Đại biểu Quốc hội: thận trọng khi xử phạt vi phạm hành chính mà không lập biên bản
Kinhtedothi - Chiều 16/5, thảo luận tại tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi), góp ý vào nội dung tăng mức xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản, đại biểu Quốc hội cho rằng, cần thận trọng bởi có thể dẫn đến sự tùy tiện của cơ quan xử lý.
Lập biên bản để chứng minh hành vi vi phạm
Liên quan đến nội dung tăng mức xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản trong dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính (Đoàn TP Hà Nội), Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho rằng cần hết sức thận trọng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính (Đoàn TP Hà Nội) thảo luận tại tổ - Ảnh: Như Ý
Theo đại biểu, có 2 trường hợp xử lý hành chính không lập biên bản là cảnh cáo và phạt tiền. Về nguyên tắc, khi xử lý vi phạm thì phải lập biên bản để chứng minh hành vi vi phạm, bởi nếu không có biên bản thì dễ dẫn đến sự tuỳ tiện của cơ quan xử lý. Hơn nữa, trong trường hợp có khiếu nại của người bị xử lý sẽ thiếu căn cứ để xem xét.
“Khi xử phạt 500.000 đến 1 triệu đồng, người bị xử lý không đồng ý và khiếu nại mà cơ quan xử lý không có chứng cứ thì sao?. Hơn nữa, với nhiều người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn, mức xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản với cá nhân lên tới 1 triệu đồng là rất lớn" - đại biểu nêu.
Do đó, đại biểu đoàn TP Hà Nội đề nghị cân nhắc kỹ và nên yêu cầu tất cả các trường hợp xử lý vi phạm dù lớn hay nhỏ đều cần phải có biên bản. Qua đó, tạo thuận lợi cho người có quyền xử lý và đáp ứng yêu cầu của người bị xử lý.Khi có khiếu nại cơ quan cấp trên sẽ căn cứ vào biên bản, chứng cứ, tài liệu để thực hiện.

Các đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội tham dự buổi thảo luận tổ chiều 16/5 - Ảnh: Như Ý
Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, cần làm rõ cơ sở của việc điều chỉnh mức phạt tiền vì phức phạt tiền phụ thuộc nhiều yếu tố như: thu nhập, sức mua của đồng tiền, lạm phát, đặc biệt yếu tố mà cơ quan soạn thảo quan tâm là yêu cầu đấu tranh phòng chống hành vi vi phạm. Hành vi nào có yêu cầu đấu tranh phòng chống vi phạm cao thì mức phạt tiền sẽ cao hơn so với hành vi có yêu cầu đấu tranh phòng chống vi phạm thấp hơn.
"Thực tế mức xử phạt hiện nay chủ yếu căn cứ vào sức mua của đồng tiền, mức thu nhập yêu cầu, sự phát triển kinh tế - xã hội, nhưng mức phạt dựa vào yêu cầu đấu tranh phòng chống vi phạm còn hạn chế" - đại biểu Hồng Hà nêu.
Làm rõ phạm vi xử lý vi phạm hành chính trên môi trường điện tử
Tham gia thảo luận, đồng tình với quy định lập biên bản vi phạm hành chính, đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi (Đoàn TP Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội) góp ý vào nội dung quy định ứng dụng công nghệ trong việc xác định hành vi vi phạm hành chính tại điều 18a dự thảo Luật.

Quang cảnh thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại Tổ 8 - Ảnh: Media.quochoi.vn
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin phải mở rộng theo tinh thần quán triệt Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Cụ thể ở lĩnh vực biển, hải đảo, qua thực tiễn cho thấy việc xác định hành vi vi phạm trên biển (như bảo vệ môi trường biển) rất khó khăn. Nếu không áp dụng công nghệ đo đạc, phân tích thì sự thay đổi của môi trường biển rất khó xác định. Vì vậy, việc bổ sung thêm nội dung áp dụng hay ứng dụng công nghệ trong xác định hành vi vi phạm hành chính là rất cần thiết.
Đánh giá cao việc bổ sung quy định tại điều 18a dự thảo Luật về ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý vi phạm hành chính, đại biểu Quốc hội Đặng Thị Bích Ngọc (Đoàn tỉnh Hòa Bình) cho biết, đây là bước tiến cần thiết và phù hợp với chủ trương chuyển đổi số và yêu cầu cải cách hành chính.

Đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi (Đoàn TP Hà Nội) phát biểu thảo luận - Ảnh: Như Ý
Để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả, nữ đại biểu đề nghị làm rõ phạm vi, đối tượng và từng giai đoạn có quy trình xử lý vi phạm hành chính có thể thực hiện trên môi trường điện tử; đồng thời bổ sung quy định về bảo mật thông tin cá nhân, thông tin xử lý vi phạm. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm bảo mật của các chủ thể có liên quan và có cơ chế giải quyết vướng mắc, khiếu nại, bảo đảm quyền lợi của người dân và tổ chức khi tham gia vào quá trình xử lý vi phạm hành chính điện tử.
Đối với nội dung tại điều 70, dự thảo Luật về sửa đổi gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đại biểu Bích Ngọc đề nghị bổ sung quy định chi tiết các phương thức điện tử được chấp thuận; điều kiện kỹ thuật; định dạng, tiêu chuẩn bảo mật, cơ chế xác thực nguồn gửi để bảo đảm tính toàn vẹn của thông tin; phòng ngừa việc giả mạo, làm sai lệch nội dung quyết định xử phạt. Có cơ chế để đảm bảo quyền tiếp cận thông tin và quyền khiếu nại của người bị xử phạt.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội
Kinhtedothi - Sáng 15/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nghe Tờ trình dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội.

Trình Quốc hội một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật
Kinhtedothi - Sáng 15/5, tại Kỳ họp thứ 9, Chính phủ trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Dự thảo Nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị.

Đại biểu Quốc hội: chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, đặt trọng tâm vào việc tháo gỡ rào cản
Kinhtedothi- Sáng 16/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.