Quản lý buông lỏng, tiêu dùng dễ dãi
Hiện nay, toàn TP có 454 chợ, trong đó có 310/454 chợ đã được phê duyệt phương án bố trí sắp xếp ngành hàng. Chợ truyền thống giữ được thế mạnh trong kinh doanh thực phẩm, nhất là thực phẩm tươi sống do thói quen tiêu dùng, sự tiện lợi, người mua có nhiều lựa chọn phù hợp với mức thu nhập. Thực phẩm tiêu thụ tại các chợ truyền thống chủ yếu là nhóm hàng tươi sống, thịt gia súc, gia cầm, thực phẩm chế biến, thủy hải sản, rau quả, ngũ cốc và kinh doanh đồ ăn chín, dịch vụ ăn uống. Tỷ trọng cung cấp hàng hóa thực phẩm chiếm bình quân khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân.
Tuy nhiên, một trong những bất cập hiện nay là các chợ phát triển tự phát, tập trung chủ yếu ở nông thôn, cơ sở hạ tầng yếu kém, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh ATTP, nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó, hàng hóa được phân phối tại các chợ đa dạng, nhiều nguồn nên rất khó khăn trong kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng. Thậm chí, nhiều mặt hàng thực phẩm nông sản tươi sống không có bao bì, tem nhãn.
Trong khi đó, việc chấp hành đúng các quy định về kinh doanh hàng hóa đảm bảo chất lượng ATTP chỉ được thực hiện tốt ở các chợ lớn tại các quận nội thành. Các chợ nhỏ lẻ ở các quận, huyện còn chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh ATTP. Tại một số chợ vẫn còn tình trạng thực phẩm đã nấu chín và thực phẩm tươi sống được bày bán cạnh nhau, thức ăn đã qua chế biến không được che đậy hoặc bày bán trong điều kiện mất vệ sinh. Phần lớn các gian hàng tại những chợ truyền thống mất ATTP là do không gian chật hẹp, các trang thiết bị, dụng cụ, giá kệ để thực phẩm không đạt tiêu chuẩn quy định.
Bên cạnh đó, sự hiểu biết các quy định về ATTP của cán bộ quản lý chợ và các hộ kinh doanh hàng thực phẩm trong chợ còn nhiều hạn chế. Hệ thống quản lý, thanh tra, kiểm tra liên ngành và kiểm nghiệm vệ sinh ATTP của các chợ chưa đầy đủ, thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị kiểm tra nhanh tại chỗ. Ngoài ra, việc triển khai xét nghiệm lấy mẫu gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế để phát hiện ra các chất độc tố, hóa chất tồn dự thực phẩm đòi hỏi quy trình lấy mẫu kiểm định hết sức phức tạp, chi phí lớn, thời gian kéo dài. Trong quá trình lấy mẫu và chờ kết quả kiểm định phải tạm dừng kinh doanh thực phẩm nghi có vi phạm.
Riêng đối với các sản phẩm từ thịt bày bán ở chợ theo quy định phải có dấu kiểm dịch của cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, nhiều ban quản lý chợ vẫn buông lỏng để những sản phẩm chưa được kiểm soát bày bán công khai. Trong khi, nhận thức, thói quen của người tiêu dùng còn dễ dãi, dễ chấp nhận sản phẩm giết mổ không đảm bảo vệ sinh thú y, ATTP.
Việt Nam hiện là một trong số ít các quốc gia trên thế giới còn thói quen sử dụng thịt nóng (warm meat) ngay sau giết mổ. Loại thịt này khó kiểm soát vệ sinh ATTP, dễ nhiễm khuẩn ngay từ khâu giết mổ đến bày bán. Chính vì vậy, lâu nay khẩu hiệu “đảm bảo ATTP ở chợ truyền thống” vẫn chỉ là khẩu hiệu.
Một cây làm chẳng lên non
Thời gian qua, các ngành chức năng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động kiểm nghiệm nhanh về ATTP tại các chợ. Tuy nhiên, với lực lượng mỏng, thiết bị thiếu, việc kiểm soát chưa được triệt để, “một cây làm chẳng lên non”. Vì vậy cần sự vào cuộc quyết liệt của cả cơ quan chuyên môn, nhà quản lý, chính quyền địa phương, tiểu thương, người dân…
Ngành nông nghiệp đã và đang tích cực tham mưu để có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác quản lý ATTP, nhất là quản lý các chợ truyền thống. Trong đó phát huy vai trò lãnh đạo chỉ đạo của các cấp chính quyền quận huyện, xã, phường, sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn và các tổ chức đoàn thể. Trên thực tế ở đâu quan tâm chỉ đạo ở đó có các khu chợ vừa đẹp cảnh quan, vừa đảm bảo vệ sinh, sắp xếp khu vực bán hàng hợp lý, tiện lợi cho người dân, người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền và ký cam kết đối với các tiểu thương không kinh doanh buôn bán hàng hóa không đảm bảo ATTP trong chợ. Các hộ kinh doanh phải được khám sức khỏe, tập huấn và xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm; có sổ sách, hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; quầy sạp phải bảo đảm vệ sinh. Mặt khác, tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát, thanh tra, truy xuất nguồn gốc hàng thực phẩm ra vào chợ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về vệ sinh ATTP. Bố trí kinh phí cho việc tuyên truyền, mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho việc kiểm tra, phân tích mẫu tại chợ.
Cùng với đó, tiếp tục triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông để tuyên truyền, hướng dẫn cho người tiêu dùng có kiến thức, biết lựa chọn thực phẩm an toàn và thay đổi thói quen tiêu dùng từ dùng thịt nóng sang dùng thịt mát hoặc thịt đông lạnh có kiểm soát về ATTP.
Một giải pháp căn cơ nữa là cần quản lý tốt từ khâu sản xuất. Đẩy mạnh xây dựng liên kết chuỗi từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đây là khâu rất quan trọng để vừa phát triển sản xuất cung cấp các sản phẩm nông nghiệp (rau, thịt, cá …), vừa đảm bảo rõ nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, vừa để phát triển hiệu quả, bền vững.
UBND TP vừa ban hành Kế hoạch số 49/KH-UBND thực hiện Đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn TP giai đoạn 2022 - 2025”. Mục tiêu 100% đơn vị quản lý chợ, các cơ sở kinh doanh thực phẩm cố định tại chợ được tuyên truyền, phổ biến, tập huấn kiến thức về ATTP; 100% đơn vị quản lý chợ xây dựng, ban hành Quy chế về quản lý đảm bảo ATTP tại chợ; 100% số chợ được giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng ATTP…