cảnh này không chỉ có mặt ở riêng ĐHSP Hà Nội, mà là bức tranh chung của hệ thống đào tạo ngành SP. Ngoại trừ vài trường “lớn” như ĐHSP Hà Nội, ĐHSP TP Hồ Chí Minh, CĐ SP Hà Nội (nay là ĐH Thủ đô Hà Nội), những trường ĐH, CĐ SP khác rất khó tuyển sinh dù điểm chuẩn thấp, thậm chí ngành SP là lựa chọn cuối cùng của nhiều thí sinh. Nguyên nhân là bởi SP đã không còn là ngành “hot”, SV ra trường thất nghiệp ngày càng nhiều, cử nhân SP làm trái ngành cũng lắm... Hơn thế thu nhập lại thấp, chưa kể nhiều người có chuyên môn SP “rẽ ngang” sang nghề khác để đảm bảo cuộc sống. Nói như một nhà quản lý giáo dục: Chính sách này chỉ còn là động lực “gọi” những người nghèo lựa chọn ngành này. Như vậy, một chính sách rất nhân văn nhằm “đặt cao nhiệm vụ đào tạo giáo viên” như GS Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định, đã không còn đi đúng mục đích ban đầu của nó.

TS Đỗ Hồng Cường – Phó Hiệu trưởng ĐH Thủ đô Hà Nội phân tích: “Trong động lực làm nghề giáo có 2 yếu tố, thứ nhất là gia đình làm nghề và đầu ra xin việc. Nếu làm thống kê các em đi học SP có phải vì không có tiền, tôi tin là số lượng không nhiều. Rõ ràng, chính sách miễn học phí cho SV SP đến giai đoạn này không còn là động lực để các trường SP tuyển được SV giỏi”. Có đến hơn 40 năm làm nghề, GS Nguyễn Quang Ngọc – ĐH Quốc gia Hà Nội cũng khẳng định, SV SP được miễn học phí là không hợp lý. Bởi khi không phải đóng học phí, người ta mặc nhiên được hưởng số tiền đó nên chẳng cần cố gắng học hành. “Nếu đi học bằng đồng tiền bố mẹ chắt chiu dành dụm, người học sẽ có ý thức và trách nhiệm học thật tốt để ra trường xin được việc làm. Còn khi đi học bằng tiền của người khác cho, họ không thấy giá trị động viên, thúc đẩy, thậm chí khuyến khích kiểu lười học, học cầm chừng”. Về phía Nhà nước, đầu tư rất nhiều cho SV SP, nhưng với tình cảnh hiện tại thì rõ ràng là lãng phí. Chính vì thế mà nhiều chuyên gia giáo dục lên tiếng đề nghị thay chính sách miễn học phí bằng hình thức ưu tiên khác để nâng chất lượng giáo dục ngành SP, phục vụ việc đổi mới giáo dục, nhất là khi các trường được tự chủ thu học phí cao.

Siết chặt đầu vào, tăng đầu tư

Cơ chế nào hợp lý để thay thế chính sách miễn học phí cho SV SP là câu hỏi đầy hối thúc hiện nay. Rất nhiều chuyên gia có chung quan điểm nên để SV SP bình đẳng như những người học ngành nghề khác. Nghĩa là đã đi học thì phải đóng học phí theo hướng đủ thu bù chi. Hiện nay, chính sách cho SV vay tiền từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đóng học phí đang được thực hiện rất tốt. Tới đây, mức vay sẽ được điều chỉnh tăng lên sẽ góp phần giúp SV yên tâm học hành. GS Đào Trọng Thi ủng hộ việc bỏ quy định miễn học phí cho SV SP, và đề xuất hỗ trợ SV SP bằng cơ chế cho vay tín dụng. Nếu SV tốt nghiệp ra trường phục vụ trong ngành giáo dục, Nhà nước sẽ sẵn sàng xóa nợ, còn nếu làm ngành nghề khác thì phải hoàn trả số tiền đã vay đóng học. Đề xuất này được nhiều chuyên gia và cựu sinh viên SP đồng tình bởi đó là giải pháp công bằng và hữu hiệu nhất trong giai đoạn hiện nay.

Nhìn ở góc đầu tư cho ngành SP, GS Đinh Quang Báo đề nghị tiếp tục có chính sách ưu đãi cho những người học ngành SP theo hướng Nhà nước tăng đầu tư cho các trường SP, nhưng không tính theo đầu SV. Khi đó, các trường sẽ không “chạy đua” lượng chỉ tiêu mà tập trung nâng cao chất lượng đào tạo. Đây cũng là cách siết chỉ tiêu ngành SP và tăng chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo.

Và có lẽ điều quan trọng nhất để vực dậy ngành SP, thu hút người giỏi theo nghề giáo là Bộ GD&DT phải quy hoạch lại các trường SP, tính toán toàn quốc cần bao nhiêu giáo viên trong vài năm tới. Việc thống kê phải được chi tiết tới từng ngành, từng cấp học để các trường sư phạm dự tính được số chỉ tiêu mình cần tuyển trong từng năm. Có như thế, SV SP được đào tạo ra mới đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, giải tỏa được tình trạng “khủng hoảng thừa” nhân lực ngành SP hiện nay. Cũng từ đó mà người giỏi đủ tin cậy để chọn nghề SP, giáo viên sống được bằng nghề, kéo theo chất lượng đào tạo ngành SP được cải thiện.

Chắc chắn việc bỏ chính sách miễn học phí sẽ là nỗi lo với những SV nghèo đang học ngành SP lẫn các trường đang đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, nhìn rộng để thấy đây là một vấn đề liên quan đến lương, chính sách, nhu cầu nhân lực của xã hội, thì sẽ rõ thay đổi là một điều cần thiết để đổi mới giáo dục.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần