Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đâm lao phải theo lao?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Suốt 2 ngày qua, hình ảnh hàng trăm người dân Timbuku vẫy cờ Pháp và Mali để chào đón lực lượng liên quân như những người hùng vẫn không làm vơi bớt nỗi lo ngại về một nguy cơ sa lầy mới của quân đội Pháp tại cựu thuộc địa này.

 Sau hơn hai tuần phát động chiến dịch quân sự tấn công phiến quân tại Mali, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố nước này đã giành chiến thắng, mở đường cho sự trở lại của một Chính phủ hợp pháp ở Mali. Tuy nhiên, tuyên bố chiến thắng có vẻ chóng vánh này của Tổng thống Pháp đã bị nhiều người nghi ngờ là nhằm đập tan dư luận về sự sa lầy của Pháp tại Mali như Mỹ tại Afghanistan. Nguyên nhân chủ yếu là do tiềm lực của quân nổi dậy có thể lớn hơn nhiều so với lực lượng mà Pháp đang triển khai. Ngoài ra, chiến tranh du kích ngay trong lòng đô thị ở miền Bắc Mali sẽ đẩy binh lính Pháp vào tình trạng báo động cao. Dường như các nhóm nổi dậy Mali đã chấp nhận lời thách đấu của quân đội Pháp trong cuộc đua về thời gian và chắc chắn sẽ tìm mọi cách để chiếm thêm nhiều vùng lãnh thổ và tiêu diệt quân Chính phủ Mali trước khi Pháp kịp định hình về một cuộc chơi khó nhằn.
 
Đâm lao phải theo lao? - Ảnh 1
Các binh sĩ Mali tại một chốt kiểm soát

Nguyên nhân quan trọng hơn là việc Bắc Mali đang bị kiểm soát bởi nhánh Al-Qaeda Bắc Phi với mối liên kết chặt chẽ cả Libya, Syria, Algeria… tạo nên mạng lưới chặt chẽ không dễ dàng gì phá vỡ trong ngày một ngày hai. Sự can thiệp quân sự của Pháp và binh sĩ Tây Phi vào Mali đã khiến các nhóm thánh chiến và lực lượng phiến quân ly khai trong khu vực tức giận. Trong tuyên bố mới nhất, một nhóm khủng bố ở quốc gia láng giềng Nigeria đã đưa ra đe dọa trực tiếp nhằm vào lực lượng Pháp đang tham chiến tại Mali, buộc Lãnh sự quán Pháp tại Nigeria phải khuyến cáo công dân không nên tới nước này. Đặc biệt, nhiều chuyên gia còn nhận định rằng Pháp đang tiến hành một cuộc chiến dò dẫm, thiếu tính mục đích, thiếu một đối tác bền vững ở Mali, một đất nước không có Tổng thống chính thống từ tháng 3/2012 và Thủ tướng từ tháng 12/2012, trong khi binh lính Pháp chiến đấu bên cạnh một quân đội Mali chia rẽ.

Những diễn biến này tại Mali đã gây ảnh hưởng sâu rộng đến khu vực Tây Phi và vùng Sahel và làm trầm trọng thêm nguy cơ bất ổn đang gia tăng ở khu vực. Tuy nhiên, dường như đây đã trở thành cơ hội vàng để các nước phương Tây phân chia lại chiếc bánh lợi ích tại khu vực giàu tài nguyên này. Nội các Nhật Bản hôm 29/1 đã cam kết chi 120 triệu USD hỗ trợ cuộc chiến chống khủng bố ở châu Phi. Cùng chung mục đích trên, Mỹ cũng tuyên bố sẽ hiện diện quân sự ở Nigeria - quốc gia có chung đường biên giới với MaliAlgeria. Như vậy, với một căn cứ cố định tại Djibouti, hiện sức mạnh về tấn công phủ đầu của Mỹ tại khu vực châu Phi đã tăng lên đáng kể với việc triển khai máy bay không người lái cũng như tổ chức các cuộc tấn công bằng tên lửa từ Nigeria. Tuy có chung mục đích tại châu Phi nhưng sự mâu thuẫn về lợi ích có thể diễn ra trong thời gian tới sẽ khiến quân đội Pháp lâm vào tình cảnh "đâm lao phải đâm lao" khi tiếp tục tham chiến tại Mali.