Đã có 42 người tử vong vì bệnh Dại

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm 2021 đến nay, bệnh Dại trên đàn vật nuôi (chủ yếu là chó) tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Bộ NN&PTNT đang tích cực triển khai nhiều giải pháp khống chế, ngăn ngừa sự lây nhiễm của bệnh dịch này.

Nguy cơ tử vong từ bệnh Dại trên vật nuôi là rất đáng lo ngại.
Thông tin từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết từ đầu năm 2021 đến nay, diễn biến bệnh Dại trên vật nuôi (chủ yếu là chó) diễn biến rất phức tạp. Đến nay, đã có ít nhất 42 người tử vong vì bệnh Dại tại 22 tỉnh, TP (trong đó có 1 trường hợp tại Hà Nội). Tín hiệu tích cực là con số này giảm 15 trường hợp so với năm 2020. 
Từ đầu năm 2021 đến nay, công tác giám sát bệnh Dại trên chó đã được triển khai thực hiện tại 11 tỉnh, TP với tổng số 126 mẫu được xét nghiệm. Trong đó, ghi nhận 57 mẫu dương tính, chiếm tỷ lệ 45,24%. Đây là các mẫu được lấy từ chó nghi mắc bệnh Dại nên tỷ lệ dương tính là khá cao.
Cũng theo cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn đã qua của năm 2021, đã có trên 11.700 con chó thả rông, không xích nhốt, đeo rọ mõm được xử lý tại 22 tỉnh, TP. Công tác quản lý đàn vật nuôi được nhiều tỉnh, TP quan tâm, tuy nhiên, vẫn có địa phương chưa thực sự chú trọng công tác này.
Phó Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị đã thực hiện giám sát, lấy mẫu các trường hợp chó nghi mắc bệnh Dại. Kết quả, đã phát hiện 50/94 (53%) mẫu dương tính với vi rút Dại tại 11 tỉnh, cao nhất tại Lạng Sơn có 19/22 (86%) mẫu dương tính, sau đó là Phú Thọ có 14/41 (34%) mẫu dương tính. Cục Thú y đã có văn bản cảnh báo và chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh Dại.
Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, hiện nay, các biện pháp phòng, chống bệnh Dại được thực hiện theo Quyết định số 193/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại, giai đoạn 2017 - 2021. Mới đây, Bộ NN&PTNT cũng ban hành Công văn số 1177/BNN-TY đề nghị UBND các tỉnh, TP quán triệt, tổ chức triển khai kịp thời, đầy đủ và có hiệu quả các nội dung năm cuối (năm 2021). 
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng đang tích cực phối hợp với các bộ ngành, địa phương để xin ý kiến góp ý vào dự thảo “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022 - 2030”. Tinh thần chung của Bộ NN&PTNT là sẽ tiếp thu đầy đủ, tiến tới hoàn thiện dự thảo Chương trình để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong thời gian sớm nhất.