Đại gia đua "bắt đáy" cổ phiếu

Diệu Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi thị trường chứng khoán “dò đáy”, trái với tình trạng bán tháo của các nhà đầu tư nhỏ lẻ thì đây chính là thời điểm để lãnh đạo doanh nghiệp và người nhà tung tiền gom cổ phiếu.

Thị trường chứng khoán trải qua biến động mạnh, từ đầu năm đến nay chỉ số VN-Index đã giảm xấp xỉ 500 điểm. Nhiều cổ phiếu cũng bị giảm sâu 50 - 60%. Trong lúc thị trường lao dốc, nhiều lãnh đạo và người thân trong gia đình đã gom mua cổ phiếu rớt giá. Điều này một mặt giúp củng cố niềm tin cho nhà đầu tư, mặt khác cũng là cơ hội thu mua cổ phiếu và tăng tỷ lệ sở hữu với số tiền hời.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Điển hình phải kể đến nhóm bất động sản. Mới đây ông Nguyễn Xuân Quang - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Long (Mã CK: NLG) đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu NLG để đầu tư. Thời gian thực hiện từ ngày 14/10 - 12/11. Nếu thành công mua 2 triệu cổ phiếu đăng ký, Chủ tịch NLG sẽ tăng tỷ lệ sở hữu từ 11,87% tương ứng 45,45 triệu cổ phiếu, lên 12,39% tương ứng 47,45 triệu cổ phiếu.

Trong cùng thời gian thời gian này, ông Nguyễn Hiệp và ông Nguyễn Nam - 2 con trai của Chủ tịch cũng đăng ký mua vào mỗi người 2 triệu cổ phiếu, tăng tỷ lệ sở hữu tại NLG lên lần lượt 0,79% tương ứng 3,04 triệu cổ phiếu và 0,62% tương ứng 2,38 triệu cổ phiếu nếu mỗi người mua thành công. Ước tính, Chủ tịch và 2 con trai phải chi tổng cộng 150 tỷ đồng để tăng sở hữu tại Công ty.

Có thể thấy, thị giá NLG đã giảm tới gần 40% giá trị chỉ tính từ đầu tháng 9 tới nay. Sau khi chủ tịch và hai con trai đăng ký mua vào, thị giá NLG bật tăng hết biên độ phiên sáng ngày 12/11 khi đang giao dịch ở mức 25.150 đồng/cổ phiếu. Hiện NLG đã bật tăng trở lại và đang ở mốc 26.100 đồng/cổ phiếu (trong đầu phiên giao dịch ngày 14/10).

Một vụ thu gom cổ phiếu ở giá đáy nổi bật khác phải kể đến việc ngày 4/10, CTCP Đầu tư Vinatex Tân Tạo thông báo đăng ký mua thêm 5 triệu cổ phiếu KBC của Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc để tăng tỷ lệ sở hữu. Hiện Vinatex Tân Tạo đang sở hữu gần 34,25 triệu cổ phiếu KBC (tỷ lệ 4,46%).

Nếu giao dịch thành công, Công ty này sẽ trở thành cổ đông lớn của KBC khi nâng tổng lượng sở hữu lên gần 39,25 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,11%). Trên thị trường cổ phiếu, KBC hiện nay vẫn liên tục lao dốc theo chiều thuận với thị trường. Tính chung qua 1 tháng mã này đã mất tới gần 24,8% giá trị.

Hay như tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, mới đây lãnh đạo của Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank - HDB) thông báo mua vào lượng cổ phiếu lớn. Cụ thể, ông Phạm Quốc Thanh - Tổng giám đốc HDBank đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu HDB. Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận, dự kiến từ ngày 7/10 đến ngày 4/11/2022. Hiện ông Quốc Thanh đang nắm giữ 1 triệu cổ phiếu HDB, nếu giao dịch thành công, ông này sẽ nâng sở hữu lên 2 triệu cổ phần, tương đương 0,08% vốn điều lệ ngân hàng. Hiện cổ phiếu HDB đã mất 23% giá trị so với đầu năm.

Một trường hợp điển hình khác đó là việc mới đây ông Phạm Thanh Tùng - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Quản lý Tài sản Trí Việt (TVC) tiếp tục đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu trong thời gian từ 29/9 - 28/10/2022. Nếu mua được toàn bộ số cổ phiếu trên, ông Tùng sẽ tăng sở hữu tại TVC từ hơn 7,23 triệu đơn vị (tỷ lệ 6,1%) lên hơn 8,2 triệu đơn vị (tỷ lệ 6,9%).

Có thể thấy, từ đầu tháng 5/2022 đến nay, ông Tùng đã nhiều lần đăng ký mua thêm cổ phiếu TVC nhưng không mua được hết số cổ phiếu đăng ký với lý do biến động cung cầu thị trường. Gần đây nhất, ông Tùng tăng sở hữu lên 7,2 triệu cổ phiếu, sau khi mua 345.000 cổ phiếu TVC trên 1 triệu cổ phiếu đăng ký trong thời gian 19 - 23/09. Trước đó, từ ngày 5 - 19/8, ông cũng mua 522.000 cổ phiếu TVC trên 2 triệu cổ phiếu đăng ký mua.

Hiện, cổ phiếu TVC đang giao dịch ở mức 6.100 đồng/cp (đầu phiên 14/10), giảm hơn 74,7% so với mức đỉnh đầu năm 2022. Chiếu theo mức giá này, ước tính Chủ tịch TVC cần chi khoảng 7,2 tỷ đồng để mua được toàn bộ số cổ phiếu đăng ký.

Có thể thấy, mua vào cổ phiếu là động thái được nhiều doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện khi thị giá cổ phiếu giảm sâu. Việc cổ đông nội bộ của doanh nghiệp gia tăng cổ phiếu thường khiến cổ đông an tâm hơn về doanh nghiệp, và thu hút được sự chú ý với giới đầu tư. Bởi theo logic, lãnh đạo doanh nghiệp là những người hiểu rõ nhất về doanh nghiệp, nên việc gia tăng sở hữu đồng nghĩa với việc tiềm năng của doanh nghiệp tốt, cổ phiếu có dư địa tăng trưởng.

Trong đợt phục hồi của thị trường chứng khoán năm ngoái, ngoài việc các cổ phiếu rơi xuống vùng đáy và nhờ dòng tiền mạnh mẽ của nhà đầu tư F0, thì không thể phủ nhận có lực đỡ quan trọng là việc doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp mua vào cổ phiếu. Tuy nhiên, không phải lúc nào hành động này cũng có thể “cưú” giá cổ phiếu, nhất là trong bối cảnh thị trường bị tác động bởi nhiều thông tin tiêu cực như hiện nay.