Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đa lợi ích từ nuôi giun quế

Hồng Đạt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mô hình nuôi giun quế của anh Phùng Văn Nam ở xã Minh Châu, huyện Ba Vì ngoài mang lại hiệu quả kinh tế cao còn góp phần bảo vệ môi trường.

 Mô hình nuôi giun quế của anh Phùng Văn Nam ở Minh Châu, Ba Vì.
Năm 2015, sau khi hoàn thành lính nghĩa vụ trong ngành công an, anh Phùng Văn Nam trở về quê hương phát triển kinh tế. Nhận thấy địa phương mình có nghề chăn nuôi bò rất phát triển, tổng đàn bò toàn xã lên tới trên 4.100 con, trong đó đàn bò sữa là hơn 1.000 con, tuy hiệu quả kinh tế mang lại cao nhưng lượng chất thải từ đàn bò thải ra là rất lớn, gây ô nhiễm môi trường. Anh Nam đã quyết định nuôi giun quế, vừa để phát triển kinh tế gia đình, vừa giải quyết được bài toán môi trường cho quê hương.
Để có kiến thức nuôi giun quế, anh đã dành gần một năm để đi học hỏi ở rất nhiều trại nuôi giun quế đã thành công trước đó và học hỏi trên sách báo. Đến nay, sau hơn 3 năm triển khai mô hình, trang trại giun quế của anh có diện tích hơn 900m2. Theo anh Nam, nuôi giun quế không khó, chuồng trại không cần phải kiên cố, cốt nhất là đảm bảo thoáng mát và độ ẩm. Để đạt được các tiêu chuẩn này, trên mái chuồng nuôi, anh Nam tận dụng trồng thêm các loại cây leo như gấc, mướp, bầu, thiên lý… Ngoài ra, anh còn lập website riêng về trại nuôi giun quế của mình để giới thiệu sản phẩm đến khách hàng.
Bên cạnh ý nghĩa bảo vệ môi trường, nuôi giun quế còn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trung bình 1,5 tháng, trại giun quế của anh Nam lại xuất ra từ 20 - 30 tấn sinh khối để phục vụ việc bán giống cho các hộ nông dân trong và ngoài huyện với giá bán từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Ngoài việc bán sinh khối, khoảng 4 tháng, anh Nam lại thu hoạch phân do giun quế xử lý, mỗi lần thu từ 1 – 1,2 tạ, với giá bán 3.000 đồng/kg. “Nhờ nuôi giun quế mà mỗi năm gia đình tôi thu nhập trên 800 triệu đồng. Nếu phân giun quế được phơi khô, xử lý tốt, ép thành viên thì giá bán có thể cao hơn và hiệu quả kinh tế còn cao hơn nữa” – anh Nam cho biết.
Theo anh Nam, dư địa để phát triển mô hình này ở Minh Châu còn rất lớn. Ngoài nguyên liệu chăn nuôi dồi dào, hiện nay nhu cầu sử dụng phân giun quế trong canh tác nông nghiệp hữu cơ rất cao. Vì vậy thời gian tới, anh tiếp tục liên kết với một số hộ gia đình ở trong xã phát triển mô hình này.