Dự thảo Luật cần sớm được thông qua
Thảo luận tổ về Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, đối với quy định về biện pháp can thiệp sớm, nếu áp dụng sớm làm cho hoạt động của các tổ chức tín dụng có nguy cơ khó khăn hơn vì bất cứ động thái nào của ngân hàng nhà nước đều có tác động rất lớn, gây hệ luỵ lớn, người gửi tiền chỉ nghe phong thanh là rút tiền hàng loạt. Vì thế cần hạn chế, ngăn chặn trước giai đoạn đó chứ không nên can thiệp sớm.
Đối với vấn đề xử lý nợ xấu và truy thu tài sản, đại biểu bày tỏ: Có nhiều ý kiến cho rằng việc sử dụng tài sản đưa vào Luật là không công bằng, tạo ra thiên vị nào đó cho tổ chức tín dụng, nhưng chúng ta không đặt vấn đề là tổ chức tín dụng đơn thuần mà là hoạt động của tổ chức trung gian tài chính, chuyển nơi dư vốn sang nơi có nhu cầu vốn. Nếu để nợ xấu sẽ thành "cục máu đông" gây tắc nghẽn vốn, ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Việc truy thu tài sản không hoàn toàn sai luật vì trong quan hệ dân sự có quy định cụ thể quyền, trách nhiệm của cá nhân trong đó có quyền thoả thuận: Có vay là có trả. Khi người vay cam kết trả nợ, đưa cả tài sản có nghĩa là hoàn toàn bằng ý chí chấp nhận vay chi tiêu hoặc làm dự án, nếu vay không có tiền trả phải đưa tài sản đảm bảo đã cam kết để trả cho ngân hàng.
Cho rằng không nên để đến 3 kỳ mới thông qua Luật Các tổ chức tín dụng, đại biểu Phạm Đức Ấn nhấn mạnh: Luật các tổ chức tín dụng là luật chuyên ngành đã qua kiểm tra thực tiễn lớn, nội dung sửa đổi không quá nhiều, không phải do chất lượng soạn thảo mà do quan điểm chấp nhận hay không. Đại biểu cho rằng, với ý kiến của các đại biểu, cùng với sự tiếp thu của Chính phủ và vẫn còn thời gian, vì vậy dự thảo Luật cần sớm được thông qua ở kỳ lấy ý kiến thứ 2 vào kỳ họp sắp tới của Quốc hội.
Tăng cường chuyển đổi số
Về đối tượng của dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, không nên chỉ dừng lại ở các tổ chức tín dụng truyền thống mà cần mở rộng phạm vi đối tượng đến các hoạt động của Fintech.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, những tổ chức Fintech đang phát triển rất mạnh, thay thế nhiều tín dụng nhỏ. "Nếu phát triển Fintech tốt, đưa vào thể chế thì sẽ giải quyết được nhu cầu vay vốn của người lao động. Người lao động thường có nhu cầu vay ít, vay nhanh nhưng các ngân hàng truyền thống không làm được. Nếu làm tốt Fintech thì sẽ giải quyết được nhu cầu này, tạo sự lành mạnh, khả năng khai thác tối đa các nguồn lực nhỏ"- đại biểu nói.
Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đề nghị, tăng cường nội dung chuyển đổi số đối với lĩnh vực này. Đại biểu phân tích, nếu như trước kia phải ngồi chờ báo cáo hàng ngày thì Ngân hàng Nhà nước mới biết các tổ chức hoạt động ra sao nhưng nay nếu thực hiện chuyển đổi số tốt trong hệ thống ngân hàng thì bất kể hoạt động tài chính nào phát sinh, từ tiền gửi vào ngân hàng đến tiền xuất ra của 1 tổ chức tín dụng nào đó thì ngay lập tức hệ thống kiểm soát ngân hàng trung ương sẽ phát hiện ra. Và như vậy sẽ thấy được nguy cơ tổ chức tín dụng nào có thể mất khả năng thanh khoản hoặc có hiện tượng dùng các dòng tiền không cân đối giữa gửi ngắn hạn với vay dài hạn.
Hiện dự thảo Luật có rất ít nội dung đề cập đến vấn đề này. Phải tập trung nhiều nội dung điều chỉnh hơn nữa vào ngân hàng số chuyển sang giao dịch điện tử. Đặc biệt phải tăng cường công cụ kiểm soát hệ thống tín dụng bằng hệ thống giao dịch kiểm soát điện tử. Phải đưa bằng được chuyển đổi số vào lĩnh vực này, nếu làm được việc này sẽ không để đến mức xảy ra mới cứu chữa như trong dự thảo đề cập.
Nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ chức tín dụng
Thảo luận ở tổ về Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho hay, hoạt động hệ thống các tổ chức tín dụng rất quan trọng trong nền kinh tế. Thời gian qua đã xảy ra những “cú sốc” trong nền kinh tế, như khủng hoảng về tài chính năm 2008 – 2009 dẫn đến nhiều ngân hàng trên thế giới phá sản, đổ vỡ; hay gần đây, với tác động bởi đại dịch Covid-19 và xung đột giữa Nga và Ukraine khiến một số ngân hàng lớn trên thế giới cũng gặp khó khăn.
Nhìn lại ở trong nước, hệ thống tổ chức tín dụng chúng ta cũng có vấn đề nhưng chúng ta đã có giải pháp ổn định. Mặc dù còn gặp những khó khăn, nhưng chúng ta đánh giá cao bộ luật mà trước đây chúng ta thông qua: Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010. Sau đó, chúng ta sửa đổi bộ luật vào năm 2017 cũng góp phần đảm bảo được an ninh hệ thống tài chính tiền tệ quốc gia. Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của hệ thống tổ chức tín dụng và nỗ lực của Chính phủ trong việc kiểm soát lạm phát trong 8 năm qua, chúng ta đã kiểm soát lạm phát rất tốt.
Một trong những tồn tại mà doanh nghiệp hiện nay đang rất bức xúc, đó là mặt bằng lãi suất của chúng ta còn rất cao. Cho nên hệ thống ngân hàng cần phải tiếp tục kéo giảm lãi suất và đây là điều rất cần thiết, phải có sửa đổi lần này. Về mặt cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, chúng ta đã có Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng yêu cầu phải tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế; và các quy định pháp luật khác.
Đề cập dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được chuẩn bị công phu, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhận định, dự luật sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ chức tín dụng liên quan đến khâu quản trị, điều hành, liên quan đến quyền cổ đông, hạn chế thao túng hoạt động tổ chức tín dụng, hoàn thiện quy định dịch vụ ngân hàng qua giao dịch điện tử và ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0…
Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn tỉnh Điện Biên) góp ý, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chỉ có một quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng và về cơ bản nội dung không có gì thay đổi so với quy định tại Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2010. Quy định này cũng không phản ánh đúng thực tiễn hoạt động của ngành ngân hàng hiện nay, đã xuất hiện nhiều dịch vụ ngân hàng trực tuyến, ngân hàng số do các tổ chức tín dụng phối hợp với các công ty fintech cung cấp.
Từ đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ và cơ quan soạn thảo dự luật bổ sung quy định về ngân hàng số tại Dự thảo Luật này: “Khuyến khích ứng dụng công nghệ thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ tham gia phát triển các hoạt động ngân hàng số tại Việt Nam”.
Ngoài ra, đại biểu Tạ Thị Yên góp ý thêm một vấn đề khác mà Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chưa đề cập, đó là xóa bỏ tín dụng đen. Để giải quyết bài toán này, cần ứng dụng công nghệ, phát triển ngân hàng số, cho phép xử lý giao dịch với số lượng lớn trong thời gian ngắn, giảm chi phí giao dịch.
Trong khi đó, nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng rất quan trọng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng (Đoàn tỉnh Sóc Trăng) cho rằng, hệ thống các tổ chức tín dụng của một đất nước là “mạch máu” của nền kinh tế; vì vậy, việc đảm bảo an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng rất quan trọng…