Theo đó, trong quý IV/2018 có 2/7 sự số hàng không liên quan đến máy bay của hãng Vietjet xảy ra do yếu tố chủ quan của nhân viên hàng không. Một trong số đó là vụ máy bay rơi bánh khi hạ cánh ở sân bay Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk). Vụ còn lại là sự cố máy bay Vietjet hạ nhầm đường băng chưa được khai thác ở sân bay Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa).
Về sự cố máy bay VJ356 bị rơi bánh khi hạ cánh ở sân bay Buôn Ma Thuột vào ngày 29/11, ông Đinh Việt Thắng – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, việc điều tra phía Việt Nam đã cơ bản xong và đang chờ thêm một số thí nghiệm bổ sung liên quan đến chất lượng vật liệu của càng, lấy ý kiến cơ quan điều tra tai nạn của Pháp.
Tuy nhiên, kết quả giải mã hộp đen, khám nghiệm hiện trường, làm việc với các bên có liên quan, cơ bản có thể khẳng định quá trình cất cánh, bay bằng và tiếp cận không có vấn đề gì.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho hay, vấn đề chỉ nằm ở khâu tiếp đất, cụ thể là bánh mũi tiếp đất trước, trong khi máy bay không thiết kế để bánh mũi chịu lực. Lỗi trong sự cố này cơ bản thuộc về tổ lái trong quá trình tiếp đất.
Cục trưởng Đinh Việt Thắng đánh giá, rước khi xảy ra sự cố máy bay tại Buôn Ma Thuột, “bức tranh” an toàn của Vietjet tương đối tốt. Sự cố an toàn mức C của Vietjet năm 2018 chỉ là 2 vụ so với 8 vụ năm 2017. Sự cố an toàn mức D là 20 vụ so với 75 vụ của năm 2017.
Thế nhưng, từ sự cố Buôn Ma Thuột, an toàn mức B của Vietjet đã tăng từ 0 vụ năm 2017 lên 2 vụ năm 2018. Hiện máy bay gặp sự cố vẫn đang ở Buôn Ma Thuột; dự kiến sẽ thiết lập một xưởng “di động” tại đây để sửa chữa trong khoảng 5 - 6 tháng.