Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đa dạng hoạt động học tập để học sinh được thể hiện

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh (HS) là yêu cầu cần thiết của nền giáo dục hiện đại.

Đây cũng là yếu tố then chốt để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nhưng đổi mới thế nào, bắt đầu từ đâu?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Chia sẻ vấn đề này, cô Phạm Thị Thu Hường - Giáo viên dạy Sinh học, trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực HS tức là: Học có hiệu quả hơn, bài học sinh động hơn; quan hệ giữa giáo viên với HS, HS với HS phải tốt hơn; giáo viên có nhiều cơ hội giúp đỡ HS; HS tự đánh giá được nỗ lực của mình.

Theo cô Hường, “Dạy học tích cực chỉ thực sự diễn ra khi HS có được sự thoải mái. Người thầy cần tạo không khí nhẹ nhàng, hài hước, không gây căng thẳng trong quá trình học tập. Với quan điểm học mà chơi, chơi mà học, giáo viên có thể thiết kế các trò chơi cho HS trong những khâu kiểm tra bài cũ, củng cố, thậm chí trong quá trình giảng bài mới… Ngoài ra, cần đa dạng các hình thức học tập để HS có nhiều cơ hội thể hiện mình và phát huy sở trường riêng. Mỗi HS có trình độ phát triển, nhịp độ học tập, năng lực nhận thức khác nhau. Do đó, khi giáo viên giao nhiệm vụ cho HS, các yêu cầu phải rõ ràng, cụ thể, chi tiết.

Mỗi học trò có thế mạnh khác nhau, có HS thích đọc sách tìm kiếm kiến thức, có HS thích trải nghiệm thông qua hoạt động thực tế, có HS giỏi tư duy logic… Bởi vậy, người thầy rất cần phải đa dạng hóa hoạt động học tập để mỗi HS có thêm cơ hội thể hiện mình. Bên cạnh đó, gắn nội dung bài học với thực tế. Tận dụng mọi cơ hội có thể để HS gắn được nội dung bài học với thực tế, tình huống thật, đưa HS lại gần đời sống thực…

Để làm được như trên, đòi hỏi giáo viên phải có trách nhiệm. Người thầy phải thực sự muốn đổi mới và không ngại khó, ngại khổ. Sau mỗi tiết dạy, cần suy nghĩ: Ngày hôm nay, mình đã thành công và thất bại ở đâu? Tại sao dạy lớp này thành công nhưng lại chưa đạt ở lớp khác. Mình phải đổi mới cái gì, thay đổi thế nào để phù hợp với HS. Người thầy phải có thái độ tích cực, thân thiện gần gũi với HS; đặc biệt, phải có nhạy cảm sư phạm, linh hoạt, sáng tạo trong vận dụng phương pháp dạy học, tổ chức các hoạt động dạy học đảm bảo tương tác giữa người dạy và người học, người học và người học”.