Sau bài viết Đắk Lắk: “lâm tặc, vàng tặc” lộng hành trên rừng tự nhiên ở Cư Yang vào ngày 18/9, phóng viên (PV) báo Kinh tế & Đô thị đã tiếp tục nhận được thông tin của người dân về việc vấn nạn phá rừng tại lâm phần thuộc quản lý của công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Ea Kar vẫn còn tiếp diễn, thậm chí mức độ thiệt hại của cánh rừng ngày càng nghiêm trọng.
Một người dân cho biết, “các cánh rừng vẫn đang bị chặt hạ, chúng tôi không biết kêu ai. Khi báo Kinh tế & Đô thị có bài phản ánh, chúng tôi đồng lòng nhờ quý báo gửi những sự thật này đến cơ quan chức năng. Nếu cứ để như thế này thì đến đời con chúng tôi không biết có còn rừng hay không nữa?”.
Ngày 20/9, được sự hỗ trợ của người dân, sau khi vượt qua một số ngọn đồi nhỏ bằng xe máy, những con dốc cao đứng, PV đến được cánh rừng nơi được tin báo là bị chặt hạ số lượng lớn.
Đập vào mắt chúng tôi là nhiều cây gỗ lớn bị cưa hạ nằm la liệt, với chiều dài nhiều cây lên đến hơn 20 mét, đường kính khoảng hơn 50cm. Cả một khoảnh rừng lớn cây cối đổ rạp, xếp chồng lên nhau. Một số cây dấu cắt còn rất mới, lá cây vẫn còn tươi mặc dù gốc đã bị cắt lìa, như vậy rất có thể những cây này mới bị đốn hạ cách đây ít ngày.
Đi tiếp lên phía trên đỉnh, PV không khỏi bàng hoàng, xót xa khi tiếp tục nhìn thấy hàng loạt các cây gỗ lớn bị đốn hạ, diện tích rừng bị phá ước tính lên đến cả hecta. Cây rừng bị chặt hạ không thương tiếc, có lẽ phải có một khoảng thời gian dài thì các đối tượng phá rừng mới có thể đốn hạ được một lượng cây rừng lớn như thế.
Theo nguồn tin của PV, khoảnh rừng bị phá thuộc tiểu khu 702, thôn Ea Bớt, xã Cư Bông, huyện Eakar thuộc quản lý của công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Ea Kar. Theo vị trí ghim định vị, các khoảnh rừng bị chặt hạ cách UBND xã Cư Bông khoảng hơn 5km.
Một người dân sống gần khu vực cho biết: “khoảnh rừng đã bị phá khoảng gần một tháng nay, không biết lực lượng bảo vệ rừng có nắm được không mà thấy vẫn tiếp diễn cho đến những ngày gần đây”.
Sau khi ghi nhận sự việc, PV đã thông báo đến ông Nguyễn Quốc Hưng – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk. Ông Hưng cho biết hiện tại ông đang đi công tác, không có mặt tại tỉnh. Ông cảm ơn cơ quan báo chí đã thông tin, ông sẽ chỉ đạo lực lượng vào cuộc kiểm tra ngay. PV cũng đã cung cấp cho một số hình ảnh tại hiện trường vụ phá rừng quy mô lớn, đồng thời gửi ghim vị trí khoảnh rừng cho vị lãnh đạo này.
Bên cạnh diện tích rừng trên, một số khoảnh rừng lớn khác cũng thuộc tiểu khu 702 đã bị chặt hạ, diện tích ước tính nhiều hecta. Một số khoảnh đã cắt hạ nhưng chưa dọn dẹp, một số khoảnh đã được dọn dẹp. Nhiều cây lớn bị đốt phá, một số khoảnh đã được trồng keo trên đất, các đối tượng còn mở đường để thuận lợi khi di chuyển.
Để hiểu rõ hơn, PV đã liên hệ công tác tại UBND xã Ea Bông nhưng được báo là các lãnh đạo UBND xã đã đi họp không có ở cơ quan. Liên hệ qua điện thoại cho chủ tịch UBND xã nhưng không liên lạc được. PV đã gặp đồng chí phó Bí thư Đảng ủy xã Cư Bông để trao đổi, nắm bắt sự việc.
Chiều cùng ngày, PV đã đến trụ sở công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Ea Kar (trụ sở tại 259 Nguyễn Tất Thành, TT Eakar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) để liên hệ làm việc nhưng cũng được cán bộ công ty báo là lãnh đạo đi thực địa, không có mặt tại cơ quan.
Sáng ngày 21/9, trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Phi Tiến – phó giám đốc công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Ea Kar cho biết: Công ty đang thành lập đoàn kiểm tra tại hiện trường, xác định diện tích và kiểm đếm số lượng cây bị cưa hạ. Vị trí mà phóng viên phản ánh, trước đó công ty đã kiểm tra và có báo cáo đến UBND xã Cư Bông.
Theo báo cáo số 92/BC-Cty ngày 14/08/2024 về việc phát hiện phát luỗng chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật, có 2 đám thuộc lô 12, lô 13, khoảnh 1 tiểu khu 702 với diện tích phát luỗng 0,34ha và 0,15ha. Đám 3 với diện tích phát luỗng 0,06ha thuộc lô 7ac khoảnh 1, lô 9a khoảnh 2, tiểu khu 702. Theo bản đồ diễn biến rừng là trạng thái rừng tự nhiên sản xuất thường xanh trung bình.
Là đơn vị được giao quản lý rừng, công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Ea Kar cần tăng cường công tác giám sát, quản lý và bảo vệ rừng. Tránh tình trạng rừng ngày càng bị tàn phá nặng nề, tài nguyên lâm sản bị thất thoát.