Hội đồng xét xử cho biết, bị cáo Đặng Gia Dũng có quyết định của tòa công nhận “hạn chế về mặt nhận thức”, kèm theo hồ sơ liên quan đến bệnh tâm thần. Vì vậy, người giám hộ là vợ dự tòa thay cho bị cáo Dũng nhưng cũng đã có đơn xin xét xử vắng mặt. Ngoài ra, đại diện một số công ty, doanh nghiệp như: Công ty TNHH MTV Thái Sơn (Bộ Quốc phòng), Công ty Hồng Đạt, Công ty Việt Cường… cùng một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vụ án cũng vắng mặt tại phiên xét xử.
Đại diện kiểm sát viên, VKSND tỉnh Đắk Nông giữ quyền công tố ở phiên tòa cho rằng, vụ án đã đưa ra xét xử và hoãn nhiều lần. Những người được triệu tập đến phiên tòa đã có đơn xét xử vắng mặt.
Những người này đã được cơ quan điều tra triệu tập trong quá trình điều tra vụ án đã tiến hành ghi lời khai. Bởi vậy, việc vắng mặt của những người này không làm ảnh hưởng đến quá trình trình xét xử.
Theo cáo trạng, vụ án có 6 bị cáo, gồm: Đặng Gia Dũng (SN 1959, cựu Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đắk Nông), Hồ Sĩ Điệp (SN 1965, cựu Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông), Trần Quốc Đạt (SN 1981, cựu Trưởng phòng dự án 1, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng Đắk Nông) và Đặng Thái Sơn (SN 1982, cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất huyện Đắk Mil, nguyên chuyên viên Phòng quản lý chất lượng công trình xây dựng Sở Xây dựng Đắk Nông) cùng bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Hai bị cáo còn lại là Phạm Văn Cửu (SN 1975, Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng Đường Việt) và Nguyễn Thanh Hà (SN 1962, Trưởng phòng thiết kế 1 - Công ty CP đầu tư xây dựng Đường Việt cùng bị truy tố về tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo nội dung vụ án, từ tháng 7-2014 đến tháng 7-2016, quá trình khảo sát, thiết kế cơ sở và khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công gói thầu 02XL, ông Phạm Văn Cửu (chủ nhiệm đồ án) và ông Nguyễn Thanh Hà (người chủ trì thực hiện) đã không đề xuất khảo sát nước ngầm để phục vụ công tác thiết kế. Sử dụng các chỉ tiêu cơ lý đất ở độ chặt K90 không được thí nghiệm để tính toán ổn định mái dốc công trình. Không đề xuất thí nghiệm đất điều phối nội bộ. Quá trình tính ổn định không xem xét các yếu tố ảnh hưởng của nguồn nước đến khối đất đắp để xem xét tính ổn định trong điều kiện bất lợi nhất. Thiết kế bản vẽ thi công không đưa ra giải pháp thoát nước ngầm trong khối đất đắp theo quy định.
Đối với các cán bộ đã thực hiện không đúng các quy định vì tin tưởng vào Công ty Đường Việt hoặc cấp dưới.
Trong đó, ông Đặng Gia Dũng đã tin tưởng cấp dưới, không kiểm tra, đối chiếu lại các nội dung thẩm định mà đã tiến hành ký ban hành thông báo kết quả thẩm định và quyết định phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công dự án.
Từ những sai phạm trên dẫn đến trong quá trình thi công (từ năm 2018 – 2020) gói thầu đã 5 lần xảy ra sự cố sụp trượt đất đắp mái ta-luy âm, gây thiệt hại hơn 55,6 tỉ đồng.
Dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật bên trong và bên ngoài hàng rào Khu công nghiệp Nhân Cơ được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận chủ trương đầu tư từ tháng 5/2014, tổng mức đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2015-2023.
Theo dự kiến, phiên toà sẽ diễn ra trong 2 ngày 5 và 6/11. Báo Kinh tế và Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về kết quả phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án sai phạm trong xây dựng tại Khu công nghiệp Nhân Cơ.