Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đảm bảo hài hòa lợi ích các bên

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 23/9, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP do Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt làm Trưởng đoàn đã giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư, quản lý, sử dụng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng tại Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng (huyện Ba Vì).

Theo nhận định của Đoàn giám sát, thực tế hoạt động của Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng (nghĩa trang tư nhân đầu tiên của Việt Nam) sẽ là cơ sở để TP định hình, hoàn thiện cơ chế, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, DN và người dân.
Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt phát biểu kết luận tại buổi giám sát
Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt phát biểu kết luận tại buổi giám sát
Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng được đầu tư từ năm 2003 và được TP cho phép mở rộng hơn 16ha theo hình thức xã hội hóa vào năm 2010. Hiện nay, diện tích của Công viên là 37ha. Năm 2015, TP đã có văn bản chấp thuận cho mở rộng Công viên thêm 38ha. Việc đầu tư xây dựng đài hóa thân Vĩnh Hằng đã đáp ứng đuợc nhu cầu thị trường, điều này cho thấy mô hình công viên nghĩa trang đã bước đầu thực hiện thành công. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Công ty CP Ao Vua (DN xây dựng Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng), do đây là lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, là “chưa có tiền lệ”, nên cơ chế hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Theo Nghị định 35 của Chính phủ quy định, tổ chức, cá nhân tự quyết định giá dịch vụ nghĩa trang do mình cung cấp, song phải được UBND cấp tỉnh chấp thuận. Tuy nhiên, tại Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng, bảng giá chưa thông qua TP phê duyệt. Theo ý kiến của DN, Nhà nước không nên can thiệp vào giá, mà nên để thị trường điều chỉnh; trách nhiệm của DN là nộp thuế đầy đủ.

Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt khẳng định, làm nghĩa trang tư nhân là việc chưa có tiền lệ. Dự án Công viên Vĩnh Hằng là một mô hình kinh doanh độc đáo, một ý tưởng đi trước đón đầu, dự án đã chứng minh được tính khả thi và tính nhân văn cao. Kể từ khi dự án được đưa vào hoạt động đã đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của thị trường, phục vụ kịp thời chu đáo và mang lại niềm tin đối với Nhân dân Thủ đô. Dự án đã mang lại hiệu quả cao. “Mô hình Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng chính là thực tiễn sinh động, để bàn, để rút kinh nghiệm, giúp TP nhìn nhận đánh giá, từng bước giải bài toán quá tải nghĩa trang, và quan trọng hơn là định hình cơ chế trong thu hút đầu tư xã hội hóa lĩnh vực này, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên” - Phó Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh và đề nghị Công ty chấp hành các quy định đã có, rà soát lại các văn bản, điều chỉnh các văn bản hiện có đang làm để kiến nghị với TP, xây dựng mô hình, định hình cơ chế về nghĩa trang.

Qua thực tế giám sát, các thành viên Đoàn nhận định, toàn TP hiện có gần 2.700 nghĩa trang, chiếm 0,8% diện tích đất tự nhiên. Con số này cho thấy vấn đề thực hiện quy hoạch nghĩa trang đã thực sự cấp thiết trong triển khai quy hoạch chung phát triển Thủ đô. Xã hội hóa công tác này là một giải pháp, nhưng xã hội hóa phải tuân thủ pháp luật.