Các công đoàn, công nhân, viên chức, lao động đã gửi những câu hỏi này tới chuyên gia tham gia buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Nâng cao kiến thức pháp luật về lao động, công đoàn và bảo hiểm xã hội” do báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động quận Long Biên tổ chức, ngày 27/9.
Về câu hỏi, các đơn vị sự nghiệp có được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với cán bộ, công chức, viên chức, bà Vũ Minh Huyền – Phó Trưởng phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ TP Hà Nội phản hồi: Điều 29 Luật Viên chức năm 2010 có quy định cụ thể về đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc. Theo đó, đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức trong các trường hợp:
+ Viên chức có 2 năm liên tiếp bị phân loại đánh giá ở mức độ không hoàn thành nhiệm vụ;
+ Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 12 tháng liên tục, viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 6 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục. Khi sức khỏe của viên chức bình phục thì được xem xét để ký kết tiếp hợp đồng làm việc.
+ Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ làm cho đơn vị sự nghiệp công lập buộc phải thu hẹp quy mô, khiến vị trí việc làm mà viên chức đang đảm nhận không còn;
+ Khi đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
+ Viên chức không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự.
Chuyên gia Vũ Minh Huyền cũng cho biết, theo quy định của Luật Viên chức, viên chức được tuyển dụng theo 3 hình thức là: thi tuyển, xét tuyển và tiếp nhận. Nếu đơn vị tự chủ 100% mà theo Nghị định 60 là đơn vị nhóm 2 thì hoàn toàn có thẩm quyền xét tuyển và đưa ra hình thức xét tuyển viên chức.
Nếu đơn vị chưa phải là đơn vị tự chủ chi thường xuyên, mà chỉ tự chủ một phần hoặc được chi 100% thì thẩm quyền tuyển dụng viên chức là thuộc về UBND quận/huyện ra quyết định, lựa chọn hình thức; không có trường hợp ưu tiên đối với những trường hợp đã ký hợp đồng lâu năm. Tuy nhiên, nếu có được tuyển thì những trường hợp này sẽ được xem xét về thời gian hợp đồng để xét lương cũng như nâng bậc lương.
Bà Minh Huyền cũng thông tin về việc đối với Luật Viên chức sửa đổi, khi tuyển dụng thì viên chức sẽ được ký hợp đồng làm việc tối đa 5 năm, sau đó họp để đánh giá. Hiện chưa có văn bản nào quy định cần phải sát hạch lại viên chức.
Ngoài vấn đề về xét tuyển viên chức, các đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động còn hỏi chuyên gia những vấn đề thiết thân như hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…
Những câu hỏi đó đã được các chuyên gia tư vấn nhiệt tình, giải đáp thỏa đáng giúp cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động, người sử dụng lao động nắm rõ hơn, hiểu đúng hơn về pháp luật để tự bảo vệ quyền lợi của chính mình. Cũng như hạn chế những xung đột, mâu thuẫn trong quan hệ lao động, tạo môi trường làm việc dân chủ, gắn bó, cống hiến hết mình với cơ quan, đơn vị, DN vì mục tiêu phát triển bền vững.