Đại biểu, doanh nghiệp đặt kỳ vọng vào quyết sách phát triển sản xuất, kinh doanh của TP trong nhiệm kỳ mới

Hồng Thái - Khắc Kiên. Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỳ họp đầu tiên của HĐND TP khóa XVI mang theo kỳ vọng và niềm tin của Nhân dân Thủ đô, cộng đồng DN với phương châm hoạt động “Đổi mới - Sâu sát - Khoa học - Hiệu quả”. Các đại biểu, lãnh đạo DN tin tưởng những quyết sách mới sẽ tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, giúp các DN được cống hiến và phát triển.

Đại biểu Nguyễn Duy Chính (tổ Hoàng Mai)

Đại biểu Nguyễn Duy Chính (tổ Hoàng Mai) - Phó Chủ tịch Hanoisme, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Tập đoàn Tân Á Đại Thành

Hỗ trợ các doanh nghiệp cống hiến và phát triển

Tôi tin tưởng HĐND TP khóa mới sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, vượt qua những khó khăn, nắm bắt những cơ hội, có những quyết sách mới, tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, giúp các DN được cống hiến và phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi các nội dung Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra và đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, đưa Thủ đô phát triển bền vững.

Hiện nay, chúng ta đang thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa phát triển kinh tế song vẫn phải kiểm soát thật tốt dịch bệnh. Hơn một năm qua, Hà Nội đã thực hiện các gói hỗ trợ cho DN và người dân, nhưng vẫn cần tiếp tục có các biện pháp hỗ trợ như thế trong thời gian tới để giúp các DN sớm phục hồi sản xuất, tạo việc làm cho người lao động.

Tôi cũng kỳ vọng, làm sao để những chính sách ban hành nhanh đi vào thực tiễn nhất, phù hợp với các DN từng ngành, từng lĩnh vực, giúp các DN tăng khả năng chống chịu với các “cú sốc” trong tương lai. Có thể thấy, việc ban hành các chính sách hỗ trợ kịp thời từ thành phố là nguồn cổ vũ, động viên lớn đối với cộng đồng DN Thủ đô, thể hiện một thông điệp vô cùng tích cực về sự đồng hành từ chính quyền đã được lan tỏa tới cộng đồng DN.

Kỳ họp thứ Nhất, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026

Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) Trịnh Thị Ngân

Có những quyết sách phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp

Đối với DN, chúng tôi luôn kỳ vọng ở Kỳ họp này, HĐND sẽ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN phát triển trong thời gian tới. Nhất là tiếp tục đổi mới quyết liệt tác phong phục vụ của cán bộ công chức thực sự là công bộc của dân, giúp công dân trong thực thi công vụ, CCHC và giảm bớt TTHC cần thiết để giảm mọi chi phí. Đổi mới và có cơ chế tiếp cận đất đai để DN có cơ hội đầu tư đổi mới sản xuất, kinh doanh. Muốn vậy TP tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 14 về nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI.

Trong tình hình khó khăn do Covid-19 đã gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh của DN, là cầu nối, Hanoisme đề xuất Chính phủ, Hà Nội với cơ chế đặc thù cho giảm thuế đất hàng năm phải nộp là 6 tháng năm 2021, để bù đắp cho DN phải ngừng sản xuất, kinh doanh những tháng của năm 2020 – 2021. Rõ ràng ngân sách khó khăn, thu không đủ chi, DN cũng không thể kỳ vọng vào các gói hỗ trợ lớn như một số nước phát triển. Tuy vậy, DN mong Chính phủ, các bộ, ngành, TP Hà Nội rà soát, loại bỏ các thủ tục để DN hiểu và làm ngay, nhằm tạo điều kiện cải thiên môi trường đầu tư kinh doanh nhất là trong lĩnh vực đất đai mặt bằng sản xuất tạo cơ hội cho DN có điều kiện tăng quy mô sản xuất, thời gian kéo quá dài 2 - 3 năm mất đi cơ hội cho DN.

Cộng đồng DN đánh giá, trong bối cảnh dịch Covid-19, Chính phủ, Hà Nội đã có phản ứng rất nhanh nhạy, với các chính sách toàn diện về tài khoá, tiền tệ, bảo hiểm… Song, dù các chính sách hỗ trợ được đánh giá là hữu ích, nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa từ chủ trương tới triển khai thực tế, đòi hỏi cần có các giải pháp nhanh hơn đi vào cuộc sống.

Trưởng ban Cố vấn Hiêp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) Trịnh Thị Ngân

Khắc phục hậu quả từ dịch Covid-19, hỗ trợ DN, Chính phủ đã có các chính sách tiền tệ, tài khóa, an sinh xã hội… Đặc biệt, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội thông qua nghị quyết cắt giảm 30% thuế thu nhập DN cho các DN chủ yếu thuộc quy mô vừa và nhỏ, có doanh số dưới 200 tỷ đồng/năm để thực hiện giảm trong năm 2020. Đây là hệ thống các gói giải pháp, chính sách khá đồng bộ, chưa từng có ở Việt Nam. Các chính sách hỗ trợ và sự đồng hành của Chính phủ trong bối cảnh Covid-19 được các DN đánh giá cao, nhất là các chính sách tài khoá như việc giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, tiền thuê đất, nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng.

Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, một số chính sách như gia hạn đóng thuế thu nhập DN, gia hạn đóng thuế giá trị gia tăng nhìn chung dễ tiếp cận hơn cả. Việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất. Có thể nói, việc ban hành các chính sách trên đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng DN Việt Nam. Tuy nhiên, các chính sách ban hành để đáp ứng với trạng thái khẩn cấp đôi khi đã bộc lộ những bất cập, cần phải điều chỉnh đề phù hợp với “trạng thái bình thường mới”. Các DN cho rằng, một số chính sách hỗ trợ người lao động, đa phần DN không được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm khó thực hiện như số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của DN…

Tôi mong rằng, những tâm tư, phản ánh của các cử tri, trong đó có cộng đồng DN sẽ được HĐND TP, Quốc hội, trực tiếp là các đại biểu HĐND được trúng cử trong nhiệm kỳ này lắng nghe, đăng đàn, có tiếng nói để cấp thẩm quyền có những quyết sách phù hợp hỗ trợ DN, qua đó vực dậy nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.