Ông có thể bình luận về nguy cơ Mỹ tấn công Syria sau căng thẳng vừa qua?
- Cho đến nay, Mỹ, Anh và Pháp đang tập trung các phương tiện chiến tranh đến vùng Địa Trung Hải, cách bờ biển Syria chỉ khoảng 100km. Tổng thống Mỹ hủy chuyến công du chính thức châu Mỹ Latinh. Chiến hạm Mỹ đã đưa tên lửa Tomahawk áp sát Syria và Bộ Quốc phòng Anh, Pháp đang tham mưu với Mỹ. Trong khi phía Nga cũng sẵn sàng với tinh thần cứng rắn. Các bên “thứ ba” như Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (LHQ) cũng đang bế tắc khi không thể thông qua nghị quyết liên quan tới việc tấn công hóa học tại Syria. Những dấu hiệu này đều cho thấy, nguy cơ xảy ra tấn công ở Syria là không thể loại trừ.
Mấu chốt của căng thẳng lần này là vụ tấn công bị Mỹ cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma, thưa ông?
- Đây là mấu chốt đáng ngờ bởi chính quyền Tổng thống Syria Bashar Al-Assad đang trên đà thắng ở trận địa Syria. Trước đó không lâu, quân đội nước này giải phóng hầu như hoàn toàn khu vực chiến lược Đông Ghouta, trong đó thị trấn Douma, nơi xảy ra vụ tấn công gây tranh cãi gần như là thành trì cuối cùng, đồng thời phe đối lập đã đầu hàng và bắt đầu được giải về phía Bắc giáp Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong tình hình Syria đã lấy lại được những TP lớn và cuộc xung đột đang bước vào giai đoạn cuối cùng thì vai trò của Mỹ lại mờ nhạt và Nga trở lại khu vực mạnh mẽ. Do đó, cuộc tấn công ở Douma chỉ là cớ để Mỹ tìm lại vai trò ở miếng bánh Syria. Trong khi đó, các bên liên quan như Anh, Pháp cũng đang tìm cách đối đầu với Moscow, đặc biệt khi cáo buộc Nga đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal chưa hạ nhiệt gần đây.
Vậy khả năng diễn ra tấn công chống Syria là rất lớn?
- Vẫn còn những hy vọng và dấu hiệu ngăn cuộc tấn công của Mỹ vào Syria. Tổng thống Mỹ ngày 9/4 đã tuyên bố 48 giờ tới sẽ quyết định tấn công Syria nhưng đến nay ông Trump vẫn chưa thể ra quyết định cuối cùng. Bên cạnh đó, nội bộ chính quyền Washington vẫn chưa được thống nhất. Trong khi Tổng thống Trump khẳng định có đầy đủ minh chứng về việc sử dụng vũ khí hóa học của Syria với dân thường thì tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis gần đây lại khẳng định Washington đang xem xét thận trọng về nguy cơ này.
Bên cạnh đó cũng phải lưu ý, nếu mục tiêu giành lại ảnh hưởng ở Syria của Tổng thống Mỹ không đạt được, trái lại sẽ khiến ông chủ Nhà Trắng mất điểm trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ. Trận đánh này đối với ông Trump mà nói, nếu có xảy ra, là “phải thắng”, do đó sẽ cần phải đắn đo và xem xét kỹ.
Dù có hay không xảy ra chiến tranh, căng thẳng lần này sẽ ảnh hưởng tới cục diện tại Syria như thế nào?
- Trường hợp Mỹ có tấn công Syria bằng tên lửa như đã thực hiện hồi tháng 4/2017 thì cũng không thay đổi được cục diện chiến trường tại đây. Nếu không dùng quân đổ bộ như ở trận địa Iraq hồi năm 2003, thì hơn 400 tên lửa không đủ ảnh hưởng. Trong khi đó, Syria đã tuyên bố di chuyển các phương tiện quân sự vào căn cứ quân sự của Nga do đó nếu thực sự đối đầu trực diện thì Moscow sẽ không ngại đáp trả mạnh mẽ.
Các giải pháp cho Syria đã được nhất trí giữa các bên liên quan do đó, việc leo thang căng thẳng và nguy cơ tấn công về cơ bản không làm thay đổi tiến trình giải quyết khủng hoảng này.
Xin cảm ơn ông!