Thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ - Syria

Cứu nạn sắp kết thúc, vẫn còn người sống sót kỳ diệu từ đống đổ nát

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một tuần sau trận động đất chết chóc nhất lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra vào rạng sáng ngày 6/2, lực lượng cứu hộ tại nước này vẫn kéo được một số người còn sống ra khỏi đống đổ nát, khi chiến dịch giải cứu quốc tế đang sắp sửa kết thúc.

Các nhân viên cứu hộ đưa Kaan, một thiếu niên Thổ Nhĩ Kỳ 13 tuổi, lên xe cấp cứu sau 182 giờ nằm dưới đống đổ nát ở Hatay, hôm 13/2. Ảnh: REUTERS
Các nhân viên cứu hộ đưa Kaan, một thiếu niên Thổ Nhĩ Kỳ 13 tuổi, lên xe cấp cứu sau 182 giờ nằm dưới đống đổ nát ở Hatay, hôm 13/2. Ảnh: REUTERS

Reuters ngày 13/2 đưa tin, ở Kahramanmaras (Thổ Nhĩ Kỳ) - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề, lực lượng cứu hộ đang cố gắng tiếp cận một bà ngoại và hai mẹ con trong một gia đình, những người đang có dấu hiệu sống sau trận động đất và dư chấn mạnh 7,8 độ richter ngày 6/2 - đã giết chết hơn 37.000 người ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, tính đến thời điểm này.

Vẫn còn những tia hy vọng. Một cậu bé 13 tuổi hôm 13/2 đã được kéo ra ngoài và còn sống, sau khi trải qua 182 giờ bên dưới một tòa nhà bị tàn phá ở tỉnh Hatay, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Giới chức thông báo một bé gái tên Miray cũng đã được tìm thấy còn sống ở thành phố Adiyaman, Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi đài truyền hình quốc gia TRT đưa tin một bé gái 10 tuổi đã được giải cứu ở Kahramanmaras.

Theo Reuters, ít nhất 2 trẻ em và 3 người lớn khác cũng đã được giải cứu sau 72 giờ đầu tiên được cho là "thời gian vàng" để tìm thấy người sống sót, ngay cả khi nhiều bên bắt đầu giảm quy mô hoạt động cứu nạn do nhiệt độ thấp được cho đã làm giảm cơ hội sống sót vốn mong manh. Lực lượng cứu hộ Ba Lan tuyên bố họ sẽ rời Thổ vào ngày mai (15/2).

Tại thành phố Aleppo bị tàn phá ở Syria, giám đốc viện trợ của Liên hợp quốc (LHQ) Martin Griffiths cho biết giai đoạn giải cứu "sắp kết thúc", với trọng tâm chuyển sang nơi trú ẩn, thực phẩm và trường học. Cuối ngày 13/2, các nhà ngoại giao cho biết Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã đồng ý cho phép thêm viện trợ của LHQ vào đất nước từ Thổ Nhĩ Kỳ. Cho đến nay mới chỉ có một lần mở, làm chậm dòng viện trợ cần thiết vào Syria.

Cơ quan quản lý thảm họa và tình trạng khẩn cấp cho biết, tính đến ngày 13/2, số người thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt qua con số 31.643 người thiệt mạng trong trận động đất năm 1939, khiến nó trở thành trận động đất tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại của quốc gia này.

Tổng số người chết ở Syria - một quốc gia đã và đang bị tàn phá do hơn một thập kỷ nội chiến - hiện lên tới 5.714 người, bao gồm cả những người thiệt mạng ở cả khu vực quân nổi dậy và khu vực do Chính phủ kiểm soát.

Đây là thảm họa thiên nhiên gây ra cái chết của nhiều người thứ 6 trong thế kỷ này, sau trận động đất từng khiến ít nhất 73.000 người thiệt mạng ở Pakistan vào năm 2005.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện phải đối mặt với thiệt hại ước tính lên tới 84 tỷ USD, khi Bộ trưởng Đô thị hóa Thổ Nhĩ Kỳ Murat Kurum cho biết khoảng 42.000 tòa nhà, trên 10 thành phố của nước này, đã bị tàn phá hoặc bị hư hại nghiêm trọng cần phải tu sửa.

Chia sẻ Reuters, hàng chục người dân thể hiện sự hoang mang trước tình trạng thiếu nước, thực phẩm, thuốc men, trong đó nhiều người chỉ trích phản ứng quá chậm và tập trung của Cơ quan Quản lý Khẩn cấp và Kỹ thuật Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD).

"Mọi người không chết vì động đất, họ chết vì các biện pháp phòng ngừa và cứu nạn không được thực hiện sớm hơn" - Ismail Yuvarlak, 42 ​​tuổi, đến Kahramanmaras từ Istanbul, nói sau khi chôn cất người thân của anh.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan - đang đối mặt với thách thức lớn nhất trong hai thập kỷ cầm quyền khi cuộc bầu cử sự kiến vào tháng 6 đang đến gần - thừa nhận các thiếu sót trong phản ứng đầu tiên sau động đất, nhưng khẳng định tình hình hiện đã được kiểm soát.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần