Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại tướng Văn Tiến Dũng: Nhà quân sự xuất sắc của dân tộc Việt Nam

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước; 105 năm Ngày sinh Đại tướng Văn Tiến Dũng, Trung tâm BTDS Thăng Long - Hà Nội tổ chức trưng bày “Đại tướng Văn Tiến Dũng - Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh”.

Người con kiệt xuất của Hà Nội

Sinh ra trong gia đình nghèo ngoại thành Hà Nội, chàng trai Văn Tiến Dũng đã sớm phải bỏ học, vào làm công cho các xưởng dệt để kiếm sống. Tại đây, dưới sự áp bức của chế độ thực dân, Văn Tiến Dũng đã tham gia và hoạt động tích cực trong phong trào công nhân và sớm được giác ngộ cách mạng.

Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng (ngoài cùng bên phải) tại khu vực Bộ Tổng Tham mưu (hiện nay là thềm Điện Kính Thiên). Nguồn: Gia đình Đại tướng
Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng (ngoài cùng bên phải) tại khu vực Bộ Tổng Tham mưu (hiện nay là thềm Điện Kính Thiên). Nguồn: Gia đình Đại tướng

Năm 1937, đồng chí Văn Tiến Dũng chính thức đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương; sau đó tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội năm 1939.

Với bản lĩnh cách mạng vững vàng, đồng chí đã trải qua những năm tháng hoạt động cách mạng gian khó. Tại triển lãm, những năm tháng gian khó ấy được khắc họa thông qua những hình ảnh, câu chuyện cụ thể.

 

“Giữa đêm mùa Đông lạnh tê tái, có 2 bóng đen đã vượt qua 6 cánh cổng, thành công cắt được dây thép gai, trèo tường vượt ra cánh đồng. Sau đó họ đi bộ chừng 10km trong 2 giờ đồng hồ để đến được cơ sở cách mạng tại Bắc Ninh” – trích chuyện “Vượt ngục”.

Nghiền ngẫm từng câu chữ, cảm nhận những gian khổ chàng trai Văn Tiến Dũng khi đã trải qua, người xem không khỏi xúc động khi hình dung ra hình ảnh nhà tù thực dân, rồi cảm phục với sự mưu trí của ông khi đọc những hồi ức qua câu chuyện “Vượt ngục”.

Không chỉ vậy, chàng trai Văn Tiến Dũng đã từng cạo trọc đầu, cải trang thành nhà sư (sư Hà) tại ngôi chùa Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức, Hà Tây (nay là Hà Nội) để tiếp túc hoạt động cách mạng và bắt liên lạc với các cơ sở Đảng.

Trong phần 2 của triển lãm với chủ đề “Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh”, công chúng cảm nhận được Đại tướng Văn Tiến Dũng không chỉ là người dũng cảm, mưu trí mà còn là một vị tướng tài ba, mưu lược, nhà quân sự xuất sắc của dân tộc Việt Nam.

Điều này được thể hiện rõ nét thông qua câu chuyện tại Hội nghị Quân sự Trung Giã (tháng 7/1954). Tại Hội nghị, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng được cử làm trưởng đoàn đại biểu Bộ Tổng tư lệnh quân đội Nhân dân Việt Nam để làm việc với đoàn đại biểu Bộ Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp về vấn đề chuẩn bị và thực thi lệnh ngừng bắn theo quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ.

Hồi nhớ 47 năm trước

Đã 47 năm trôi qua kể từ phút giây chiếc xe tăng Quân giải phóng húc đổ cánh cửa Dinh Độc Lập, nhưng nghệ thuật quân sự đặc sắc, lối chỉ huy đầy táo bạo của Đại tướng Văn Tiến Dũng vẫn luôn được người đời nhớ tới.

Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tư lệnh Chiến dịch, đồng chí Phạm Hùng - Chính ủy, Đồng chí Lê Đức Thọ - Đại diện Ban chấp hành TW Đảng tại mặt trận.
Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tư lệnh Chiến dịch, đồng chí Phạm Hùng - Chính ủy, Đồng chí Lê Đức Thọ - Đại diện Ban chấp hành TW Đảng tại mặt trận.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng viết và nhận định về Đại tướng Văn Tiến Dũng rằng: “Đại tướng Văn Tiến Dũng - Một vị tướng có tinh thần quyết thắng lớn và tài thao lược xuất chúng, một người cộng sản kiên cường, bất khuất đã cống hiến cả cuộc đời cho lý tưởng của Đảng, cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

“Đại tướng Văn Tiến Dũng - Một vị tướng có tinh thần quyết thắng lớn và tài thao lược xuất chúng, một người cộng sản kiên cường, bất khuất ..." - Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định.
“Đại tướng Văn Tiến Dũng - Một vị tướng có tinh thần quyết thắng lớn và tài thao lược xuất chúng, một người cộng sản kiên cường, bất khuất ..." - Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định.

Kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022); kỷ niệm 105 năm Ngày sinh Đại tướng Văn Tiến Dũng (2/5/1917 - 2/5/2022), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức trưng bày “Đại tướng Văn Tiến Dũng - Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh” nhằm tri ân những đóng góp to lớn của Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc; góp phần khắc họa lại chân dung một chiến sĩ cách mạng kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trưng bày giới thiệu 150 tài liệu, hình ảnh gồm 3 chủ đề: “Người con ưu tú của Hà Nội”; “Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh”; “Nhớ về Đại tướng”. Điểm nhấn của Trưng bày làm nổi bật dấu ấn, vai trò của Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng tại Tổng Hành dinh Quân đội Nhân dân Việt Nam (Nhà và Hầm D67) từ năm 1968 - 1975.

Trưng bày mở cửa phục vụ du khách tham quan từ ngày 28/4/2022, tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội (19 đường Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội). Bên cạnh đó, trưng bày có phiên bản giới thiệu trực tuyến tại website: trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn.

 

Trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, Đại tướng còn được các cán bộ, chiến sĩ gọi với cái tên trìu mến “Đại tướng mũ mềm”, gắn liền với một câu chuyện:

Năm 1965, máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc, ông đi thăm các đơn vị bộ đội pháo cao xạ ở khu 4. Nắng khu 4 cháy bỏng, nhưng bộ đội trực chiến phải ngồi trên mâm pháo, dưới cát nóng, trên trời nắng cháy. “Tôi cứ day dứt, phải nghĩ ra cái gì đó bọc chiếc mũ sắt cho anh em đỡ nóng” - ông tâm sự. 

Ông liên tưởng đến chiếc mũ mềm, có lưỡi trai cứng bên ngoài của quân đội Pháp. Rồi quân đội của một số nước cũng có chiếc mũ lưỡi trai kiểu như vậy. Nghĩ vậy, ông gọi Cục quân trang lên hỏi: “Các anh xem có thể cải tiến được cái mũ không?”, rồi ông gợi ý những kiểu mũ có lưỡi trai của quân đội các nước.Cục quân trang về may một chiếc mũ cho ông đội thử, ông khen: “Thế này là tốt, chỉ cần chỉnh sửa chút ít và gắn sao vàng phía trước là đẹp”. Đội bình thường cái lưỡi trai có thể che nắng phía trước đỡ chói mắt, còn khi cần chỉ cần quay lưỡi trai ra phía sau thì sẽ che nắng được sau gáy.

Từ đó, khắp các chiến dịch Tây Nguyên, Hồ Chí Minh, đi đâu ông cũng đội mũ mềm. Tại Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua toàn miền Nam 1966-1967, chiếc mũ mềm bắt đầu được sản xuất hàng loạt cho bộ đội.