Chiều 6/6, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể tại hội trường tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực dân tộc.
Ngôn ngữ - tiếng nói của một dân tộc là tài sản vô giá
Chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, ngôn ngữ - tiếng nói của một dân tộc là tài sản vô giá của mỗi dân tộc, tạo nên âm giai đa sắc, đặc trưng của dân tộc. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng vẫn còn một bộ phận không nhỏ người các dân tộc không dùng, không biết ngôn ngữ của dân tộc mình.
Đại biểu đề nghị cho biết quan điểm của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về vấn đề này như thế nào? Bộ trưởng có biện pháp gì để làm tốt hơn việc học tập sử dụng và gìn giữ ngôn ngữ các dân tộc?
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn TP Hà Nội) cho biết, việc phân định miền núi, vùng cao hiện nay chưa phản ánh chính xác giữa các vùng miền, địa phương cả về điều kiện, địa lý, địa hình và trình độ phát triển kinh tế-xã hội. Chính vì vậy, từ năm 2018 đến nay, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều Nghị quyết, Kết luận giao Chính phủ, cụ thể là Ủy ban Dân tộc rà soát, đánh giá, nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí phân định miền núi, vùng cao làm cơ sở cho việc thực hiện các chính sách, yêu cầu quản lý nhà nước. Trong đó, có việc xác định tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, phân loại đơn vị hành chính, phân loại đô thị… Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, việc chậm ban hành tiêu chí phân định miền núi, vùng cao thuộc trách nhiệm của cơ quan nào?
Trong khi đó, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP Hà Nội) tranh luận: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc có nói hết năm 2022 đã hoàn thành xong việc ban hành văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, trên thực tế hoàn toàn không phải như vậy.
Tại Báo cáo số 100 ngày 1/4/2023 của Chính phủ đã nêu rất rõ, đến thời điểm hiện nay, Ủy ban Dân tộc chưa hoàn thành ban hành 2 văn bản hướng dẫn chậm gồm Tiểu ban 1, Tiểu ban chính, Tiểu ban 2 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhận thấy, việc ban hành Thông tư hướng dẫn nhiều nội dung còn rất chậm, một số văn bản quy định hướng dẫn nội dung các Chương trình trái quy định của pháp luật, cụ thể là trái quy định của Luật Đầu tư công, chưa có sự thống nhất, chưa phù hợp thực tiễn. Đây là báo cáo gửi Đoàn giám sát của Quốc hội được phát hành ngày 1/4/2023.
Do vậy, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị Bộ trưởng cần sâu sắc hơn để đưa ra những thông tin cho cử tri cũng như đại biểu được biết.
Về cơ cấu sử dụng nguồn vốn, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho biết, trong Nghị quyết 120 của Quốc hội nêu rõ nhiệm vụ đó là tăng chi đầu tư. Các đại biểu Quốc hội khóa 14 đã nêu rõ là nguồn lực có hạn thì cần đến với người dân thông qua những sản phẩm cụ thể, hạn chế việc chi thường xuyên, trong đó hạn chế tối đa việc hội thảo, tư vấn.
Tuy nhiên, khi đọc báo cáo của Chính phủ, đại biểu nhận thấy cơ cấu này chưa hợp lý, do đó, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị Bộ trưởng quan tâm để trong bối cảnh nguồn lực có hạn thì đến được với đồng bào dân tộc hiện nay đang sống trong điều kiện khó khăn.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giảm nghèo
Tham gia chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) cho biết, nhiều người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số không muốn thoát nghèo, cận nghèo. Đại biểu cho rằng tâm lý không muốn thoái nghèo, cận nghèo diễn ra khá phổ biến trên cả nước, nếu không có biện pháp xử lý khiến công tác xóa nghèo của Nhà nước không đạt hiệu quả. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân, giải pháp ra sao để đồng bào có nhận thức đồng hành thoát nghèo.
Trả lời ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, tuy đã thoát nghèo, nhưng thực tế đời sống của nhiều hộ gia đình vẫn rất khó khăn, người dân thoát nghèo có thu nhập cải thiện không nhiều, trong khi không tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ chính sách. Để giải quyết vấn đề này, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tổng hợp. Nguyên tắc, tiêu chí giảm nghèo đã được ban hành.
Để thống kê, tổng hợp, rà soát hộ nghèo trên phạm vi cả nước, các địa phương cần thực hiện một cách khách quan, trách nhiệm, để đảm bảo người dân thoát nghèo bền vững, đảm bảo điều kiện tối thiểu để người dân yên tâm sinh sống. Bên cạnh đó, cần thực hiện các biện pháp tuyên truyền, thuyết phục để bà con hiểu được chính sách của Đảng, Nhà nước, tự nguyện vươn lên.
Hệ thống tiêu chí giảm nghèo còn phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của đất nước, phụ thuộc vào yếu tố phát triển từng giai đoạn, nên cần xây dựng hệ thống tiêu chí phù hợp, tổng hợp, tiến tới phải có những hệ thống tiêu chí phù hợp hơn, để người thoát nghèo sống tốt, không tái nghèo trở lại.