Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đặc sản giò chả Ước Lễ

Bài, ảnh: Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đối với người dân Việt Nam, từ xưa tới nay, giò chả là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết. Khi nhắc tới món đặc sản này, người ta sẽ nghĩ ngay đến làng nghề giò, chả Ước Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết
Dù xã hội hiện đại có nhiều giá trị đổi thay, nhưng trên mâm cỗ Tết truyền thống của người Việt vẫn có những món ăn không thể thiếu. Ngoài bánh chưng xanh thì giò chả là một trong số đó. Những ngày trước Tết Nguyên đán là thời điểm được người làm giò, chả coi là vào mùa của làng nghề. Vì vậy, cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán cận kề, hình ảnh người người đi mua giò chả về cúng Tết và làm quà biếu người thân, bạn bè đã trở nên quen thuộc.

Ông Nguyễn Như Hùng đang bán giò cho khách.

Ông Nguyễn Như Hùng - chủ cửa hàng giò, chả Hùng Hạnh trên đường Quang Trung, Hà Đông cho biết, giò chả do người làng Ước Lễ làm ra luôn đặt chữ tín và chất lượng lên hàng đầu. Vì vậy, dù giá cả cao hơn thị trường, nhưng người sành ăn vẫn cố chờ đợi để mua bằng được cân giò, chả chuẩn Ước Lễ về ăn. Để có được khoanh giò ngon, thì quan trọng nhất là khâu chọn thịt. Lợn phải khỏe, thịt phải đỏ tươi và dẻo. Nước mắm làm giò phải là loại ngon và đảm bảo vệ sinh. Để giò thơm ngon bắt buộc phải gói bằng lá chuối bánh tẻ. Có như vậy, khi luộc xong, giò mới dậy mùi và đẹp mắt. Giò ngon là khi đưa dao cắt ngang miếng giò không dính vào, miếng giò cắt ra có màu hồng, mặt giò xuất hiện lỗ hơi lăn tăn tròn nhỏ. Ông Hùng ví von: “Nếu giò lụa là “quận chúa” của các món luộc, thì chả là “hoàng đế” của các món nướng, rán từ thịt lợn”. Ngoài giò ra, Ước Lễ lừng danh với 2 loại chả quế và chả rán. Ăn miếng chả quế dậy mùi thơm thịt nướng, hương vị thơm cay hấp dẫn của quế, thơm ngon của mật ong, phảng phất mùi thơm của hoa hiên… cũng đủ cho thực khách lần đầu thưởng thức sẽ phải nhớ mãi. Chỉ đơn giản như vậy, giò chả Ước Lễ có mặt ở khắp mọi nơi, từ Bắc vào Nam. Đặc biệt ở các TP lớn như Hà Nội, thương hiệu giò chả Ước Lễ đã đi vào văn hóa ẩm thực của mọi người, mọi nhà.
Giữ nghề truyền thống
Không riêng gì cửa hàng Hùng Hạnh, hiện nay, nhiều cơ sở giò chả ở Hà Nội do người làng Ước Lễ làm chủ đều trong tình trạng quá tải mỗi dịp Tết đến Xuân về. Vào dịp này, mỗi cơ sở tiêu thụ cả tấn giò, chả trong một ngày, tăng vài chục lần so với ngày thường mà vẫn không đủ cung cấp cho khách hàng.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Ước Vũ Bá Mạnh cho biết, làng Ước Lễ có hơn 500 hộ dân thì có tới một nửa làng mang nghề giò chả đi xa lập nghiệp. Người làng Ước Lễ đã đem nghề truyền thống đến các TP lớn để mưu sinh, một phần cũng là để giữ nghề. Chính vì vậy, thương hiệu giò chả Ước Lễ đã trở nên quen thuộc với thực khách cả nước. Họ đến các TP lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng… làm nghề để mưu sinh. Tại đấy, họ đem nghề của cha ông làm ra những miếng giò, chả thơm ngon bán cho thực khách. Có điều, dù đi bất cứ đâu nhưng người làng Ước Lễ vẫn hướng về quê hương, đóng góp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán và Rằm tháng Giêng, những người con Ước Lễ ở mọi miền Tổ quốc lại trở về quê sum họp lễ tạ tổ tiên và mang những khoanh giò được làm từ tâm huyết của mình trưng bày ở lễ hội làng. Theo dòng chảy của thời gian, hương vị giò chả Ước Lễ vẫn luôn đậm đà, thương hiệu, uy tín làng nghề ngày càng được khẳng định.