Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh: Đừng để “bình mới, rượu cũ”

Quốc Toản (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, chấn chỉnh tác phong làm việc, không uống rượu bia, hút thuốc lá tại công sở..., đó là những yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 26 vừa được ban hành.

Đánh giá cao quyết tâm ấy, tuy nhiên Ủy viên Thường trực Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, các cấp, các ngành phải quyết liệt với những giải pháp cụ thể hơn, tránh tình trạng “bình mới, rượu cũ” để nâng cao hiệu quả thực thi công vụ, phục vụ Nhân dân. 
Rõ “vai” người đứng đầu
Bà đánh giá thế nào về Chỉ thị 26 của Thủ tướng? Đây có phải là giải pháp để “xốc” lại đội ngũ cán bộ, công chức bấy lâu nay vốn bị đánh giá khá ì ạch?
- Có lẽ chưa bao giờ yêu cầu chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính, xốc lại đội ngũ cán bộ, công chức như hiện nay, bởi tình trạng tham nhũng, lãng phí, thất thoát tài sản công, đạo đức tác phong, lối sống của không ít “công bộc” của dân đã đi quá giới hạn, thậm chí phạm pháp, phạm tội hình sự, gây bức xúc trong dư luận những năm qua. Vì vậy, tôi đánh giá cao sự quyết tâm “nói đi đôi với làm” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thể hiện trách nhiệm rất cao của người đứng đầu Chính phủ nhằm quyết liệt chấn chỉnh tình trạng trì trệ, tồn tại bấy lâu nay của đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, viên chức trong bộ máy hành chính Nhà nước ở các cấp, các ngành, các quan, đơn vị. Hầu hết cử tri nhận thấy đây không phải là những lời nói suông, hô hào chung chung mà thật sự là những yêu cầu, bắt buộc rất cụ thể đối với các cấp, các ngành, mỗi cán bộ, công chức, người lao động để nâng cao kỷ luật, kỷ cương, hiệu quả công việc.
Những chỉ đạo của Thủ tướng không phải mới. Trước đó, cũng có rất nhiều quy định về tác phong, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Vậy theo bà, lần này chúng ta phải làm gì để chỉ đạo ấy đi vào thực chất?
- Thực sự nhiều nội dung trong Chỉ thị 26 của Thủ tướng lần này đúng là không phải mới, như nghiêm cấm cán bộ, công chức hút thuốc, sử dụng rượu, bia trong cơ quan, giờ làm việc; nghiêm cấm lợi dụng chức năng, nhiệm vụ để gây nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc… Trước đây, các đại biểu Quốc hội nhiều lần chất vấn Thủ tướng Chính phủ tại các kỳ họp Quốc hội hoặc gửi văn bản kiến nghị, kỳ vọng Thủ tướng thể hiện rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ, kiên quyết chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh những cán bộ, công chức nhũng nhiễu, có sai phạm, kể cả những cán bộ quản lý, người đứng đầu thuộc quyền quản lý ở cấp bộ hay cấp tỉnh. Thế nhưng những bất cập, hạn chế của bộ máy hành chính dường như vẫn không giảm, chung quy cũng chỉ từ những yếu kém của các cán bộ, công chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Chỉ thị của Thủ tướng được ban hành trong thời điểm hiện nay, không cần chờ đại biểu Quốc hội chất vấn, kiến nghị mới khởi động, mà thực ra Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định ngay từ khi tuyên thệ nhậm chức, quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, phục vụ người dân và DN. Vì vậy, để việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng đi vào thực chất, tôi cho rằng người đứng đầu các ngành, các cấp phải gương mẫu và tổ chức thực hiện nghiêm các quy định. Các cơ quan báo chí cần chủ động phối hợp với các cấp, các ngành để kịp thời nắm bắt thông tin, phản ánh trung thực những tấm gương “Người tốt, việc tốt” và những cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy định Chỉ thị 26. Công tâm và khách quan trong quản lý, điều hành từ trên xuống dưới, tôi tin rằng Chỉ thị của Thủ tướng sẽ đạt đuợc những kết quả tốt đẹp.
Là một đại biểu rất tâm huyết, trách nhiệm, thể hiện rõ qua việc cá nhân bà đã tự soạn thảo Luật Hành chính công. Trong dự Luật này, trách nhiệm, năng lực cán bộ, công chức cũng như kỷ cương, kỷ luật của các cơ quan Nhà nước được thể hiện như thế nào, thưa bà?
- Nhiều năm nghiên cứu hệ thống pháp luật hiện hành, Nhóm nghiên cứu hỗ trợ đại biểu xây dựng dự án Luật Hành chính công của chúng tôi phát hiện thấy pháp luật hiện hành còn nhiều bất cập. Trong đó quy định về hành chính công, đạo đức công vụ, kỷ cương, kỷ luật hành chính, “kiểm soát quyền lực” hành chính công chưa được làm rõ; thanh tra công vụ chỉ có 2 điều rất chung chung; vấn đề nguyên tắc chung trong quản lý nhà nước/hành chính công, nguyên tắc xây dựng thủ tục hành chính, cải cách hành chính, dịch vụ công, Chính phủ điện tử… mới chỉ dừng ở Nghị định của Chính phủ, chưa có luật nào quy định. Vì vậy, trong quản lý, điều hành, thực thi công vụ rất vướng mắc. Trên cơ sở ủng hộ của các cơ quan chức năng, dự án Luật Hành chính công được Quốc hội thống nhất đưa vào Chương trìnnh xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, dự kiến trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ tư (tháng 10/2017). Chúng tôi đang thực hiện quy trình theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 để chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Ban Soạn thảo dự án Luật Hành chính công. Sau đó, nội dung dự thảo Luật mới có thể được Ban soạn thảo thống nhất đưa ra công bố. Những bất cập của nền hành chính và pháp luật hành chính công nêu trên đây sẽ được xem xét đưa vào dự án Luật. 

Cán bộ Chi cục Thuế quận Ba Đình giải quyết thủ tục cho người dân. Ảnh: Chiến Công

Luôn lắng nghe, luôn hành động
Thời gian qua, TP Hà Nội đã có những chuyển động mạnh mẽ trong cải cách hành chính, tinh giản bộ máy, nâng cao chất lượng phục vụ. Bà đánh giá thế nào về những nỗ lực ấy?
- Hầu hết cử tri rất mừng từ đầu năm 2016 đến nay, lãnh đạo TP Hà Nội rất quyết liệt trong cải cách hành chính, tinh giảm bộ máy, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, xây dựng chính quyền điện tử, đáp ứng yêu cầu của người dân và DN. Đặc biệt, TP đề ra nhiều chủ trương, định hướng lớn rất tốt đẹp, ứng dụng khoa học và công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội, lấy du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn, cung cấp nước sạch, thực phẩm an toàn, bảo vệ môi trường, phát triển hạ tầng giao thông hiện đại, công cộng, bảo tồn di sản văn hóa truyền thống, giáo dục lòng nhân ái… So với nhiều địa phương khác trong cả nước, những kết quả bước đầu này rất đáng khích lệ, tạo cơ sở để Thủ đô xứng đáng với vị trí, vai trò rất đáng tự hào là Trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.
 Với cương vị là đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, bà sẽ làm gì để góp phần nâng cao hiệu cuả hoạt động của các cơ quan hành chính của Thủ đô?
- Tôi không chỉ được sinh ra, lớn lên, trưởng thành từ Hà Nội, mà còn được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội gần 15 năm nay, vì vậy, từ lâu tôi luôn xác định phải có trách nhiệm đóng góp xây dựng và phát triển Thủ đô. Với cương vị là một đại biểu Quốc hội của Hà Nội, tôi thường chú ý, quan tâm đóng góp những ý kiến có trách nhiệm với lãnh đạo TP trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của TP. Đồng thời, phải luôn giữ mối quan hệ tốt với các cơ quan, các cấp trên địa bàn, sẵn sàng điện thoại, hoặc viết văn bản đề xuất, kiến nghị những vấn đề cử tri quan tâm, bức xúc, cần được giải quyết. Đặc biệt, tôi rất muốn đem hiểu biết pháp luật của mình chia sẻ, hướng dẫn cho những ai đang tranh chấp, khiếu kiện, oan sai, để họ hiểu được các cơ quan đã làm hết trách nhiệm hoặc khi cần thì họ phải làm gì để bảo vệ lợi ích, quyền lợi pháp của mình. Tôi còn “ấp ủ” một số chương trình, dự án đã và đang chia sẻ với các cơ quan, các chuyên gia, các nhà khoa học nhằm đưa pháp luật vào cuộc sống, bảo vệ môi trường, xây dựng làng nghề phát triển bền vững, thúc đẩy phát triển du lịch ở Thủ đô…
Xin cảm ơn bà!