Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đắk Lắk: xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh vàng

Lê Thắng - Phương Đông
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời gian qua, Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk đã tập trung đấu tranh phòng chống các hành vi buôn bán hàng cấm, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại và vi phạm trong thương mại điện tử, đặc biệt là thị trường vàng.

Tăng cường quản lý thị trường

Theo báo cáo, từ đầu năm 2024 đến nay hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Đắk Lắk ổn định, thị trường sôi động hơn vào dịp lễ, tết. Hàng hóa lưu thông trên thị trường phong phú, đa dạng về mẫu mã, chủng loại.

Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu như: thực phẩm, xăng dầu, khí hóa lỏng, vật tư y tế, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... luôn được đảm bảo, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng, mua sắm của người dân, không xảy ra tình trạng găm hàng, khan hiếm hoặc tăng giá đột biến.

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng. 
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng. 

Để thị trường hoạt động lành mạnh, hiệu quả và công bằng, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk luôn bám sát, nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh Đắk Lắk về công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...

Ông Mai Mạnh Toàn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk triển khai nhiệm vụ về công tác kiểm tra.
Ông Mai Mạnh Toàn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk triển khai nhiệm vụ về công tác kiểm tra.

Ông Mai Mạnh Toàn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk, cho biết: "Trong 6 tháng đầu năm, Cục đã thực hiện đạt trên 90% kế hoạch Tổng cục Quản lý Thị trường giao. Thường xuyên ban hành các chương trình, kế hoạch và chỉ đạo các đội quản lý thị trường tập trung kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt trong lĩnh vực vàng, xăng dầu, thương mại điện tử, vật tư y tế, nông nghiệp, vật liệu xây dựng, mỹ phẩm, sản phẩm động vật và hàng điện tử."

Tổ công tác Thương mại điện tử phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 3 kiểm tra cơ sở kinh doanh mắt kính không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn huyện Krông Pắk.
Tổ công tác Thương mại điện tử phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 3 kiểm tra cơ sở kinh doanh mắt kính không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn huyện Krông Pắk.

Cương quyết xử lý vi phạm

Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2024 lực lượng quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra 685 vụ, xử lý 494 vụ với 629 hành vi vi phạm. Tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước là 5.817.530.000 đồng, bao gồm tiền phạt hành chính và tiền bán hàng hóa tịch thu. Trong đó, tiền phạt hành chính là 5.599.000.000 đồng; tiền bán hàng hóa tịch thu là 218.530.000 đồng.

Tổ công tác Thương mại điện tử phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra một cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em trên địa bàn phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột.
Tổ công tác Thương mại điện tử phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra một cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em trên địa bàn phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột.

Đặc biệt, thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý Thị trường và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Đắk Lắk, Cục Quản lý thị trường đã tập trung xử lý chuyên đề trong kinh doanh vàng.

Qua kiểm tra, đã xử lý 85 vụ với 97 hành vi vi phạm, phạt hành chính 2.019.000.000 đồng. Các hành vi vi phạm phổ biến bao gồm kinh doanh hàng hóa không có nhãn mác, hàng hóa có nhãn nhưng bị che lấp không đọc được nội dung bắt buộc, buôn bán hàng hóa có nhãn nhưng không ghi đủ nội dung bắt buộc theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa và kinh doanh tại địa điểm khác mà không thông báo với cơ quan quản lý Nhà nước.

Nhiều sản phẩm vàng có sai phạm về nhãn mác hàng hóa. 
Nhiều sản phẩm vàng có sai phạm về nhãn mác hàng hóa. 

Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk cũng đã tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm trong các lĩnh vực khác như xăng dầu, thương mại điện tử, thực phẩm và hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, trong hoạt động quản lý thị trường xăng dầu, đã kiểm tra 22 vụ, xử lý 8 vụ với tổng số tiền phạt hành chính 176.000.000 đồng.

Trong lĩnh vực thương mại điện tử, Cục đã xử lý vi phạm 72 vụ, tăng 279% so với cùng kỳ năm 2023, với số tiền phạt gần 1,3 tỷ đồng. 

Đội Quản lý thị trường số 5 kiểm tra, phát hiện cơ sở kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đội Quản lý thị trường số 5 kiểm tra, phát hiện cơ sở kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ông Mai Mạnh Toàn nhấn mạnh: "Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng lồng ghép công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường với tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Chúng tôi kêu gọi người dân và các cơ sở kinh doanh không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi vi phạm, mua bán, tiêu thụ hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ."

Đắk Lắk: xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh vàng - Ảnh 1
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk xử lý vi phạm buôn lậu thuốc lá điếu.

Những nỗ lực của Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk trong việc đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã góp phần bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp làm ăn chân chính và quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh và công bằng trên địa bàn tỉnh.