Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội:

Đại biểu HĐND TP đề xuất tháo gỡ điểm nghẽn trong chính sách đất đai

Thủy Tiên - Hồng Thái. Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 5/7, tại Kỳ họp thứ 7 HĐND TP khóa XVI, các đại biểu đã thảo luận tổ về một số nội dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, phân cấp quản lý nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất...

Các đại biểu HĐND TP tham gia thảo luận tại các tổ.
Các đại biểu HĐND TP tham gia thảo luận tại các tổ.

Cụ thể 4 nội dung mà các đại biểu HĐND TP thảo luận là: Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 của TP; phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn TP; về giao kế hoạch vốn đầu tư công và kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của TP; về tình hình triển khai và tiến độ công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn TP.

Minh bạch trong công tác giao đất

Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên cho rằng, 6 tháng đầu năm, TP làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19; tăng trưởng kinh tế quý II có sức bật lớn, trong đó nổi bật là lĩnh vực dịch vụ; tổ chức thành công SEA Games 31, Hà Nội đứng đầu về số lượng huy chương, tạo nên hình ảnh đẹp trong mắt bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại cần phải khắc phục. Trong đó, khó khăn trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất, có 12 quận, huyện chưa tổ chức được.

Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Long Biên Đường Hoài Nam kiến nghị, TP cần tập trung ứng dụng CNTT trong công tác chỉ đạo, điều hành; có giải pháp hữu hiệu trong đấu giá đất, giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, quan tâm công tác GPMB, bởi nhiệm vụ GPMB do quận thực hiện, nhưng chủ trương nhà tái định cư lại của TP, T.Ư.

“Công tác đấu giá đất tạo nguồn thu cho ngân sách, tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, Long Biên và 1 số quận huyện chưa đấu giá được. Rất mong TP quan tâm tới công tác đấu giá đất, GPMB, tái định cư, tháo gỡ khó khăn cho các quận, huyện” - Bí thư Quận ủy Long Biên Đường Hoài Nam kiến nghị

ĐB Nguyễn Minh Đức (tổ quận Hoàng Mai) đánh giá, đại dịch Covid-19 để lại hậu quả nặng nề, các cơ sở y tế bộc lộ những tồn tại, một số vụ việc xảy ra tác động lớn về mặt chính trị, trong đó có TP Hà Nội.

Về thực hiện các mục tiêu trong phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới, ĐB Nguyễn Minh Đức kiến nghị, chúng ta phải tập trung phát triển kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp được phục hồi, những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hậu Covid-19 phải thực chất, đi vào cuộc sống. Đồng thời, tháo gỡ những điểm nghẽn để doanh nghiệp tiếp tục phát triển, như tháo gỡ chính sách đất đai, minh bạch trong công tác giao đất. 

Theo ĐB Nguyễn Minh Đức, về lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội hiện nay vẫn còn hạn chế hơn so với các tỉnh, thành. Do đó, TP cần hỗ trợ chính sách cho nông nghiệp công nghệ cao phát triển hơn nữa. Trong đó, hàng năm có đánh giá, tổng kết, nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tạo động lực cho người dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Xác định nguồn gốc đất còn gặp nhiều khó khăn

Thảo luận tại tổ, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Nguyễn Anh Tuấn có ý kiến về nguyên nhân việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. ĐB Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, yếu nhất là khâu giải phóng mặt bằng, trong đó xác định nguồn gốc đất. “Chúng ta nói rằng giao cho cấp xã xác định nguồn gốc đất nhưng trên thực tế cấp quận, huyện phải thẩm định và có ý kiến của sở ngành”. Quá nhiều năm hồ sơ quản lý đất từ những năm 80 – 90 chưa được chuẩn hóa, nhiều trường hợp khó xác định.

Các đại biểu phát biểu tại Tổ thảo luận. 
Các đại biểu phát biểu tại Tổ thảo luận. 

Trên cơ sở đó, Bí thư Thị ủy Sơn Tây đề nghị cần có sự đồng bộ trên toàn TP, để xác định rõ một số loại đất khó xác định nguồn gốc, có chung hệ quy chiếu để cho các huyện nông thôn có cơ sở thực hiện nhiệm vụ GPMB, “tự tin” để xác định nguồn gốc đất. “Hiện nay có tình trạng cán bộ vừa làm vừa sở, ảnh hưởng đến tiến độ hấp thụ vốn của các dự án địa phương” – ĐB Nguyễn Anh Tuấn nói. Đồng thời cho rằng, việc đấu thầu lựa chọn đơn vị thực hiện dự án cũng cần có sự hướng dẫn đồng bộ, cụ thể trên toàn TP.

Ngoài ra, các ĐB HĐND TP thảo luận tại tổ cũng đánh giá, 6 tháng cuối năm có nhiều khó khăn do giá xăng, nguyên vật liệu đầu vào tăng, yêu cầu phải tăng cường đầu tư công nhưng phải khống chế lạm phát. Rà soát chương trình kế hoạch thực hiện còn chậm, giải ngân thấp hơn so cùng kỳ và cả nước; phối hợp sở ngành còn hạn chế; án nghiêm trọng gia tăng… Đối với nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, các ĐB tin tưởng tăng trưởng của TP Hà Nội sẽ đạt mục tiêu 7-7,5%.

Về đề án phân cấp quản lý, đa số các ĐB cho rằng, phân cấp về thủ tục hành chính với nguyên tắc phải giảm thủ tục cấp TP. Đồng thời kiến nghị tăng cường phân cấp ủy quyền, đề nghị tháng 9 phải thông qua vấn đề phân cấp, từ đó các cơ quan tham mưu đẩy nhanh tiến độ.