Cuối tháng 4/2016 vừa qua, sau khi vượt qua hàng loạt đối thủ, tập đoàn Central Group (Thái Lan) đã chính thức trở thành chủ nhân mới của hệ thống Big C Việt Nam với giá trị thương vụ lên tới 1,14 tỷ USD. Theo bảng xếp hạng Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2015 của Tạp chí bán lẻ châu Á, đây hiện là hãng bán lẻ đứng thứ 4 Việt Nam với doanh thu 2014 lên đến 546 triệu USD.
Và Central Group không phải là cái tên xa lạ nếu biết tập đoàn này cũng đang sở hữu 49% cổ phần của Nguyễn Kim, hãng bán lẻ lớn thứ 3 Việt Nam. Đồng thời, tập đoàn Thái Lan cũng là chủ sở hữu của Lan Chi Mart, hệ thống siêu thị chuyên dành cho khu vực nông thôn được thành lập từ tận năm 1995.
Không chỉ xuất hiện trong lĩnh vực bán lẻ hàng hóa, điện máy, Central Group còn hiện diện trong cả mảng thời trang ở Việt Nam. Hiện tại Tập đoàn này đang sở hữu hai trung tâm thời trang mang thương hiệu Robins tại Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Cùng với đó là hàng loạt các thương hiệu thời trang khác như SuperSports, Crocs và New Balance cũng đều có mặt ở Việt Nam thông qua hệ thống phân phối và nhượng quyền của Central Group.
Đến hết tháng 2/2016, Central Group đang sở hữu một mạng lưới bán lẻ khổng lồ gồm 4 trung tâm thương mại, 27 cửa hàng thể thao, 30 cửa hàng thời trang, 21 cửa hàng điện máy, 1 nhà phân phối
hàng tiêu dùng nhanh và 13 siêu thị. Hiện tại hệ thống này không chỉ tăng mạnh lên về số lượng với sự góp mặt của 32 siêu thị thuộc Big C Việt Nam mà còn có khả năng mở rộng ra với website thương mại điện tử chuyên về thời trang Zalora Việt Nam khi tập đoàn Thái sẵn sàng chi ra tới 10 triệu USD cho thương vụ này.
Rõ ràng những toan tính của Central Group với thị trường bán lẻ Việt đang được thực hiện cực kỳ bài bản và vô cùng toàn diện, phủ đều trong những mảng miếng quan trọng nhất.
Trước đó, vào cuối năm 2014, một hệ thống bán lẻ hàng đầu khác của Việt Nam là Metro Cash & Carry Việt Nam cũng đã rơi vào tay tập đoàn Thái Lan khác là BJC với số tiền lên đến 879 triệu USD. Như vậy với việc có được Metro Cash & Carry Việt Nam và Big C Việt Nam, hiện 50% thị phần bán lẻ của Việt Nam đã vào tay người Thái.
Không chỉ các "đại gia" Thái đưa thị trường bán lẻ Việt vào tầm ngắm, hàng loạt tên tuổi lớn khác trên thế giới cũng đã và đang có những động thái nhằm chia sẻ miếng bánh được đánh giá là cực kỳ béo bở này. Có thể kể đến như Lotte (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản), Wal Mart (Mỹ), Auchan (Pháp), E-mart (Hàn Quốc) ...
Theo nhiều chuyên gia, các hãng bán lẻ Việt Nam đang có rất ít lợi thế trước những đối thủ ngoại. Ngoài những chương trình khuyến mại, bình ổn giá có hiệu quả trong thời gian ngắn thì cả về quá trình phân phối cũng như quản trị kinh doanh và đặc biệt là vấn đề tài chính, bán lẻ nội đang thua kém quá xa.
Đơn cử như trường hợp mua lại Big C Việt Nam, bên cạnh nhiều hãng quốc tế, Việt Nam cũng góp mặt 2 cái tên gồm Masan Group và Saigon Co.op, hãng bán lẻ số 1 trong nước. Và lý do được Saigon Co.op đưa ra nhằm biện minh cho việc thất bại trong vòng đấu thầu cuối cùng cũng khá khó hiểu: Lo ngại không xin được giấy phép do thương vụ được thực hiện với một DN ở châu Âu.
Tuy nhiên, lý do đơn giản và ai cũng có thể hiểu cho việc "vồ hụt" Big C Việt Nam là các thương hiệu Việt không đáp ứng nối mức giá 1,14 tỷ USD mà Central Group đưa ra. Và đây nhiều khả năng cũng là điểm yếu chí tử của các hãng bán lẻ Việt sẽ gặp phải trong quá trình chạy đua mở rộng hệ thống, khuyến mại ... với các hãng ngoại quốc. Đáng chú ý, các hãng bán lẻ ngoại đã và sắp tiến vào Việt Nam đều là những tập đoàn đa quốc gia với khả năng tài chính cực kỳ hùng hậu.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng, đã tới lúc các DN bán lẻ trong nước cần nhìn nhận nghiêm túc đối với mối đe dọa đến từ DN bán lẻ ngoại, đặc biệt là những thương hiệu đến từ Thái Lan và Hàn Quốc. Với việc Big C Việt Nam về tay người Thái, có thể khẳng định sự cân bằng trên thị trường bán lẻ Việt đã nghiêng hẳn về phía DN nước ngoài, trong đó phía Thái chiếm phần lớn thị phần.
Các DN đuối sức buộc phải bán mình là điều tất yếu nhưng ngay cả các DN còn đang hoạt động vẫn bộc lộ nhiều điểm yếu từ vốn cho tới kinh nghiệm quản trị, nếu không sớm thay đổi, việc đổi chủ trong tương lai là điều khó tránh khỏi, ông Phú cảnh báo.
Còn bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, lo ngại Big C Việt Nam rơi vào tay Central Group thì xem như người Thái đã nắm trọn mô hình bán lẻ ở Việt Nam từ bán buôn ở các đại siêu thị cho đến bán lẻ ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Việc đa dạng hóa hình thức bán lẻ cho phép DN ngoại chủ động lựa chọn sản phẩm, tận dụng lợi thế chuỗi để giảm chi phí. Điều này cũng hạn chế rất nhiều sự xuất hiện của hàng Việt trong chuỗi cung ứng của họ, bà Hạnh nhận định.
Big C Việt Nam là chuỗi bán lẻ mới nhất rơi vào tay DN ngoại
|