Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đã có phương án bảo đảm an toàn cho lao động Việt Nam ở Libya

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình hình Libya đang diễn ra phức tạp, chiến sự đang có dấu hiệu leo thang và lan...

Kinhtedothi - Tình hình Libya đang diễn ra phức tạp, chiến sự đang có dấu hiệu leo thang và lan rộng, đặc biệt tại hai thành phố lớn Tripoli và Benghazi. Các nước có nhiều lao động tại Libya như Philippines đã yêu cầu công dân rời khỏi nước này, Thái Lan cũng khuyên lao động về nước. Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh chưa có kế hoạch cụ thể...

Di tản lao động khi cần thiết

Trước tình hình đó, chiều ngày 29/7, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang gấp rút báo cáo Chính phủ về phương án bảo vệ an toàn cho lao động Việt Nam đang làm việc tại Libya.

 
Lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng trở về nước.
Lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng trở về nước.
Theo thống kê, hiện còn khoảng 1.550 lao động Việt Nam đang làm việc tại Libya; trong đó có hơn 200 lao động làm việc tại các thành phố Tripoli và Benghazi, hai khu vực tình trạng an ninh đang bất ổn, còn lại đa số người lao động đang làm việc cách vùng an ninh bất ổn hàng trăm kilômét.

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, ngay từ đầu tháng Bảy, khi tình hình Libya có dấu hiệu không ổn định, hàng tuần, thậm chí hàng ngày, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, doanh nghiệp đều có liên lạc với người lao động và Đại sứ quán Việt Nam tại Libya. Hiện nay, theo báo cáo của doanh nghiệp và đại sứ quán, tại khu vực gần nơi có biến động, lao động được yêu cầu không ra ngoài, lương thực thực phẩm được cung cấp đầy đủ. Một số ít lao động ở vùng an ninh bất ổn đang ở các khu vực được đảm bảo an toàn.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đưa ra các phương án tùy theo tình hình chiến sự tại Libya như sau: Tại các khu vực có nguy cơ xung đột, mất an ninh thì yêu cầu theo dõi, nếu có tình huống nguy hiểm thì ngay lập tức di tản lao động.

“Trước mắt, doanh nghiệp đã thông báo để người lao động nắm rõ tình hình, biết các biện pháp sơ tán khi cần thiết,” ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết.

79 lao động về nước vì công trình bị tạm dừng

Trong số lao động Việt Nam sang Libya làm việc (1.750 người), bên cạnh 1.550 lao động vẫn đang ở nước này thì có khoảng 200 lao động Việt Nam làm việc cho một tập đoàn của Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya đã được tập đoàn này đưa về Thổ Nhĩ Kỳ để đảm bảo an toàn.

Ông Nguyễn Đức Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty cung ứng nguồn nhân lực SONA, công ty đã đưa hơn 500 lao động sang Libya làm việc, trong đó có hơn 200 lao động được sơ tán sang Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, do tập đoàn của Thổ Nhĩ Kỳ tạm dừng công trình tại Libya nên số lao động Việt Nam làm việc theo hợp đồng công trình tại đây phải sơ tán và trở về nước, khi tình hình ổn định trở lại, công ty cam kết sẽ nhận lao động trở lại làm việc. Đây cũng là công ty đã nhận lao động từng đi làm việc tại Libya trở về năm 2011.

“Tối nay (29/7), một nhóm 79 lao động được bố trí bay về Việt Nam. Những lao động còn lại cũng sẽ được đưa về Việt Nam hoặc bố trí làm việc tại các công trình của công ty tại các nước khác nếu có. Những lao động này đã làm việc tại Libya từ 4-17 tháng với mức thu nhập khoảng 600-700 USD/tháng.” ông Nguyễn Đức Nam cho biết.

Trước đó, sau những biến động chính trị xảy ra ở Libya vào năm 2011, tháng 2/2012, khi tình hình Libya ổn định, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã báo cáo Chính phủ tiếp tục thí điểm đưa lao động đi làm việc ở Libya. Hợp đồng lao động đi làm việc ở thị trường phải có điều khoản về bảo đảm an toàn trong trường hợp khẩn cấp. Doanh nghiệp phải nêu rõ phương án xử lý, trách nhiệm của các bên trong trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn vì lý do bất khả kháng trong hợp đồng cung ứng và hợp đồng lao động./.