Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa:
Nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ
Trong bài viết "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả", Tổng Bí thư Tô Lâm nêu vấn đề rất cụ thể và phân tích rõ thực trạng cồng kềnh, thiếu tinh gọn trong bộ máy Nhà nước thời gian qua. Qua đó, Tổng Bí thư chỉ ra, cần xem lại cách tinh giản biên chế, cần rà soát, đánh giá, tổng kết việc ghép các phòng, ban như thời gian qua có hiệu quả hay không?
Hiện nay, bộ máy trong bộ, cơ quan ngang bộ còn nhiều tầng nấc, có cấp không rõ địa vị pháp lý; đơn vị trực thuộc có tư cách pháp nhân tăng, gia tăng tình trạng "Bộ trong Bộ". Tinh giản biên chế hiện nay mới tập trung giảm số lượng, chưa gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đề cập gia tăng tình trạng "Bộ trong Bộ, cũng là thực tế đang diễn ra, có sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ. Do đó, cần có sự vào cuộc rất quyết liệt, tinh giản để cho bộ máy làm việc từ Trung ương đến cơ sở thực sự hiệu lực, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực.
Thời gian qua, Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã được thực hiện tốt, tinh giản 10% biên chế sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, việc thực hiện tinh giản này ở một số nơi, một số cơ quan, đơn vị vẫn mang tính chất cào bằng, quy định từ trên xuống dưới đều áp dụng chung, các cơ quan, tổ chức, đơn vị nào cũng tinh giản 10%.
Ở cấp xã nếu chỉ có một người làm một nhiệm vụ thì không thể tinh giản được. Hay ở cấp phòng, ban của cấp huyện có 3 người, nếu tinh giản còn 2 người không đủ thực hiện nhiệm vụ; điều này xảy ra tương tự ở các cấp sở, ngành. Do đó, tinh gọn, tinh giản trong thời gian qua chưa hợp tình, chưa hợp lý.
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nêu vấn đề tinh giản biên chế mới tập trung giảm số lượng, chưa gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ; cần thiết tinh giản bộ máy, tổ chức, biên chế từ Trung ương là cần thiết.
Ở bộ, ngành có nơi có 3.000-4.000 người, nếu tinh giản 30 - 50 người, tôi nghĩ không không ảnh hưởng đến hoạt động của bộ, ngành đó. Còn đối với cấp tỉnh và cấp huyện, tinh giản chỉ 5-7 người đã gây khó khăn trong hoạt động, không đủ nhân lực thực thi công vụ.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Hoàng Thị Thanh Thúy:
Đất nước sẽ chuyển hoàn toàn sang giai đoạn mới
Để chuẩn bị cho một nhiệm kỳ mới, một giai đoạn mới với rất nhiều nội dung đột phá như Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc đến là "kỷ nguyên vươn mình" của dân tộc, thì điều phải làm ngay là sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy. Đây không chỉ là sự đổi mới mà có thể xem là "cách mạng", bởi với chủ trương này, đất nước sẽ chuyển hoàn toàn sang giai đoạn mới.
Muốn thực hiện được các mục tiêu đề ra, tổ chức bộ máy Nhà nước cũng phải theo kịp với sự phát triển của thế giới. Đây là thời điểm thích hợp để thực hiện chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy, nhất là khi chuẩn bị bước vào Đại hội Đảng các cấp.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói tham nhũng và lãng phí là hai mối lo lớn, gây ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội. Nếu muốn tập trung để đạt được những mục tiêu lớn đã đề ra thì phải thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trong việc thực hiện nay sắp xếp, tổ chức bộ máy, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lấy lại niềm tin của Nhân dân.
Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Trị):
Bảo đảm tinh gọn cả bộ máy và nhân lực
Tôi cho rằng, việc tinh gọn bộ máy ở cơ sở cần cân nhắc tùy vào từng ngành nghề. Ví dụ, trong ngành giáo dục không nên tinh giảm cơ học 10% theo từng năm, mà cần căn cứ vào tỷ lệ học sinh, để thực hiện chủ trương của Đảng là nơi nào có học trò, nơi đó có giáo viên. Vì vậy, trong bài viết và ý tưởng của của Tổng Bí thư đã nêu rõ tất cả các bộ, ngành và các khâu trung gian trong công tác tham mưu cần sắp xếp, tinh gọn để bộ máy cấp trên và cơ sở có sự thống nhất trong công tác điều hành.
Đối với các bộ phận trung gian tham mưu nếu không cần thiết, có thể tinh gọn để thời gian tới, khi xếp ngạch bậc lương theo chính sách tiền lương mới, theo vị trí việc làm sẽ mang lại hiệu quả và đảm bảo đời sống cho cán bộ.
Hiện có một số bộ ngành khẳng định, nếu tinh giản vài ba chục cán bộ vẫn có thể hoạt động thông suốt, vậy tại sao chúng ta không quyết liệt làm ngay sau khi Tổng Bí thư chỉ đạo? Và thời gian qua, có một số nơi đã tinh giản cơ học theo kiểu cán bộ nghỉ hưu và không tuyển dụng mới. Do đó, cần rà soát và có cơ chế phù hợp đối với đối tượng thuộc diện tinh giản; đồng thời, có tiêu chí cụ thể đánh giá cán bộ, làm cơ sở thực hiện tinh giản đúng đối tượng, bảo đảm tinh gọn cả bộ máy và nhân lực.
Đại biểu Quốc hội Leo Thị Lịch (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang):
Tinh gọn bộ máy đáp ứng nhu cầu đổi mới
Thời quan qua, thực hiện Nghị định của Chính phủ tinh giảm 10% biên chế hàng năm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập và các đơn vị hành chính mới chỉ tập trung vào hai lĩnh vực giáo dục và y tế. Trong khi đó, theo tỷ lệ dân số Việt Nam, dân số tăng, ngành giáo dục, ngành y tế cần tăng để đủ số lượng đáp ứng yêu cầu giáo dục và chăm sóc sức khỏe Nhân dân, do đó nếu chỉ tập trung giảm biên chế ở hai lĩnh vực này chưa hợp lý.
Tổng Bí thư yêu cầu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới, cần tập trung vào các lĩnh vực. Tôi cho rằng, tinh gọn bộ máy tập trung vào cấp Trung ương là phù hợp, để đảm bảo hài hòa công việc, đáp ứng nhu cầu đổi mới, nhất là việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.