Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu Quốc hội: Nhiều khi người dân chưa “chung thủy” với doanh nghiệp

Khang Nhi-Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đầu tư, nhưng hiện vẫn là vùng khó khăn nhất - chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất – kinh tế xã hội phát triển chậm nhất - tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất - tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 12/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Hội trường về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Ngay đầu phiên họp, đã có 46 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu thảo luận. Các đại biểu: Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An); Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu); Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu); Phương Thị Thanh (Bắc Kạn); Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận); Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi); Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình); Tô Ái Vang (Sóc Trăng); Vương Ngọc Hà (Hà Giang);.... bày tỏ tán thành cao về sự cần thiết phải có một Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT- XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bởi đây là vùng trũng về KT- XH của đất nước, kéo dài trong rất nhiều năm chậm được khắc phục. Việc ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT- XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ giảm khoảng cách chênh lệch giữa các vùng trong cả nước.
Cần quan tâm hỗ trợ mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và người dân 
Tán thành với dự án được Chính phủ trình liên quan đến tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số, song từ thực tế, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (đoàn Nghệ An) nhận thấy, một trong những khó khăn của vùng đồng bào dân tộc miền núi là sản xuất không có đầu ra, bấp bênh, được mùa mất giá, được giá mất mùa, nhiều khi người dân không có động lực sản xuất. Để giải quyết vấn đề này, theo đại biểu Hoàng Thu Trang, cần quan tâm hỗ trợ mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và người dân để bảo đảm đúng định hướng doanh nghiệp đi đầu, dẫn dắt bà con.
 Các Đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp toàn thể tại hội trường Diên Hồng ngày 12/6.
Thực hiện như vậy, doanh nghiệp không cần quá nhiều đất, trong khi nhiều hộ dân tộc không có đất sản xuất, mà người dân được canh tác trên chính mảnh đất của mình, không phải lo về kỹ thuật, đầu ra sản xuất. Người dân làm được sản phẩm nào được doanh nghiệp thu mua, có tiền tươi thóc thật sẽ rất phấn khởi. Tuy nhiên, trong thực tiễn mô hình này cũng chưa thực sự mạnh mẽ do có một số khó khăn: nhiều khi người dân chưa “chung thủy” với doanh nghiệp, thị trường tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp chưa ổn định. “Thiết nghĩ Nhà nước nên có giải pháp hỗ trợ, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp để tạo sự liên kết chặt chẽ giữa người dân và doanh nghiệp. Cần nghiên cứu triển khai tiểu dự án tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp và người dân”, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang đề nghị.

Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ nên phân cấp cho địa phương tự khảo sát, xây dựng đề án cho địa phương, vì mỗi địa phương có tiềm năng, khó khăn riêng, tự xác định cây con có thế mạnh riêng. Việc xác định mẫu số chung về cây con chủ lực sẽ dễ dẫn đến không sát với nguồn lực địa phương và có thể xảy ra tình trạng sản xuất ra hàng loạt cây con, phải giải cứu nông sản.

Về cơ chế, trong 10 dự án được đưa ra trong dự thảo Chương trình cơ bản mang tính chất hỗ trợ nguồn lực nhiều hơn hỗ trợ cơ chế. Trong điều kiện nguồn lực có hạn, theo đại biểu, cần giảm tính ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, phát huy tính tự lực, tự lập của người dân thì việc hỗ trợ cơ chế sẽ phù hợp, sẽ quan trọng hơn. Ví dụ, thực hiện những cơ chế tài chính như tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách từ thuế, các hoạt động khai thác khoáng sản, thủy sản… sẽ tạo động lực cho địa phương chăm lo nguồn thu trên địa bàn.

Chọn dự án trọng điểm, mang tính dẫn dắt để làm trước

Bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi của đồng bào dân tộc thiểu số Nghệ An khi được biết Quốc hội đang bàn về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) cũng đánh giá, dự thảo Chương trình được xây dựng công phu, tâm huyết, toàn diện, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta, thể hiện sự quan tâm chăm lo đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang cũng đề cập đến vấn đề khiến nhiều đại biểu Quốc hội, người dân quan tâm, trăn trở nhất là nguồn kinh phí bảo đảm thực hiện Chương trình. Đại biểu cho rằng, sự trăn trở này có cơ sở vì trước đây chúng ta ban hành một số chính sách song không có nguồn lực bảo đảm, nhất là chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số. Theo dự toán của Chính phủ, tổng ngân sách cần cho giai đoạn 2021 – 2025 là 114 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương khoảng 100 nghìn tỷ đồng, ngân sách địa phương là 10 nghìn tỷ đồng. Việc bố trí ngân sách Trung ương để bảo đảm thực hiện Chương trình này đã khó thì việc địa phương vốn đối ứng để bảo đảm thực hiện càng khó hơn vì đa số các tỉnh thụ hưởng chương trình này đều là tỉnh nghèo, hiện đang hưởng trợ cấp từ ngân sách Trung ương.

Để tránh chính sách ban hành không thực hiện được, dàn trải, lãng phí, không ảnh hưởng đến thực hiện các chương trình khác, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang đề nghị, cần xây dựng lộ trình theo giai đoạn và hàng năm. Đặc biệt, xác định những việc làm cụ thể theo hướng chọn một dự án trọng tâm, trọng điểm, những dự án mang tính cấp thiết, đột phá, mang tính dẫn dắt làm trước.

Thay vì thực hiện đồng thời cả 10 dự án trong chương trình, giai đoạn đầu chỉ nên tập trung thực hiện một số dự án như: Dự án tập trung giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Dự án ổn định, phát triển dân cư; Dự án phát triển sản xuất, đầu tư hạ tầng, phát triển giáo dục. Có như vậy mới thực hiện nguyên tắc được Nghị quyết 88 của Quốc hội đặt ra: Ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, hiệu lực đầu tư.