Đã có kết quả vụ 5 người nghi ngộ độc rượu ở Hà Nội

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội đã có báo cáo kết thúc điều tra, giám sát bệnh nhân ngộ độc methanol tại thôn Trát Cầu, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Theo đó, Chi cục ATVSTP Hà Nội giám sát định kỳ tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận một số bệnh nhân ngộ độc methanol, Chi cục ATVSTP Hà Nội phối hợp các đơn vị liên quan điều tra, giám sát, xử lý.

Trước đó, như báo Kinh tế & Đô thị đã đưa tin, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 4 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngộ độc methanol (cồn công nghiệp).

Bác sĩ tại Trung tâm Chống độc khám cho bệnh nhân ngộ độc rượu chứa cồn methanol.
Bác sĩ tại Trung tâm Chống độc khám cho bệnh nhân ngộ độc rượu chứa cồn methanol.

Theo người nhà bệnh nhân, trưa 20/7, 4 bệnh nhân này đã ăn tiệc cưới tại gia đình bà N.T.H. (thôn Trát Cầu, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín).

Tiệc cưới có 15 mâm/90 người ăn với thực đơn gồm: gà luộc, tôm chiên, bò chiên, bê xào, chả mực, canh bóng, ngồng cải luộc, cơm trắng và rượu ngâm táo mèo. Loại rượu này được gia đình bà N.T.H. mua của ông P.Q.T. (ở TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) với số lượng 30 lít.

Đến 18 giờ 15 phút cùng ngày, 4 bệnh nhân này và một người đàn ông tên là Đ.V.C. (56 tuổi ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) tiếp tục uống rượu còn lại trong tiệc cưới tại nhà của một người trong nhóm. Mỗi người uống khoảng 500ml đến 1.000ml. Sau đó, các bệnh nhân xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu... được gia đình đưa vào bệnh viện điều trị. Đến nay, các bệnh nhân sức khỏe của ổn định và đã ra viện.

Riêng ông Đ.V.C. về nhà ngủ vào đêm 21/7. Đến sáng 22/7, bệnh nhân dậy tắm giặt, ăn uống, sinh hoạt tại nhà. Sáng cùng ngày, bệnh nhân có triệu chứng đau bụng, nôn ra máu 2 lần. Đến sáng 23/7, bệnh nhân tử vong không rõ nguyên nhân. Bệnh nhân không có tiền sử nghiện rượu, không có bệnh mạn tính.

Trung tâm Chống độc tiến hành xét nghiệm mẫu rượu các nạn nhân ngộ độc uống tại đám cưới ở Thường Tín, Hà Nội.
Trung tâm Chống độc tiến hành xét nghiệm mẫu rượu các nạn nhân ngộ độc uống tại đám cưới ở Thường Tín, Hà Nội.

Trước sự việc trên, tổ điều tra, giám sát tiến hành lấy 2 mẫu rượu ngâm táo mèo (gồm: 1 mẫu tại gia đình tổ chức đám cưới và 1 mẫu rượu tại nhà của một người trong nhóm 5 bệnh nhân) gửi cơ quan kiểm nghiệm. Kết quả:

Mẫu rượu táo mèo tại nhà bà N.T.H. hàm lượng Methanol 5,87 x105. Mẫu rượu táo mèo nhà bệnh nhân Đ.D.T. hàm lượng Methanol 6,01 x 105. Số rượu còn lại tại bà N.T.H. và ông Đ.D.T. (khoảng 7 lít rượu) tiêu hủy theo quy định.

Ngoài ra, 4 bệnh nhân ngộ độc methanol có nồng độ methanol trong máu từ 51mg/dL đến 188,8mg/dL. Rượu ngâm táo mèo là rượu gây ra vụ ngộ độc nói trên.

Liên quan đến sự việc trên, Chi cục ATVSTP Hà Nội đề nghị phòng Y tế huyện Thường Tín tham mưu UBND huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan tiêu hủy rượu còn lại tại nhà bà N.T.H. và ông Đ.D.T. theo quy định.

Bệnh nhân ngộ độc rượu chứa cồn Methanol đang được lọc máu tại Trung tâm Chống độc
Bệnh nhân ngộ độc rượu chứa cồn Methanol đang được lọc máu tại Trung tâm Chống độc

Cùng với đó, các đơn vị, địa phương tăng cường thông tin và hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm ATTP trong sản xuất kinh doanh rượu. Đơn vị, địa phương tuyên truyền cho nhóm đối tượng nghiện rượu tuyệt đối không sử dụng rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không sử dụng cồn y tế, cồn sát trùng pha chế thành rượu để uống.

Người dân tuyệt đối không sử dụng các loại rượu trôi nổi, không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy phép, không bảo đảm kỹ thuật được bày bán trên thị trường. Đồng thời, cơ quan chức năng khuyến cáo người tiêu dùng nên chọn thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Mặt khác, các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát việc bảo đảm ATTP tại cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, tập trung vào các cơ sở nấu rượu thủ công, rượu pha chế tại nhà hàng, thức ăn đường phố, quán giải khát, quán ăn, quầy tạp hóa... Truy xuất nguồn gốc rượu không đảm bảo chất lượng ATTP. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện ATTP.

Ngoài ra, công khai các hành vi phạm, kết quả xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng. Các đơn vị, địa phương phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ ngộ độc methanol, cấp cứu, điều trị kịp thời.