Đảm bảo an toàn giao thông là nhiệm vụ cấp Quốc gia

Huyền Sâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Phó Chủ tịch UBND, Phó trưởng Ban Thường trực Ban ATGT TP Hà Nội Dương Đức Tuấn khẳng định, đảm bảo trật tự, ATGT là nhiệm vụ quan trọng cấp Quốc gia, các sở, ngành, địa phương của TP phải tập trung hết sức cao độ, thực hiện hiệu quả công tác này.

Chỉ rõ nguyên nhân

Chiều 8/8, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo trật tự ATGT 6 tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm Phó Chủ tịch UBND TP, Phó trưởng Ban Thường trực Ban ATGT TP Hà Nội Dương Đức Tuấn yêu cầu các địa phương làm rõ nguyên nhân và đề xuất giải pháp để kéo giảm TNGT trên địa bàn TP trong những tháng cuối năm, đặc biệt với những địa phương có số vụ TNGT tăng cao.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, đại diện Ban ATGT quận Long Biên cho biết, tình hình TNGT trên địa bàn tăng cả 3 tiêu chí. Nguyên nhân do Long Biên là cửa ngõ Thủ đô, có nhiều tuyến giao thông kết nối, mật độ giao thông cao, nhiều tuyến đường chưa hoàn thiện. Số vụ TNGT hơn 50% là người ngoài địa bàn.

Bên cạnh đó, ý thức của người tham gia giao thông còn yếu, không chấp hành quy định về pháp luật. Đối tượng vi phạm đa số là mô tô, khung giờ xảy ra 18 – 23 giờ (37%), lứa tuổi vi phạm là học sinh và từ 23 – 25 tuổi rất lớn. Lỗi chủ yếu là không chú ý quan sát, làm chủ tốc độ, lấn làn; vi phạm về nồng độ cồn dù có giảm nhưng vẫn còn.

Về giải pháp, trong thời gian tới quận Long Biên sẽ đẩy mạnh tuyên truyền ATGT phù hợp với lứa tuổi, đặc biệt là triển khai tại các khu công nghiệp nơi có mật độ giao thông cao; tăng cường thời lượng và hình thức tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan, zalo, trực tuyến...;

Vận động toàn dân tham gia tố giác vi phạm ATGT; tập trung xử lý vi phạm về nồng độ cồn, vi phạm quá tải trọng, đặc biệt là tại các tuyến đê; khắc phục các điểm đen; các đối tượng không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông; khắc phục bất cập trong ATGT…;

Đại diện huyện Hoài Đức thông tin, 6 tháng đầu năm tình hình ATGT trên địa bàn huyện cũng còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt vừa xảu ra một vụ tai nạn nghiêm trọng vào ngày 16/7.

Nguyên nhân do địa phương đang triển khai đề án phát triển thành quận và xây dựng nhiều tuyến đường mới song song với cải tạo nâng cấp một số tuyến đường của huyện. Bên cạnh đó, huyện có nhiều làng nghề, điểm công nghiệp kết nối giao thông… khiến lưu lượng giao thông tăng cao.

Qua điều tra nguyên nhân các vụ tai nạn chủ yếu do không chú ý quan sát, không đi đúng phần đường, làn đường, nồng độ cồn…Vụ TNGT ngày 16/7 làm 4 mẹ con trong một gia đình tử vong, cơ quan chức năng xác định lái xe Đàm Văn Lương điều khiển xe trực tiếp gây tai nạn dương tính với ma tuý, xe ô tô tải chở quá tải trọng 74,6%. Kiểm tra điều kiện xe 88C - 208 49 hệ thống lái, hệ thống lốp, phanh không đảm bảo kỹ thuật.

Giải pháp bám sát thực tế

Bên cạnh việc chỉ ra nguyên nhân tai nạn, các địa phương đã chủ động đề xuất những giải pháp kéo giảm TNGT.

Quận Long Biên đề nghị TP đẩy nhanh lắp đặt camera phạt nguội để có thêm cơ sở xử phạt, giảm gánh nặng cho lực lượng CSGT và các địa phương.

Huyện Hoài Đức đề nghị TP giao huyện làm chủ đầu tư để nâng cấp, mở rộng tuyến đường quốc lộ 32 nhằm kéo giảm TNGT; đề nghị TP cho triển khai cầu vượt cho người đi bộ từ khu Tân Tây Đô sang khu đô thị Tân Việt (Hoài Đức) để giảm xung đột giao thông; TP chỉ đạo các đơn vị thi công vành đai 4 về việc chở vật liệu xây dựng qua địa bàn…

Đại diện Phòng CSGT nhận định, dù CSGT tích cực ra quân thực hiện nhưng các địa phương thực hiện không đồng đều; ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao. Giai đoạn cuối năm, lực lượng sẽ tăng cường xử lý vi phạm, tập trung vào vi phạm nồng độ cồn, quá tải trọng.

Lực lượng chức năng tích cực ra quân xử lý vi phạm trật tự giao thông.
Lực lượng chức năng tích cực ra quân xử lý vi phạm trật tự giao thông.

Đại diện Phòng CSGT góp ý việc tuyên truyền căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để tuyên truyền cho phù hợp, đặc biệt là các địa phương có khu công nghiệp, số lượng người tham gia giao thông cao.

Đề nghị Sở GTVT lắp đặt thêm camera giám sát phạt nguội, tin báo, hệ thống công nghệ, kiến nghị các địa phương rà soát điểm giao cắt đường bộ với đường sắt, bịt kín lối đi tự mở…;

Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Lê Xuân Tiến kiến nghị sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật với nồng độ cồn, tăng mức phạt với quá tải, lắp đặt cân tự động tại các cửa ngõ Thủ đô…

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky – Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, nguyên nhân TNGT tăng do hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, số lượng phương tiện tăng nhanh gây áp lực lên giao thông TP. Bên cạnh đó sự vào cuộc của các địa phương với lực lượng chức năng chưa chặt chẽ.

Để kiểm soát TNGT, Công an TP thành lập đoàn kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tai nạn; xử lý vi phạm; kết hợp tuyên truyền tạo hiệu ứng răn đe; phối hợp với Ban ATGT TP đảm bảo trật tự ATGT trên toàn địa bàn TP Hà Nội.

Đánh giá cao các ý kiến góp ý rất thực tế của các địa phương, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Phi Thường thông tin thêm, TP sẽ giao Sở GD&ĐT thực hiện đề án xe buýt học sinh để triển khai Luật Trật tự ATGT 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. 

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh việc đảm bảo trật tự ATGT là nhiệm vụ quan trọng cấp Quốc gia. Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các địa phương khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp kéo giảm TNGT.

“Các địa phương phải đề xuất phương án khắc phục cụ thể để đảm bảo kiềm chế TNGT giai đoạn từ nay đến cuối năm. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã là Trưởng Ban ATGT phải gắn trách nhiệm của mình vào công tác đảm bảo trật tự, ATGT” – Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị duy trì Ban ATGT TP đồng bộ với các địa phương và kết nối chặt chẽ với Uỷ ban ATGT Quốc gia tạo thành một hệ thống chặt chẽ, thường xuyên tổ chức giao ban, có các sáng kiến về đảm bảo ATGT; đặt ra mục tiêu kéo giảm số người chết và số vụ TNGT hàng tháng.

 

Ngày 8/8/2024, TP Hà Nội chính thức vận hành thương mại đường sắt đô thị tuyến Nhổn – Ga Hà Nội. Với mỗi chuyến tàu có thể vận chuyển khoảng 1.000 người, tuyến ĐSĐT này sẽ giúp giảm phương tiện giao thông cá nhân, qua đó góp phần tích cực giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông trên tuyến.