Đa nền tảng, vì công dân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc cách mạng của công nghệ kỹ thuật số đã tác động rất lớn đến đời sống báo chí toàn...

Kinhtedothi - Cuộc cách mạng của công nghệ kỹ thuật số đã tác động rất lớn đến đời sống báo chí toàn cầu. Theo đó, doanh thu báo in toàn cầu tiếp tục sụt giảm nhanh chóng, trong khi báo điện tử đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ mạng xã hội như Facebook, Twitter, Google+, Youtube… Và chính sự thay đổi trong cách thức tiếp cận, thu nhận thông tin của độc giả, khán giả đã buộc các cơ quan báo chí truyền thông cũng phải đổi thay để thích nghi, tồn tại.

Sự suy thoái của báo in trong hơn một thập kỷ qua là điều không phải bàn cãi nhưng những biến đổi rất nhanh của công nghệ đã khiến báo chí đa phương tiện (còn gọi là báo chí hội tụ) thất thế trước báo chí đa nền tảng. Là loại hình báo chí mà độc giả có thể tiếp cận mọi lúc mọi nơi trên tất cả các nền tảng khác nhau với những thiết bị khác nhau từ máy tính, thiết bị cầm tay, rất dễ để lý giải sự “lên ngôi” của báo chí đa nền tảng trong thời đại người người có smartphone, iPad, Notebook...
Tờ báo trực tuyến De Correspondent ra đời và vận hành nhờ sự đầu tư của độc giả.
Tờ báo trực tuyến De Correspondent ra đời và vận hành nhờ sự đầu tư của độc giả.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh và xu thế nào, bên cạnh những điều kiện khó khăn cũng vẫn có cơ hội để báo chí tồn tại và phát triển.

Báo chí vì công dân

Rob Wijnberg – nhà sáng lập của De Correspondent – một tờ báo trực tuyến của Hà Lan đã dí dỏm so sánh: sự kết hợp giữa báo chí với mạng truyền thông xã hội có thể không phải là một cuộc hôn nhân hạnh phúc nhưng mang lại trải nghiệm mới và đầy thú vị. Xuất phát từ quan điểm đó, đội ngũ biên tập viên của De Correspondent có cách tiếp cận khá thực tế là “mượn” sức mạnh của truyền thông đa phương tiện để tăng sức mạnh của một xu thế báo chí mới – mang tính xây dựng, vì công dân.

Thực ra, trong những cuộc tranh cãi giữa các triết gia, nhà chính trị, nghệ sĩ, nhà báo xuyên suốt hàng trăm năm về “nghệ thuật vị nghệ thuật” hay “nghệ thuật vị nhân sinh”, đáp án mà ai cũng phải thừa nhận là nghệ thuật phải vì con người, do con người và cho con người. Thành công từ mô hình báo chí tại châu Phi – nơi báo in từ lâu đã không thể tiếp cận người dân vì điều kiện địa lý, truyền thông đa phương tiện chẳng có “đất sống” do 88% dân số không có điện thoại thông minh cho thấy, nếu thực sự đặt mục tiêu vì công dân, báo chí vẫn có thể tồn tại. Nhờ cung cấp các thông tin thiết thực giúp ngăn chặn dịch bệnh và tăng sản lượng sữa, iCow – bản tin qua MMS đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nông dân Kenya.

Tương tự như vậy, các nhà báo như Rob Wijnberg nhà sáng lập của De Correspondent mong muốn hình thành một nền báo chí mang tính xây dựng và là trung tâm của mô hình phúc lợi toàn cầu. Trong các bài viết do phóng viên De Correspondent thực hiện, thay vì chỉ tập trung phản ánh vấn đề tham nhũng, quản lý yếu kém với giọng điệu phê phán tiêu cực, nội dung còn đề cập đến giải pháp, bài học kinh nghiệm với tư duy mang tính xây dựng và thiện chí hơn. Báo chí mang tính xây dựng cũng khuyến khích hòa giải trong các cuộc tranh luận chính trị, đặc biệt là giai đoạn diễn ra những cuộc bầu cử quan trọng.

Độc giả - nhà đầu tư tốt nhất

Sự ra đời của những ứng dụng mua tin như paywalls, micropayments giành cho điện thoại thông minh, máy tính bảng cũng phản ánh một xu thế tất yếu của báo chí hiện đại. Báo chí thay vì đưa tin theo phương thức truyền thống, theo định hướng và chủ trương của cơ quan chủ quản, của chủ bút nay phải thay đổi phương thức đưa tin theo nhu cầu của độc giả.

Trên thực tế, theo một báo cáo nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania, những tin tức, phóng sự đề cập đến nội dung tiêu cực thường khiến mọi người cảm thấy tuyệt vọng, trong khi các tin tức có nội dung mang tính xây dựng, thiện chí thường thúc đẩy độc giả và xã hội hành động theo xu hướng tích cực. Ngoài ra, những bài viết về các kỳ tích, chuyện lạ có ý nghĩa tích cực cũng được độc giả chia sẻ trên mạng xã hội nhiều hơn là những bài viết gây nên sự sợ hãi hoặc giận dữ.

Những kết quả nghiên cứu này phần nào lý giải nguyên nhân vì sao De Correspondent sau 2 năm thành lập đã trở thành một hiện tượng đặc biệt trên thị trường báo chí châu Âu. De Correspondent có lẽ cũng là tờ báo duy nhất thế giới ra đời, vận hành và hoạt động hoàn toàn nhờ vào tiền tài trợ của độc giả chứ không phải từ doanh thu quảng cáo. Tháng 3/2013, Rob Wijnberg khi đó vừa rời vị trí Tổng biên tập của một tờ báo cho thanh niên nrc.next đã tuyên bố ý tưởng phát hành một ấn phẩm độc lập nhằm phát hiện, làm sâu sắc thêm mô hình phát triển bền vững đang hình thành một cách mạnh mẽ trên toàn cầu chứ không phải là những tin tức giật gân, câu khách. Sau 2 tuần ý tưởng trên được công bố trên một chương trình truyền hình, đã có hơn 15.000 độc giả sẵn sàng đầu tư cho tờ báo với số tiền lên tới 1,3 triệu USD. Đến nay, De Correspondent vẫn có hàng chục ngàn độc giả sẵn sàng là “nhà đầu tư”, hỗ trợ hoạt động của tờ báo trực tuyến này.

Thay đổi tư duy

Các trang mạng xã hội với tính phổ dụng, độ tương tác và tính đa dạng thông tin mà báo chí chính thống không theo kịp đã trở thành tờ báo của công dân – nơi họ có thể hoàn toàn tự sản xuất tin tức và truyền tin trên mạng xã hội như những nhà báo thực thụ. Đơn cử, như sự kiện nhà thờ Emanuel AME tại thành phố Charleston, bang Nam Carolina khiến 9 người da màu thiệt mạng, thay vì phải vào các trang tin truyền thống như CNN, BBC, AP, các tài khoản twitter hay facebook, thông tin, hình ảnh do người dân khu vực gần hiện trường được cập nhật từng giây, từng phút và được chính các hãng tin như CNN, BBC sử dụng làm tư liệu.
Báo điện tử của tạp chí Time đưa thông điệp trên twitter của ứng viên Tổng tống Hillary Clinton và Joe Bush trong bài viết về vụ xả súng ở Nam Carolina hôm 18.6
Báo điện tử của tạp chí Time đưa thông điệp trên twitter của ứng viên Tổng tống Hillary Clinton và Joe Bush trong bài viết về vụ xả súng ở Nam Carolina hôm 18.6
Với số lượng người dùng đông đảo, lượng tin tức phong phú và cập nhật tới từng giây, mạng xã hội đang bắt báo chí phải thay đổi để phục vụ nhu cầu của độc giả vốn trở nên khắt khe hơn bao giờ hết. Đó cũng chính là lý do mà báo điện tử The Guardian có hẳn chuyên mục “Talk About Local” – nơi để các “nhà báo công dân” cung cấp tin tức thời sự nóng hổi tại địa phương. Việc các hãng như CNN hay BBC đề nghị độc giả có mặt tại khu vực động đất Nepal cung cấp thông tin, hình ảnh, video clip để cập nhật trên trang tin cho thấy những cơ quan báo chí đã chấp nhận mở cửa các nguồn tin tức sáng tạo như một phương thức tốt nhất để tồn tại trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay.

Xu thế này cũng cho thấy, báo chí Việt Nam cần phải thay đổi tư duy tin bài “nóng” thường được “găm” lại để làm “đinh” cho báo giấy rồi mới chuyển lên báo điện tử. Để phục vụ số lượng độc giả truy cập internet ngày càng đông đảo, đã đến lúc phải đảo ngược lại, phải đưa lên điện tử trước. Không những thế, trước xu thế tất yếu của báo chí đa nền tảng hiện nay, thứ tự ưu tiên đưa tin phải lần lượt là mạng xã hội trước rồi đến báo điện tử trên phiên bản mobile/ipad, báo điển tử truyền thống và cuối cùng mới là báo in. Tuy nhiên, trước thực tế, hầu hết các báo của Việt Nam mới có phiên bản điện tử mà chưa có những tài khoản trên mạng xã hội của tờ báo (fanpage) nên đã đến lúc thay vì giao cho một vài biên tập viên phụ trách, các fanpage cần được đầu tư hơn nữa để tăng tính tương tác và bắt kịp với xu thế tất yếu của báo chí đa nền tảng.

 Câu chuyện thành công của De Correspondent cho thấy, trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của truyền thông đa phương tiện hay đa nền tảng, thay vì nhờ cậy vào doanh thu quảng cáo của các tập đoàn, doanh nghiệp, các cơ quan báo chí vẫn có thể sống sót, sống khỏe và sống tốt nếu biết dựa vào độc giả. Họ không chỉ là nhà đầu tư lớn nhất, tốt nhất mà còn là nguồn tin nhanh nhạy và đáng tin nhất; là những nhà báo say nghề nhất, luôn sẵn sàng tác nghiệp mọi lúc, mọi nơi. Nhờ sự hỗ trợ của độc giả và công nghệ, các nhà báo có thể tìm kiếm và khuếch đại những thông điệp quan trọng, ở quy mô lớn hơn với chi phí thấp hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, công nghệ dù tiên tiến đến đâu cũng chỉ phát huy được sức mạnh của mình khi các nhà báo có sự đam mê, làm việc chăm chỉ và có khát vọng truyền cảm hứng muốn thay đổi thế giới theo hướng tốt đẹp hơn cho độc giả toàn cầu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần