Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu Quốc hội: “Tỉnh nào cũng muốn có sân bay, cảng biển”

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (TP Đà Nẵng) chỉ ra, 63 tỉnh, thành với 245 bến cảng thuộc 29 cảng biển, 21 sân bay, trong đó có tới 10 sân bay quốc tế, gần như tỉnh nào cũng có hoặc đều muốn có sân bay, cảng biển.

Tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội trên nghị trường ngày 2/11, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho rằng, vấn đề phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng đã được Đảng và Nhà nước ta nhận thức từ rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ 8 và qua các kỳ Đại hội thứ 9, 10, 11, 12 vấn đề này đều được tiếp tục làm rõ và định hướng chiến lược phát triển vùng.
 Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (TP Đà Nẵng).
Trong quá trình thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế vùng nước ta đã đạt được những thành quả nhất định, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế cần nhìn thẳng rằng, việc quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng và quy hoạch ngành theo từng vùng như hiện nay chưa phát huy hết tính hiệu quả trong định hướng, điều phối, phân bổ ngân sách, vai trò ràng buộc liên kết vùng và nội vùng vẫn còn nhiều hạn chế.
Theo đại biểu, việc liên kết vùng hiện nay vẫn còn là sự ghép nối giữa các tỉnh, thành với nhau, một số nơi là số ghép cơ học, chưa có sự liên kết thực sự, cơ bản chỉ trên tinh thần tự nguyện cam kết giữa các địa phương trong vùng, chưa có tính pháp lý, không có chế tài đảm bảo sự thực hiện lâu dài, nếu có cũng chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ.

Việc thu hút đầu tư và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giữa các địa phương đang mang tính chạy đua, mạnh ai nấy làm, thay nhau trải thảm đỏ mời đầu tư với nhiều hình thức ưu đãi.

“Thử hỏi 63 tỉnh, thành với 245 bến cảng thuộc 29 cảng biển, 21 sân bay, trong đó có tới 10 sân bay quốc tế, gần như tỉnh nào cũng có hoặc đều muốn có sân bay, cảng biển.

Điều này khiến cho lợi ích tổng thể giảm ở cấp độ quốc gia cũng như trong vùng và các tỉnh, thành đầu tư dàn trải, lãng phí, không có trọng điểm. Các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy được vai trò đầu tàu, tác dụng lan tỏa, hiệu quả đầu tư chưa thực sự vượt trội, thiếu cơ chế, chính sách đặc thù để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng và vùng có lợi thế là đầu tàu kéo nền kinh tế phát triển”, Đại biểu Nguyễn Bá Sơn bày tỏ.

Để thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng, trong thời gian tới, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch. Phát triển tổng thể của vùng gắn chặt với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở phát triển mạnh mẽ của từng địa phương, phân tích thế mạnh của từng vùng tạo nên nhiều chuỗi giá trị hàng hóa trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng thời, tập trung phát triển nhanh hơn các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương, đảm bảo tính thống nhất, tập trung quản lý của nhà nước về kinh tế, đảm bảo giám sát tốt việc thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong vùng và của vùng hài hòa lợi ích giữa các địa phương và vùng, tránh tình trạng trùng lắp lợi ích, cạnh tranh lẫn nhau.

Các tỉnh thành phố đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc nâng cao khả năng tổ chức hoạt động phối hợp liên tỉnh, tăng cường công tác phối hợp giữa lãnh đạo các tỉnh, thành trong việc thực thi chính sách chung của Chính phủ đề ra nhằm khắc phục tính cục bộ trong hoạt động xây dựng địa phương, xóa bỏ tư duy khép kín. Các bộ, ngành trung ương phối hợp chặt chẽ với các địa phương và các vùng để xây dựng quy hoạch phát triển ngành và kết cấu hạ tầng.

Trong phát biểu của mình tại hôi trường, đại biểu Nguyễn Nhân Chiến (Bắc Ninh) đề nghị Chính phủ tiếp tục ưu tiên chỉ đạo công tác quy hoạch, công tác quy hoạch cần đi trước một bước làm nền tảng định hướng trong quản lý và điều hành phát triển kinh tế, xã hội.

Theo đại biểu, trong chương trình kỳ họp này Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về Luật quy hoạch, đây là việc làm hết sức cần thiết trong điều kiện thực trạng quy hoạch của chúng ta đang bị chồng chéo, cục bộ, phân tán, lãng phí nguồn lực quốc gia. Làm tốt công tác quy hoạch chính là cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về định hướng phát triển đất nước, tạo sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương.

“Làm tốt công tác lập và quản lý thực hiện quy hoạch cũng sẽ khắc phục được tình trạng chia cắt cục bộ ngành và địa phương. Khắc phục được biểu hiện 63 tỉnh, thành phố như 63 nền kinh tế độc lập hiện nay. Nhằm tăng cường liên kết vùng, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương, phát huy hiệu quả trong khai thác sử dụng nguồn lực của đất nước để thúc đẩy phát triển bền vững”, Đại biểu Nguyễn Nhân Chiến nêu quan điểm.