“Đại tranh luận” về Brexit trên sóng truyền hình BBC

Tú AnhTheo BBC
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những nhân vật tiên phong từ hai phe “thuận – chống” việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) đã có buổi tranh luận nảy lửa trực tiếp trên kênh truyền hình BBC.

Chỉ còn 1 ngày nữa là cuộc trưng cầu dân ý lịch sử về tư cách thành viên của Anh trong Liên minh châu Âu (EU) diễn ra.

Diễn ra trong vòng 2 giờ, cuộc tranh luận đã tràn ngập những ý kiến khác nhau về di cư, kinh tế và chủ quyền từ các nghị sỹ Anh.

Lãnh đạo Đảng Bảo thủ Người Scotland – bà Ruth Davidson liên tục tấn công lập trường ủng hộ của cựu thị trưởng London -Boris Johnson trước 6.000 người. Trong khi đó, thượng nghị sỹ Johnson khẳng định “ngày mai sẽ trở thành ngày độc lập mới của nước Anh” nếu các cử tri đồng ý phương án rời đi.
“Đại tranh luận” về Brexit trên sóng truyền hình BBC - Ảnh 1
Tính tới nay:

-      Hơn 1.280 chuyên gia, doanh nghiệp từ nhóm 100 tập đoàn hàng đầu nước Anh đã góp tên vào một lá thư trên tờ Times nhằm ủng hộ nước này ở lại  EU.

-      Trong khi đó, một trong những tập đoàn lâu đời nhất nước này, Tate&Lyle Sugars, đã viết một bức thư gửi tới nhân viên khẳng định, rời EU sẽ tạo lợi ích cho kinh doanh, trong khi đó DN James Dyson khẳng định cuộc trưng cầu là “cơ hội cuối để giành lại tương lai”.

Biên tập viên của BBC- Laura Kuenssberg cho biết, phe “Rời đi” đã tham gia buổi  tranh luận vô cùng hào hứng, trong khi đó, phe ủng hộ “Ở lại” đã thể hiện được nhiệt huyết bất ngờ.

Đây là cơ hội cuối để các nhà làm luật Anh bảo vệ quan điểm của mình trước công chúng về vấn đề đi hay ở của nước này trong EU.

Thương mại, kinh tế

Cuộc chạm chán đầu tiên giữa hai phe là vấn đề thương mại và kinh tế, giữa đảng Bảo thủ và Đảng Lao động.

Thị trưởng London Sadiq Khan và người tiền nhiệm Boris Johnson theo đuổi hai thái cực hoàn toàn trái cực. Nghị sỹ Johnson phía bên Đảng Bảo thủ với tư tưởng ủng hộ Brexit khẳng định EU kéo lùi nhịp độ tăng trưởng thương mại của Anh với phần còn lại của thế giới.

Bất đồng quan điểm với ông Johnson, trả lời câu hỏi mở từ các chủ sở hữu DN nhỏ, bà Davidson khẳng định dù thị trường nhận định kinh tế EU đang trong  giai đoạn “hỗn loạn”, đó vẫn là sân chơi lý tưởng cho các DN nhỏ. Nếu Anh rời EU, tất cả các quốc gia thành viện còn lại của khối này có quyền áp đặt các quy định mới về hạn ngạch, thuế quan lên xứ sở sương mù.

Trong khi đó, nghị sỹ Leadsom phía bên Đảng Bảo thủ, ủng hộ Brexit, khẳng định Anh cần giành lại quyền cho các công nhân của họ, thay vì phó mặc cho EU.

Vấn đề nhập cư

Khi cuộc tranh luận tới vấn đề nhập cư, Thị trưởng London Sadiq Khan cho rằng, phe ủng hộ “Rời đi” mang tâm thế thù địch, thay vì nghĩ đến lợi ích tương lai của nước Anh. Ông cũng cáo buộc phe đối lập “nói dối” để “gây sợ hãi” khi khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tham gia khối này. Ankara là một trong những tâm điểm dẫn người di cư vào Lục Địa Già. Gần đây có những đồn đoán xoay quanh việc nước này gia nhập EU.

Những người ủng hộ Brexit khẳng định, một khi Ankara tham dự khối 28 thành viên sẽ “chuyển thêm phần gánh nặng” về khủng hoảng di cư cho các quốc gia còn lại, trong đó có Anh.

Nghị sỹ Stuart cho rằng chính quyền Anh đang cố gắng thúc đẩy để Ankara tham gia EU. Cũng về vấn đề di cư, một người đàn ông trong đám khan giả hỏi, lượng người di cư mà nước Anh “có thể xoay sở” tiếp nhận mỗi năm.

Nghị sỹ O’Grady khẳng định, giải quyết vấn đề di cư là điều vô cùng quan trọng, nhưng bà “đã chán nản” với việc chính quyền Anh bị chỉ trích vì vấn đề này.

Trong khi đó, nữ nghị sỹ Leadsom (ủng hộ Brexit) dẫn lại tuyên bố của Ngân hàng T.Ư Anh khẳng định, khủng hoảng di cư vượt ngoài tầm kiểm soát sẽ ảnh hưởng tới hệ thống lương thưởng, phúc lợi cho người dân Anh.

Vị thế quốc tế

Phiên bàn thảo cuối là về chủ quyền và vị thế của Anh trên trường thế giới sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6. Nghị sỹ Leadsom cho rằng EU là “đoàn tàu chết chóc” kiểm soát 60% luật phát và quy định của nước Anh. Các quyết định của Anh nếu phản đối lại bất kỳ quan điểm nào của EU đều không còn tiếng nói.

Trái ngược quan điểm của bà Leadsom, nữ nghị sỹ Davidson khẳng định con số 60% là hoàn toàn sai sự thật.

Cựu thị trưởng London – Jonhson khẳng định, nội các Anh không thể trục xuất các tội phạm nguy hiểm một phần do luật pháp của khối EU. Tuy nhiên thị trưởng London Khan lại thách thức ông Johnson đưa ra tên của bất kỳ đồng minh nào của Anh thuộc NATO ủng hộ Brexit. Bên cạnh những nghị sỹ chính tham gia thảo luận, các nhà chiến dịch khác từ cộng đồng giới chức, doanh nghiệp, phóng viên cũng nêu những ý kiến khác nhau về Brexit.

Phản ứng lại quan điểm rằng người dân Anh phải chịu thêm gánh nặng từ người di cư trong EU, Nghị sỹ Caroline Lucas của Đảng Xanh cho rằng di cư là “đồng xu hai mặt”. Đó đồng thời cũng là “món quà tuyệt vời” để người Anh có thể làm việc và học tập tại nước ngoài.