Liên quan đến việc xử lý bất cập tại Trạm BOT Cai Lậy, hôm nay (14/10), Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Tiền Giang - Trần Văn Bon thông tin, địa phương đã chọn ra được phương án được cho là hợp lý nhất.
Theo đó, phương án được chọn là xây dựng thêm trạm thu phí trên tuyến tránh và thực hiện thu phí đồng thời cả hai trạm. Đây là phương án thứ 2 trong 2 phương án Bộ GTVT đưa ra trước đó.
Với phương án này, sẽ có thêm một trạm BOT nữa được xây trên tuyến tránh Cai Lậy và thực hiện thu phí đồng thời cả hai trạm, trạm nào hoàn vốn xong sẽ dỡ trạm đó. Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ và địa phương tổ chức sẽ thực hiện phân luồng giao thông theo hướng cho xe lớn di chuyển trên tuyến tránh nhằm tránh kẹt xe và gây ô nhiễm môi trường QL1 đoạn qua thị xã Cai Lậy.
Trong khi đó, phương án thứ nhất mà Bộ GTVT đưa ra không được tỉnh Tiền Giang lựa chọn, Đó là phương án thu như cũ và miễn giảm giá vé cho phương tiện của 41 xã, phường, thị trấn quanh trạm (tương đương bán kính 10km), hộ kinh doanh được giảm 50%, hộ không kinh doanh được miễn vé khi qua trạm, xe buýt được miễn vé; đồng thời, giảm giá vé chung cho tất cả các phương tiện qua đây so với mức giá vé đã được ấn định ban đầu khi tổ chức thu phí (năm 2017).
Được biết, vừa qua Bộ GTVT cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để quyết định phương án thu phí trở lại đối với dự án BOT Cai Lậy, tuy nhiên do Thủ tướng giao Bộ GTVT quyết định nên vẫn đang chờ ý kiến của bộ này.
Trong một diễn biến khác liên quan, vào ngày 11/10, trong buổi làm việc với đoàn công tác Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất với Bộ GTVT và nhà đầu tư báo cáo Chính phủ chấp thuận chủ trương giải pháp tổng thể xóa trạm thu phí BOT Cai Lậy và tổ chức thu phí trở lại cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương.
Lí do được đưa ra là dự án tuyến tránh Cai Lậy đang có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp từ hiện trạng này, đồng thời nhà đầu tư đang lâm vào khó khăn, gây rủi ro cho việc thu hồi vốn của Ngân hàng BIDV do bị dừng thu phí gần 2 năm nay.
Trong khi đó, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương dừng thu phí từ cuối năm 2018 đến nay dẫn đến không kiểm soát được lưu lượng và tải trọng phương tiện, làm hư hỏng, xuống cấp tuyến đường cao tốc, gây mất an toàn giao thông. Sự gia tăng phương tiện lưu thông trên cao tốc dẫn đến giảm lưu lượng trên QL1, nguy cơ không thể hoàn vốn cho các dự án trên QL1.