Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu HĐND TP Hà Nội thảo luận về thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội

Nhóm PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 8/7 tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9 HĐND TP Hà Nội khóa XV, Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà điều hành phần thảo luận và quyết nghị về thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2019 của TP Hà Nội.

 ĐB Nguyễn Tiến Minh (tổ Thường Tín)
Thường Tín đang gặp khó trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Tiến Minh (tổ Thường Tín) thống nhất cao với báo cáo kết quả tình hình phát triển kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2019. Ngay từ đầu năm, Thành ủy - HĐND - UBND TP đã sớm giao chỉ tiêu kế hoạch cho các sở, ban ngành, quận huyện để sớm triển khai các nhiệm vụ; thường xuyên đôn đốc. Bên cạnh đó, TP đã có những quyết sách quan trọng, đặc biệt là đầu tư những dự án mà nhân dân quan tâm, tạo sự phấn khởi trong xã hội.
Thông tin tới kỳ họp, ĐB Minh cho biết, huyện Thường Tín thời gian tới đang phấn đấu thêm 4 xã đạt chuẩn NTM, phấn đấu đạt 28/28 xã đạt chuẩn NTM, đặc biệt là tập trung giải quyết những vụ việc phức tạp, kéo dài…
Tuy nhiên, Thường Tín đang gặp khó khăn trong công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi, hiện đã có 45% tổng số đàn bị dịch bệnh. TP và Huyện đã hỗ trợ các công tác phòng dịch với tổng chi phí 18 tỷ. Đến nay, dịch bệnh đã có 3 xã qua 30 ngày không tái phát dịch.
Cũng theo ĐB, huyện Thường Tín đề nghị TP có biện pháp phù hợp khắc phục dự án treo dự án Quốc lộ 1A (dài 17km) đã chậm 25 năm nay. Đề nghị TP giao cho địa phương làm chủ đầu tư triển khai trước 11 dự án tái định cư trên địa bàn huyện. Về vấn đề rác thải đang tồn động hiện nay, ĐB mong muốn các ngành có ý kiến, đối thoại với người dân một cách hài hòa và vẫn vận chuyển được rác trong ngày.
 ĐB Nguyễn Hoàng trình bày ý kiến tại kỳ họp

Rà soát, bãi bỏ các quy định gây bất cập cho DN
ĐB Nguyễn Hoàng (tổ Phú Xuyên) thông tin, trong lĩnh vực phát triển công nghiệp, theo nội dung báo cáo của UBND TP về kết quả 6 tháng đầu năm, kế hoạch 6 tháng cuối năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp của Thủ đô tăng 7,1%; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,2%. Trong 10 năm nữa, ngành công nghiệp nói chung của TP tăng lũy tiến trung bình 2 - 2,5 lần so với hiện nay.
Trong khi đó, theo kết quả báo cáo của ngành công thương Việt Nam, chỉ số này tương ứng tăng trong 10 năm qua là 3,5 lần. "Vậy phải chăng ngành sản xuất công nghiệp Thủ đô tăng trưởng bình quân không bằng 10 năm trước? TP cần làm gì để ngành công nghiệp Thủ đô bứt phá, phát triển tương ứng với tiềm năng, là đầu tàu lôi kéo vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc?", ĐB đặt câu hỏi.
Cũng theo ĐB Hoàng, ngành công nghiệp được xác định vô cùng quan trọng để phát triển kinh tế. Do vậy để thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp phải tập trung làm rõ, đánh giá ngành công nghiệp hỗ trợ đang ở đâu? đây là bài toán cho quyết định cho công nghiệp phát triển. Cùng với đó, có giải pháp khuyến khích phát triển, rà soát hạ tầng, cần có chính sách "trải thảm đỏ" hơn nữa cho các DN vừa và nhỏ, FDI vào đầu tư, liên kết cùng các DN phát triển công nghiệp Thủ đô.
Ngoài ra, ĐB đề xuất phải rà soát toàn bộ các quy định, quy chế của TP, bãi bỏ các quy định quy định, quy chế, giấy phép chồng chéo, cản trở phát triển trong lĩnh vực công nghiệp nói riêng, đề xuất cắt giảm các quy định hiện hành gây bất cập cho các DN.
 ĐB Dương Cao Thanh (tổ Ba Vì)

Phát biểu tại kỳ họp, ĐB Dương Cao Thanh (tổ Ba Vì) đồng tình với những kết quả TP đã đạt được trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt là về cải cách hành chính.
Ông Dương Cao Thanh cho rằng, việc TP đã đầu tư nhiều với các huyện còn chưa phát triển kinh tế, vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô đã được Nhân dân phấn khởi ghi nhận. Vì vậy, ĐB đề nghị TP có kế hoạch và lộ trình kết nối giao thông; cân đối bố trí đủ vốn phát triển; đối với các huyện có địa hình đồi núi, diện tích rộng cần có cơ chế đặc thù về bổ sung nhân sự để quản lý đất đai; hỗ trợ kinh phí để xây dựng nông thôn mới; có chính sách phù hợp để thu hút DN đầu tư phát triển, phục vụ cho du lịch, đồng thời kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai…
 ĐB Dương Đức Tuấn (tổ Hoàn Kiếm)

Về một số dự án công trình trọng điểm, ĐB Dương Đức Tuấn (tổ Hoàn Kiếm) cho rằng một số dự án công trình trọng điểm của TP giai đoạn 2016 - 2020, nhất là các dự án hạ tầng kỹ thuật được thực hiện theo hình thức PPP triển khai chậm tiến độ, không hiệu quả. Để tháo gỡ và đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, đề nghị TP rà soát các dự án trọng điểm đang thực hiện theo hình thức PPP sang hình thức đầu tư công. Ngoài ra, kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn về cơ chế quy định quản lý đầu tư đối với các dự án tiếp tục theo hình thức PPP để khắc phục các tồn tại trong thời gian qua.
Về xử lý ô nhiễm môi trường sông hồ, ĐB Dương Đức Tuấn cho biết, vừa qua UBND TP đã có chủ trương tìm giải pháp mới trong xử lý ô nhiễm sông hồ đây, đây là dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, việc này còn rất phức tạp. Vì vậy, đề nghị TP nghiên cứu các giải pháp mang tính bền vững. Cụ thể có thể xem xét khả năng cống hóa một số sông có tính chất kênh mương thoát nước như sông Tô Lịch hay sông Kim Ngưu. Điều này giảm thiểu xả thải, góp phần tăng không gian công cộng, hạ tầng giao thông, cây xanh…
Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thành phê duyệt quy hoạch đô thị; quy hoạch sông hồng, quy hoạch quản lý chug cư cũ; xử lý những bất cập về quỹ nhà chuyên dùng…
 ĐB Nguyễn Minh Đức (tổ Thanh Xuân) phát biểu tại kỳ họp

Có cơ chế quản lý, chống lấn chiếm đất đai
Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Minh Đức (tổ Thanh Xuân) nhận định, căn cứ Luật Thủ đô, TP cần có chế tài tăng nặng đối với các vi phạm hành chính như hút thuốc, vứt rác, tiểu bậy bừa bãi ở nơi công cộng; đồng thời sử dụng công nghệ thông tin để giám sát, xử lý những hành vi vi phạm này. Cùng đó, TP cần quan tâm bố trí nguồn lực để kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, nhất là kiểm soát khí thải các phương tiện giao thông đúng quy chuẩn. 1 vấn đề cần quan tâm nữa là giải quyết ô nhiễm các dòng sông, ưu tiên sông Tô Lịch, trước hết là bổ cấp nước cho dòng sông có nước chảy để giải quyết ô nhiễm trước mắt cũng như lâu dài.
Về công tác quản lý, chống lấn chiếm đất công, đất chưa sử dụng tại các dự án, ĐB kiến nghị, tại quận Thanh Xuân, chính quyền đã thu hồi được đất công bị lấn chiếm nhưng nếu như không có phương án giữ đất sẽ bị tái lấn chiếm. Trong khi đó, các khu đất công, đất chưa sử dụng được liên kết để tạm thời làm sân bóng, bãi đỗ xe lại vi phạm quy định đất đai khiến chính quyền khó khăn trong công tác quản lý, chống lấn chiếm đất đai. Do đó, đề nghị UBND TP, Sở Tài chính có cơ chế sử dụng tạm thời, có cơ chế tài chính để chống lấn chiếm, tránh lãng phí và đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Ngoài ra, ĐB Nguyễn Minh Đức đề nghị TP quan tâm tới việc thực hiện quy hoạch báo chí của TP. Trong quá trình thực hiện quy hoạch cần quan tâm đầu tư phát triển hệ thống các cơ quan báo chí, đồng thời quan tâm đến việc làm của cán bộ, phóng viên, người làm báo trong quá trình sắp xếp.
TP cần tận dụng cơ hội từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Trong khi đó, ĐB Phạm Đình Đoàn (tổ Hoàng Mai) đề nghị TP quan tâm 3 vấn đề: Thứ nhất, về cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư, 6 tháng đầu năm TP có 13.690 DN thành lập, tăng 10%, nhưng số DN giải thể tăng 45%, số DN ngừng hoạt động tăng 36%. Do đó, ĐB nêu rõ, cần phân tích 4 số liệu cơ bản là số DN thành lập, số DN giải thể, số DN ngừng hoạt động và DN hoạt động trở lại; từ đó sẽ có giải pháp phù hợp.
Về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, theo đại biểu, dù khó lường nhưng cũng có mặt tích cực nếu TP tận dụng cơ hội từ đó để đẩy mạnh thu hút đầu tư và xuất khẩu công nghệ cao. 6 tháng qua, TP đã rất thành công khi xúc tiến đầu tư đạt 5,3 tỷ USD, dẫn đầu cả nước, nên 6 tháng cuối năm cần tận dụng cuộc chiến tranh thương mại này để có thể thu hút thêm các nhà đầu tư công nghệ cao vào TP.
Về các chỉ số năng lực cạnh tranh như PAPI, PCI, Par-index, SIPAS của TP, theo ông Đoàn đều tăng tích cực, song riêng chỉ số PAPI vẫn tăng ở mức thấp, xếp thứ 54/63 tỉnh, TP.
"Với Thủ đô văn hiến thì không thể có chỉ số này thấp như vậy. Trong đó có chỉ số thành phần “công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình của người dân và tham gia của người dân cấp cơ sở”, TP cần rất quan tâm và có hành động cụ thể". TP đã có Chỉ thị 09 ngày 7/6/2019 của Chủ tịch TP về vấn đề này, song cần cụ thể hóa hơn, vì cần có sự tham gia của mọi sở ban ngành, cán bộ công chức Thủ đô và người dân. Cần củng cố chỉ số này ở mức ít nhất là quá bán, chứ không thể thấp như vậy", ông Đoàn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, ĐB cho rằng có rất nhiều vụ việc phức tạp kéo dài, ngày càng phức tạp, do nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Song cần thấy bản chất nhiều vụ việc liên quan những việc chưa rõ ràng, văn bản pháp lý qua nhiều thời kỳ không rõ, nhiều thời kỳ lãnh đạo trước đây có giấy tờ thất lạc…
"Nếu tiếp tục như vậy, việc khiếu kiện sẽ tiếp tục kéo dài rấr lâu, có những vụ việc 10-20 năm vẫn tiếp tục kéo dài. Nên, đề nghị có hội đồng, dù cấp quận hay TP, để giải quyết những khiếu kiện này, bởi liên quan đến rất nhiều sở ngành. Nếu vụ việc cứ bị đẩy lên đẩy xuống thì cử tri sẽ không hài lòng; cần có hội đồng để có sự công tâm, giải quyết dứt điểm. Nếu có vấn đề sai sót trước đây thuộc về chính quyền trước đây thì chính quyền cũng nên nhận, “chịu thiệt” với người dân, để giải quyết dứt điểm", ĐB Đoàn đề nghị.
Còn nhiều lúng túng trong chỉ đạo, điều hành ở cấp cơ sở
Nhấn mạnh các nguyên nhân chủ quan để xảy ra những sai phạm trong vi phạm quản lý đất đai, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam cho rằng có trách nhiệm rõ của việc chỉ đạo chưa quyết liệt, sự vào cuộc chưa nghiêm của người đứng đầu, để các vi phạm tồn đọng kéo dài, diễn biến phức tạp. Mặc dù đã xử lý đã cán bộ để xảy ra vi phạm nhưng việc khắc phục rất phức tạp.
Đối với công tác phòng chống cháy nổ, ĐB đánh giá còn sự lúng túng sự vào cuộc chưa đồng bộ của nhiều đơn vị cơ sở nên kết quả chưa được như mong muốn.
Nêu các giải pháp khắc phục, ĐB Nguyễn Hoài Nam cho rằng việc tuyên truyền phổ biến giáo dục phải trúng đối tượng với nhiều hình thức khác nhau. Đặc biệt, cần tăng cường kỷ cương hành chính, trách nhiệm của người đứng đầu nhất và trong quản lý đất đai và công tác phòng chống cháy nổ. Công an phải chủ động hơn nữa để xử lý tín dụng đen, bởi đây là nguồn gốc của nhiều loại tội phạm khác.
 Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng

Cuối năm nay, Hà Nội có thể có thêm 30 cụm công nghiệp mới
Sau 7 ý kiến thảo luận của các ĐB, Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng giải trình làm rõ thêm các vấn đề mà ĐB quan tâm.
Đánh giá cao nỗ lực của TP trong quản lý điều hành phát triển kinh tế, nhất là lĩnh vực công nghiệp - xây dựng nửa đầu năm nay, người đứng đầu ngành công thương TP đề nghị: Về cơ chế chính sách, Hà Nội là tỉnh, TP duy nhất cả nước đặt ra chính sách phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP. Đến nay có 61 sản phẩm, đều có doanh thu từ 1.000 tỷ đồng trở lên. Đồng thời, TP cũng đã có chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, với Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội được áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ cho các đơn vị sản xuất công nghệ cao, như được thuê đất 70 năm, các ngân hàng hỗ trợ về vốn vay… phục vụ phát triển công nghiệp TP.
Đặc biệt, ngay đầu năm nay, Bí thư Thành ủy đã tới thăm cụm công nghiệp của TP, trong đó thăm DN sản xuất sản phẩm về điện áp dụng khoa học công nghệ kỹ thuật cao có thể nói đứng đầu các nước ASEAN.
Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng thông tin thêm, Chủ tịch UBND TP đã khẳng định năm nay TP cố gắng năm nay xét duyệt được ít nhất một nửa trong 40 cụm CN đã có quy hoạch. Trong đó, UBND TP đến tuần qua đã phê duyệt được 11 cụm CN.
"Nếu theo tiến độ này, tôi khẳng định đến cuối năm nay, TP sẽ có được 30 cụm công nghiệp mới. Tuy nhiên, công nghiệp của Hà Nội đang tồn tại trong đô thị chứ không phải công nghiệp di dời ra khỏi đô thị, nên chúng ta phải xác định sản xuất công nghiệp sạch, bền vững, áp dụng khoa học công nghệ và thiết bị hiện đại. Công nghiệp Hà Nội không thể theo mẫu số chung của toàn quốc, nhưng vẫn khẳng định Hà Nội là trung tâm, đầu tầu kinh tế của khu vực phía Bắc; các khu công nghiệp cố gắng kết hợp giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài để có các khu công nghiệp sạch, hiện đại. Từ năm 2016 đến nay, mẫu số của TP là mỗi ha tại khu công nghiệp tối thiểu 20 triệu USD mới được vào đầu tư”, ông Thăng nhấn mạnh.
 Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền

Trong khi đó, Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Về các chỉ số PCI và PAPI, TP đã nỗ lực cải thiện hết sức mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh nên đã tăng được xếp hạng và thứ bậc trong năm qua. Trong đó, chỉ số gia nhập thị trường tăng 56 bậc, đóng góp tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội, lần đầu tiên đứng trong top 10 chỉ số PCI của các tỉnh TP cả nước.
Làm rõ thêm vấn đề ĐB Phạm Đình Đoàn quan tâm, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Trên cơ sở đề án hỗ trợ khởi nghiệp được TP thông qua, việc cấp giấy chứng nhận kinh doanh đã tăng 9% số doanh nghiệp và 17% số vốn. Số DN quay lại hoạt động tăng đột biến với 14,8% so với tỷ lệ DN của toàn quốc, thể hiện dấu hiệu khởi sắc của hoạt động các DN trên địa bàn TP.
Về phương án vay lại dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, ông Nguyễn Mạnh Quyền thông tin tới các đại biểu, thời điểm nhận nợ là khi Bộ Giao thông vận tải bàn giao dự án cho Hà Nội và dự án chính thức đi vào hoạt động để khai thác. Về nguồn kinh phí thanh toán cho các khoản nợ này, trong dự trù dự toán kinh phí năm 2019, TP đã chủ động dự toán và có cân đối kinh phí để bảo đảm trả nợ theo tiến độ yêu cầu hiệp định ký kết với các nhà tài trợ.
Cùng về nội dung này, trong tóm tắt phần thảo luận, Phó Chủ tịch HĐND Phùng Thị Hồng Hà nêu, thực hiện Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công, đơn vị, địa phương nào thụ hưởng dự án thì có trách nhiệm trả nợ nguồn vay ODA. Khoản vay này cũng đã được Chính phủ chỉ đạo tại văn bản số 12614/VPCP-QHQT, không làm vượt hạn mức dư nợ hàng năm của TP và cũng không tính vào bội chi ngân sách TP năm 2019.