Song, thực tế cho thấy, nếu mỗi người dân không tự nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật thì những biện pháp mà các lực lượng chức năng đã và đang thực hiện sẽ chỉ như “đá ném ao bèo”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, vào giờ cao điểm, phớt lờ biển cấm đi ngược chiều, trên đường Nguyễn Xiển hướng đi Linh Đàm vẫn thường xuyên xuất hiện hàng loạt các phương tiện (chủ yếu là xe máy, xe đạp) nối đuôi nhau đi ngược chiều gây cản trở, mất ATGT.
Điều đáng nói, tình trạng trên đã diễn ra từ lâu, lực lượng chức năng vẫn thường xuyên tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Song, chỉ cần vắng bóng các lực lượng chức năng là vi phạm lại tiếp tục tái diễn. Thậm chí, nhiều trường hợp khi phát hiện lực lượng chức năng làm nhiệm vụ đã chọn giải pháp quay đầu xe bỏ chạy, hoặc xuống xe dắt bộ qua chốt… để trốn tránh việc kiểm tra xử lý.
Đại úy Chu Đình Cường – Đội CSGT, TT (Công an quận Thanh Xuân) cho biết, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, các phương tiện đi ngược chiều trên đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển cấm sẽ bị xử phạt từ 200.000 đồng đến 5 triệu đồng. Trong đó, xe đạp phạt tiền từ 200.000 – 300.000 đồng, xe máy là từ 1 – 2 triệu đồng, xe ô tô từ 3 – 5 triệu đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện sẽ bị tước GPLX từ 1 – 4 tháng. Tuy nhiên, dù mức xử phạt đã tăng lên rất nhiều song nhiều người điều khiển phương tiện vẫn vì nhanh chậm hơn 1, 2 phút mà đánh cược cả tính mạng của mình, gây nguy hiểm cho bản thân và những người tham gia giao thông khác.
Cũng theo Đại úy Chu Đình Cường, chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, trên đường Khuất Duy Tiến các lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý hơn 300 trường hợp vi phạm lỗi đi ngược chiều. Mặc dù đã tăng cường xử phạt, xử phạt thật nghiêm nhưng tình trạng trên vẫn diễn ra khá phổ biến gây bức xúc trong dư luận. “Nếu chỉ trông chờ vào việc xử lý của các lực lượng chức năng để mong tạo ra những chuyển biến tích cực là rất khó.
Bởi, số người vi phạm tại khu vực này luôn rất lớn trong khi lực lượng cắm chốt mỏng nên việc xử lý gặp không ít khó khăn, chỉ có thể làm điểm chứ không thể xử lý được tất cả các trường hợp vi phạm. Do đó, để khắc phục tình trạng trên, điều quan trọng nhất là mỗi người tham gia giao thông cần nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mình và những người tham gia giao thông khác” – Đại úy Chu Đình Cường chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, Thượng tá Bùi Văn Tiến – Phó trưởng Công an quận Thanh Xuân cho biết, trong quá trình làm nhiệm vụ, các lượng chức năng quận xác định lấy việc tuyên tuyền là chính nhằm thay đổi nhận thức của người dân.
Tuy nhiên, đối với những trường hợp cố tình vi phạm, vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn và UTGT, các lực lượng làm nhiệm vụ sẽ kiên quyết xử lý theo quy định để tạo sức răn đe. “Hàng ngày, ngoài lực lượng ở các phường, Công an quận sẽ bố trí 4 tổ công tác, mỗi tổ từ 3 – 7 đồng chí tuần tra khép kín trên địa bàn để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật” – Thượng tá Bùi Văn Tiến nhấn mạnh.