Nhân dịp chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc theo lời mời của Tổng thống Donald Trump kết thúc tốt đẹp, Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Bàng - Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Hoa Kỳ về kết quả chuyến thăm và chặng đường phát triển trong quan hệ hai nước khi vượt qua những bất đồng trong quá khứ.
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về kết quả chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Hoa Kỳ vừa qua?
- Theo tôi, chuyến thăm chính thức lần này của Thủ tướng diễn ra rất thành công. Cuộc gặp diễn ra vào thời điểm Hoa Kỳ có chính quyền mới, Việt Nam cũng đang cần có các hoạt động đối ngoại để tiến tới Hội nghị cấp cao APEC vào cuối năm nay với sự tham gia của lãnh đạo nhiều nước. Vì vậy, chuyến thăm này rất có ý nghĩa rất quan trọng. Ngoài ra, có những vấn đề thương mại giữa hai nước hay chính trị khu vực như Biển Đông, vấn đề hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên cũng cần giải quyết. Qua cuộc hội đàm và nhiều cuộc tiếp xúc bên lề, chuyến thăm đã đặt được nền móng tiếp tục giải quyết khúc mắc trong các vấn đề kinh tế, chính trị trong khu vực và phát triển những tương đồng trong quan hệ hai nước và rất hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển rất tốt đẹp trong tương lai.
Trước thời điểm diễn ra chyến thăm, đại diện thương mại Hoa Kỳ đã bác bỏ khả năng quay lại Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khiến nhiều người lo ngại về khả năng hợp tác song phương. Tuy nhiên, nhân chuyến thăm này, DN hai nước đã đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác trị giá lên đến hơn 8 tỷ USD. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả thúc đẩy hợp tác thương mại trong chuyến thăm này của Thủ tướng?
- Tôi nghĩ chuyến đi đã đem lại nhiều kết quả trong hợp tác thương mại. Việc DN hai nước ký kết những thỏa thuận hợp tác trị giá hơn 8 tỷ USD là minh chứng thuyết phục cho thấy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là hai bên cùng có lợi. Không chỉ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ mà chúng ta còn nhập khẩu rất nhiều hàng hóa từ nước bạn, phần nào làm chính quyền Tổng thống Donald Trump thấy cần tiếp tục quan hệ thương mại với Việt Nam. Điều này hứa hẹn triển vọng tốt đẹp trong quan hệ thương mại giữa hai bên.
Cách đây hơn 20 năm, vào năm 2005, Thủ tướng Phan Văn Khải đã có chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Hoa Kỳ và hội đàm với cựu Tổng thống George W. Bush. Vậy có những điểm tương đồng và khác biệt nào trong chuyến thăm năm 2005 với chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thưa ông?
- Mỗi chuyến thăm vào một thời điểm đều có ý nghĩa khác nhau. Nhưng tôi nghĩ có một điểm tương đồng. Đó là cả hai chuyến thăm đều hướng tới một sự phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong tương lai. Từ năm 2005 cho đến nay, quan hệ hai nước đã phát triển rất mạnh mẽ và từ nay cho đến 5 - 10 năm nữa cũng sẽ tiếp tục phát triển. Như vậy, cả hai chuyến thăm đều tác động tốt tới quan hệ hai nước.
Còn điểm khác biệt là thời kỳ đó quan hệ giữa chúng ta với bạn còn thấp và còn nhiều khó khăn. Thương mại giữa hai nước chỉ ở mức vài tỷ USD. Về vấn đề hợp tác an ninh, khi tham gia chuyến thăm đó, tôi đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và đề cập đến vấn đề mua bán vũ khí nhưng cũng không có bước tiến cụ thể vì lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam vẫn còn.
Đến thời điểm hiện tại, không những Hoa Kỳ cung cấp tàu, thuyền cho chúng ta mà hai nhà lãnh đạo còn thảo luận tới khả năng tàu sân bay Hoa Kỳ sẽ cập cảng Việt Nam. Đây là bước phát triển lớn vượt bậc mà tôi cũng không tưởng tượng được.
Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra khá sớm, chỉ 4 tháng sau khi Tổng thống Donald Trump đắc cử. Thủ tướng Việt Nam cũng là lãnh đạo đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á có chuyến thăm chính thức và hội đàm cùng Tổng thống Hoa Kỳ. Ông có đánh giá gì về đóng góp của ngành ngoại giao trong việc kết nối hai nhà lãnh đạo?
- Để có được chuyến thăm này, phải nói là ngành ngoại giao đã đóng một vai trò rất tích cực, chủ động và sáng tạo. Chuyến thăm này không chỉ xảy ra lúc này mà ngay sau khi Hoa Kỳ có chính quyền mới, ngành ngoại giao đã bàn bạc kỹ lưỡng về cách tiếp cận chính quyền mới. Tôi nhớ rất kỹ là Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã có chuyến thăm làm việc tại Hoa Kỳ, sau đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao PhạmBình Minh tiếp tục có chuyến thăm, tiếp đó mới đi được đến sự kiện này. Điều này cho thấy chúng ta đã thực hiện rất bài bản và tích cực, chủ động để tạo điều kiện thuận lợi cho chuyến đi. Và kết quả cuối cùng là rất mỹ mãn.
Nhắc lại đóng góp của ngành ngoại giao trong việc xây dựng quan hệ hai nước, ông có thể chia sẻ về quá trình đưa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ vượt qua thời điểm khó khăn?
- Tôi làm Đại sứ ở Hoa Kỳ trong 9 năm từ 1993 - 2001. Thời điểm đó giữa hai nước vẫn còn quá nhiều khó khăn. Trước hết là làm thế nào để vượt qua hội chứng chiến tranh Việt Nam ở Hoa Kỳ. Cuộc chiến tranh giữa hai bên kéo dài nặng nề và vượt qua được điều này không phải là dễ, đối với cả hai nước.
Những biện pháp chúng ta đã làm để vượt qua những khó khăn này kéo dài và không hề đơn giản. Bắt đầu từ những năm 1986 - 1987, chúng ta bắt đầu tiếp xúc phía Hoa Kỳ và giải quyết những vấn đề mà phía họ quan tâm nhất là vấn đề công dân Hoa Kỳ mất tích (MIA) và tù binh chiến tranh (POW). Trong giai đoạn này, Việt Nam chào đón phái đoàn phía Hoa Kỳ sang thảo luận các vấn đề MIA đồng thời với việc bàn bạc bỏ cấm vận. Cuối năm 1988, chúng ta yêu cầu phía bạn cho lập văn phòng ở Washington D.C để thông tin về hài cốt lính Mỹ mất tích, họ hứa về báo cáo với Quốc hội nhưng sau đó không được. Mọi chuyện tưởng như đi vào bế tắc. Lúc đó Thượng nghị sĩ John McCain và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch phải đứng ra "dàn hòa". Đến tận tháng 1/1995, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton tuyên bố hai bên đồng ý thiết lập văn phòng liên lạc tại Washington.
Dần dần, phía Hoa Kỳ hiểu ra vai trò, vị trí của Việt Nam ở Đông Nam Á và châu Á. Và quan trọng là, chúng ta đã nỗ lực giải quyết để tạo lòng tin cho phía bạn. Họ tin Việt Nam thực sự muốn giải quyết vấn đề và bình thường hóa quan hệ. Đến cuối năm 1993, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố cho Việt Nam vay tiền từ Ngân hàng Thế giới (WB), đến tháng 2/1994 chính thức tuyên bố bỏ lệnh cấm vận. Năm 2000, khi Tổng thống Bill Clinton sang Việt Nam, lòng tin giữa hai nước đã bắt đầu được củng cố. Và 5 năm sau, Thủ tướng Phan Văn Khải mới có chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Hoa Kỳ.
Như vậy, để đạt được mối quan hệ Đối tác toàn diện như hiện nay, chúng ta đã phải thực hiện nhiều bước, nhưng vấn đề chính là dựa trên tinh thần nhân đạo. Tôi cho rằng, mấu chốt nhất trong quan hệ hai nước chính là tinh thần nhân đạo và xây dựng lòng tin.
Xin cảm ơn ông!