Đại học Đông Dương với công cuộc hiện đại hóa văn hóa, học thuật Việt Nam

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại học Đông Dương (ĐHĐD) được thành lập từ năm 1906 đã xác lập nền giáo dục đại học ở Việt Nam, góp phần quan trọng hình thành đội ngũ trí thức mới để làm nòng cốt cho sự vận động hiện đại hóa nền văn hóa, học thuật Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.

Đại học Tổng hợp, trước là Đại học Đông Dương. Ảnh: Phạm Hùng
Đại học Tổng hợp, trước là Đại học Đông Dương. Ảnh: Phạm Hùng

Mô hình giáo dục đại học Pháp ở Việt Nam

Ngay từ năm 1861, sau khi chiếm đóng 3 tỉnh miền Đông Nam bộ, do nhu cầu đáp ứng người cho bộ máy cai trị, người Pháp đã nhanh chóng cho mở hệ thống các trường dạy nghề và các trường học phổ thông.

Ngày 21/9/1861, trường Bá Đa Lộc (Évêque d’Adran) được thành lập để dạy tiếng Pháp cho người Việt và dạy tiếng Việt cho người Pháp. Năm 1864, trường Thông ngôn (Collège des Interprètes) mở ở Sài Gòn (năm 1905 mở ở Hà Nội). Ngày 19/7/1871, trường Sư phạm thuộc địa được thành lập tại Sài Gòn. Từ năm 1874, Pháp cho thành lập trường Hậu bổ (Collège des administrateurs stagiaires) ở Sài Gòn, ở Hà Nội năm 1903 và ở Huế năm 1911.

Ngoài ra, họ còn thành lập một số trường chuyên nghiệp dạy nghề như trường Kỹ nghệ thực hành tại Hà Nội (1898), trường Kỹ nghệ thực hành Huế (1889) và trường Bá nghệ Sài Gòn (1889), trường Mỹ thuật đồ mộc Thủ Dầu Một (1901), trường Mỹ nghệ Biên Hòa (1903). Đặc biệt, năm 1902, trường Y khoa Hà Nội (École de Médecine de Hanoi) được thành lập. Đây là một trong những trường đào tạo theo lối giáo dục phương Tây đầu tiên ở Việt Nam

Đầu thế kỷ XX, nhằm đào tạo đội ngũ công chức, viên chức bản địa có trình độ cao cho chính quyền tại Đông Dương trong nỗ lực khai thác thuộc địa, xây dựng một nền giáo dục theo mô hình Pháp và châu Âu, Chính phủ Pháp đã thành lập ĐHĐD như một trung tâm học giáo dục, học thuật lớn nhất Việt Nam và Viễn Đông.

Ngày 16/5/1906, Toàn quyền Paul Beau ký Nghị định 1514a thành lập ĐHĐD ở Hà Nội để đào tạo đại học cho các sinh viên xứ thuộc địa và các nước láng giềng. ĐHĐD có chức năng là trung tâm đào tạo đại học và là trung tâm nghiên cứu và phổ biến tri thức khoa học phương Tây ở Viễn Đông.

ĐHĐD là đại học đa ngành, dạy bằng tiếng Pháp, gồm các trường thành viên: Cao đẳng Luật và Pháp chính, Cao đẳng Y - Dược, Cao đẳng Công chính, Cao đẳng Văn chương, Cao đẳng Khoa học, Cao đẳng Xây dựng.

Cuối tháng 11/1907, ĐHĐD tổ chức lễ khai giảng đầu tiên, chính thức đi vào hoạt động, đánh dấu sự xác lập mô hình giáo dục đại học Pháp ở Việt Nam. Tuy nhiên chỉ một năm sau thì trường bị đình giảng mà không có quyết định và không rõ lý do. Mặc dù bị đình giảng với tư cách đại học đa ngành nhưng các trường thành viên vẫn tiếp tục hoạt động.

Theo Nghị định ngày 8/7/1917, Ban Học chính cao đẳng được thành lập thuộc Phủ Toàn quyền. Theo đó, các trường cao đẳng, đại học sẽ được mở cửa tại Đông Dương cho sinh viên Pháp và sinh viên bản địa. ĐHĐD được mở cửa trở lại vào năm học 1917 - 1918, bao gồm 6 trường thành viên: Trường Y khoa (1902, về sau có thêm khoa Dược, đổi tên là trường Y Dược khoa Đông Dương), trường Cao đẳng Thú y (1917), trường Luật khoa và Pháp chính (1917), trường Cao đẳng Sư phạm (1917), trường Cao đẳng Nông lâm (1918), trường Công chánh (1902), trường Thương mại (1920), trường Cao đẳng văn khoa (1923), trường Khoa học thực hành (1923), trường Cao đẳng mỹ thuật (1924).

Bắt đầu từ năm 1930, một số trường đã được tổ chức theo đúng tiêu chuẩn Pháp. Từ đây, ĐHĐD có bước phát triển quan trọng, được đầu tư, tổ chức lại bài bản, theo hướng nền giáo dục hiện đại. Chất lượng giảng viên và sinh viên được nâng cao hơn. Chương trình đào tạo đại học, thậm chí trên đại học, được áp dụng ở một số trường như Đại học Y và Đại học Luật. ĐHĐD trở thành một bộ phận của giáo dục đại học Pháp ở thuộc địa.

Song trùng với ĐHĐD, theo mô hình giáo dục đại học hiện đại, người Pháp còn xây dựng nhiều viện nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực như Viện Viễn Đông bác cổ (nghiên cứu Đông phương học1898), Viện Paster Nha Trang (1905)…

ĐHĐD hoạt động cho đến tận năm 1945 thì dừng lại và tiếp tục được kế thừa bởi các trường ở Hà Nội và Sài Gòn.

Một thế hệ trí thức làm thay đổi nền văn hóa, học thuật nước nhà

ĐHĐD có khá đầy đủ các ngành khoa học cơ bản gồm cả khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội đương thời; trở thành nơi tập trung các nhà khoa học của Pháp đến công tác và giảng dạy. Tại đây, sinh viên được học tập trong môi trường học thuật Pháp hiện đại nhất Viễn Đông; được hấp thụ trực tiếp và mạnh mẽ tri thức khoa học và văn hóa phương Tây. Đây là môi trường tốt để đào tạo ra một bộ phận trí thức Tây học cao cấp cho Việt Nam.

Việc tuyển chọn vào trường rất khắt khe nhưng những người đã qua ĐHĐD đều là những trí thức thực sự tài năng, được đào tạo bài bản, và có chuyên môn trên nhiều lĩnh vực khoa học, văn hóa hiện đại.

Họ được tiếp nhận kiến thức, quan điểm học thuật, phương pháp học tập và nghiên cứu mới, lĩnh vực học thuật và nghề nghiệp mới, đặc biệt là cách thức tư duy phương Tây hiện đại. Họ còn được trang bị hệ thống triết học, thẩm mỹ hiện đại, nhân sinh quan tiến bộ để trở thành những nhà chuyên môn giỏi, có cách tư duy độc lập đồng thời có phương pháp nghiên cứu, phương pháp luận khoa học hiện đại.

Mặc dù số lượng sinh viên của ĐHĐD không đông (niên khóa 1941 - 1942 chỉ có 1.035 sinh viên) nhưng đa phần họ đã trở thành những trí thức ưu tú và tinh hoa của đất nước.

Cũng như đại bộ phận trí thức Việt Nam thời Pháp thuộc, trí thức ĐHĐD, đều không giàu có nhưng họ có đời sống văn hóa tinh thần phong phú, đa dạng và hiện đại. Họ là lực lượng đi đầu trong cuộc vận động xã hội cũng như trong học thuật, giáo dục và văn hóa nghệ thuật. Phần lớn họ có tinh thần đấu tranh cho dân quyền và độc lập dân tộc, có ý chí muốn hiện đại hóa đất nước và đã có nhiều đóng góp quan trọng.

Về văn học - nghệ thuật, họ đã hiện đại hóa, làm thay đổi hẳn nền văn học, nghệ thuật nước nhà vào những năm 1930 - 1940 của thế kỷ XX. Nền văn xuôi hiện đại ra đời; Phong trào Thơ mới, Tự Lực văn đoàn xuất hiện với hàng loạt tác giả là sinh viên ĐHĐD như Hoàng Ngọc Phách, Huy Cận, Vũ Hoàng Chương, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Thế Lữ… đã làm thay đổi hẳn nền văn học.

Tân nhạc Việt Nam, kịch nói Việt Nam, mỹ thuật Việt Nam mới ra đời với với phần đông nghệ sĩ là trí thức ĐHĐD. Cùng với đó là sự phát triển của báo chí, xuất bản với sự tham gia đông đảo các trí thức ĐHĐD.

Kiến trúc Việt Nam thay đổi nhanh chóng theo hướng hiện đại với sự tham gia rất đáng kể của các kiến trúc là cựu sinh viên ĐHĐD như Nguyễn Bá Lăng, Hoàng Như Tiếp, Nguyễn Cao Luyện, Huỳnh Tấn Phát…

Về khoa học - kỹ thuật, nổi bật hơn cả là đóng góp của ngành Y và các trí thức trường Y Dược khoa Đông Dương. Từ Alexandre Yersin và cộng sự tại Viện Paster Nha Trang trong việc điều chế và sản xuất huyết thanh đến các công trình của các giáo sư Đỗ Xuân Hợp, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng, Đỗ Tất Lợi… đều là cựu sinh viên ĐHĐD.

Khoa học xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX đã thay đổi nhanh chóng cả về đối tượng, phương pháp khảo/nghiên cứu đã cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu công phu có giá trị bởi các trí thức ĐHĐD như Dương Quảng Hàm, Cao Xuân Huy, Hoàng Minh Giám, Đặng Thai Mai…

Trên lĩnh vực khoa học kỹ thuật, nhiều công trình lớn về cầu đường, thủy lợi, nông lâm… gắn liền với các kỹ sư ĐHĐD.

Số đông các trí thức ĐHĐD đã lựa chọn nghề dạy học và có những đóng góp nổi bật vào hiện đại hóa nền giáo dục. Lê Thước, Dương Quảng Hàm, Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Phạm Thiều, Ca Văn Thỉnh, Hoàng Minh Giám… là những nhà sư phạm mẫu mực, đồng thời là nhà nghiên cứu xuất sắc.

Cùng với những người du học trở về, các trí thức ĐHĐD đã trở thành cầu nối giữa văn hóa phương Tây và văn hóa Việt Nam để định những giá trị mới của văn hóa Việt Nam.

Cũng có một bộ phận khác đã dấn thân vào những ngả đường chính trị, trở thành những nhà chính trị, những lãnh tụ của các phong trào cách mạng như Nguyễn Thái Học, Võ Nguyên Giáp, Phạm Ngọc Thạch, Vũ Đình Hòe, Vũ Trọng Khánh… và đóng góp lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

 

Trí thức Đại học Đông Dương là một thế hệ trí thức mới tài năng, năng động, không chỉ có những đóng góp quan trọng để đổi mới, hiện đại hóa nền văn hóa, giáo dục, học thuật nước nhà mà còn tinh thần dân tộc sâu sắc, nhiệt huyết tham gia vào các phong trào yêu nước và cách mạng. Đại học Đông Dương đã có công lớn đào tạo nên đội ngũ trí thức đó. Nhưng quan trọng nhất là hầu hết họ đã biết tận dụng cơ hội khoa học để học thành tài, gắn bó và phụng sự khoa học và Tổ quốc.