Đại sự được coi trọng, tiểu sự không khó giải quyết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/11, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thăm và phát biểu trước Quốc hội Việt Nam, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII; hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Xử lý thỏa đáng bất đồng

Tại cuộc hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 6/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, những năm gần đây, lòng tin về quan hệ hai Đảng, hai nước trong một bộ phận quần chúng Nhân dân, cán bộ, đảng viên đã bị suy giảm bởi những tranh chấp, bất đồng giữa hai nước về vấn đề trên biển cũng như việc một số thỏa thuận hợp tác giữa hai nước không được thực hiện đầy đủ.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. 	Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: TTXVN
Vì vậy, Chủ tịch nước Trương  Tấn Sang đề nghị hai bên cần tăng cường xây dựng tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác, tích cực tìm cách giải quyết thỏa đáng những vấn đề tồn tại. Bất đồng giữa hai nước về vấn đề Biển Đông là thực tế, nhưng quan trọng nhất là hai bên phải tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, kiểm soát tốt tình hình, phải thực hiện nghiêm túc những thỏa thuận và nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, thông qua đàm phán giải quyết các mâu thuẫn một cách thỏa đáng, không có hành động làm phức tạp và mở rộng tranh chấp, không theo đuổi mục tiêu quân sự hóa ở Biển Đông; đảm bảo an toàn hàng hải, hàng không và các hoạt động đánh bắt hải sản bình thường của ngư dân, cùng nhau tạo dựng và gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định phục vụ mục tiêu phát triển của cả hai nước và của khu vực. Hai bên có thể triển khai thúc đẩy các lĩnh vực, dự án hợp tác trên biển, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tuân thủ "Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC), thúc đẩy sớm đạt được "Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông" (COC)...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc coi trọng quan hệ truyền thống láng giềng hữu nghị với Việt Nam. Việc duy trì quan hệ Trung - Việt phát triển ổn định lành mạnh, tăng cường giao lưu hợp tác giữa hai Đảng, hai nước và Nhân dân hai nước là nhân tố rất quan trọng đối với sự phát triển của mỗi nước, phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, quan hệ Trung - Việt đang đứng trước cơ hội phát triển mới, hai bên cần củng cố truyền thống hữu nghị, tiếp tục duy trì giao lưu cấp cao, mở rộng các lĩnh vực hợp tác thực chất giữa hai nước; thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển "một vành đai, một con đường" và "hai hành lang, một vành đai", thúc đẩy giao lưu giữa Nhân dân hai nước, xử lý thỏa đáng bất đồng, kiên trì tôn trọng lẫn nhau, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.

Về vấn đề trên biển, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, hai bên cần nỗ lực kiểm soát các bất đồng thông qua hiệp thương để duy trì hòa bình, ổn định trên biển. Cùng với việc đẩy mạnh các lĩnh vực hợp tác khác, tin tưởng rằng những nhận thức chung đạt được giữa hai nước trong chuyến thăm này sẽ mở ra tương lai rộng lớn, tạo nền móng để hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước phát triển hữu nghị, hợp tác ổn định, lâu dài.

“Chữ tín là nền tảng để làm bạn”

Sáng cùng ngày, trong bài phát biểu dài hơn 20 phút trước Quốc hội Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh câu nói "Chữ tín là nền tảng để làm bạn". Ông Tập Cận Bình cho rằng, là hai quốc gia có lợi ích chung rộng rãi, hợp tác hữu nghị là trào lưu chính, hai bên cần kiên trì lấy đại cục hữu nghị Trung - Việt và đại cục phát triển của hai nước làm trọng, tôn trọng lẫn nhau, hiệp thương hữu nghị, xử lý thỏa đáng các bất đồng.

Đề cập đến những diễn biến nhanh chóng của tình hình khu vực và thế giới đang đem đến những thách thức mới cho cả hai nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, không chỉ là hai nước láng giềng hữu nghị núi sông liền một dải, Việt Nam và Trung Quốc còn có lợi ích gắn bó với nhau và cùng chung mục tiêu phát triển. Hơn bao giờ hết, Trung Quốc hết sức coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam, nguyện cùng với phía Việt Nam kiên trì phương châm láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai với tinh thần láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt tiếp tục phát triển ổn định và lành mạnh, mang lại lợi ích to lớn hơn nữa cho Nhân dân hai nước.

Cho rằng, láng giềng thì khó tránh xảy ra va chạm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đề nghị hai bên cần kiên trì, lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng, thông qua hiệp thương hữu nghị và hoà bình, kiểm soát và xử lý bất đồng một cách thỏa đáng. Theo ông Tập Cận Bình, khi đại sự được coi trọng thì tiểu sự sẽ không khó giải quyết.

Đáp lại bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ tin tưởng, cùng với tiến bộ của thời đại, niềm khát khao vì sự chung sống hòa bình, hữu nghị của hai dân tộc Việt - Trung, những định hướng trong quan hệ hai nước của lãnh đạo cấp cao sẽ được nghiêm túc tổ chức thực hiện, hai bên sẽ tiếp tục kiểm soát bất đồng, vượt qua trở ngại, đưa quan hệ hai nước phát triển lành mạnh, thực chất, ổn định, vững chắc hơn vì lợi ích của Nhân dân hai nước, vì hòa bình và sự phồn thịnh của khu vực và thế giới.

Hợp tác kinh tế là nội dung quan trọng

Chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước Trung Quốc trong 9 năm qua của ông Tập Cận Bình đã thu hút được sự quan tâm theo dõi, đưa tin và bình luận của truyền thông hai nước và khu vực. Đa số các hãng truyền thông, các báo điện tử lớn đều nhận định tích cực về chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình, coi đây là cơ hội để hai bên tìm ra biện pháp thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững trong tương lai.

Trong một bài viết được hãng tin Reuter đăng tải, GS Carlyle Thayer - chuyên gia về châu Á - Thái Bình Dương đánh giá, hợp tác kinh tế là một trong những nội dung quan trọng trong chuyến thăm lần này của ông Tập Cận Bình. Bài báo cũng dẫn chứng, kim ngạch thương mại giữa 2 nước hiện nay khoảng 60 tỷ USD và đặt mục tiêu đạt 100 tỷ USD vào năm 2017. Về quan hệ kinh tế giữa 2 nước, hãng tin AP cũng đề cập đến một loạt hoạt động nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại Việt - Trung như  lễ ký thỏa thuận hợp tác bao gồm các lĩnh vực mở rộng đầu tư, củng cố cơ sở hạ tầng, văn hóa.

Trang tin Wall Street Journal cho biết, trong bài phát biểu trước thanh niên Việt Nam tại Hà Nội vào thứ Sáu, 6/11, ông Tập Cận Bình đã miêu tả Việt Nam là đồng chí thân thiết của Trung Quốc. Bài báo cũng đề cập đến mối tương quan giữa 2 nước trong ý thức hệ và phương hướng hợp tác phát triển kinh tế song phương.

Đưa tin về chuyến thăm, tờ Channel New Asia của Singapore nhấn mạnh, trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Tập Cận Bình nhiều lần bày tỏ mong muốn củng cố tình hữu nghị truyền thống và nâng tầm quan hệ hợp tác với Việt Nam qua chuyến thăm, đồng thời nhấn mạnh quan hệ chính trị và kinh tế lâu dài giữa Việt Nam và Trung Quốc.