Nhiều người dự đoán sẽ có những căng thẳng bởi bên đại diện người lao động (NLĐ) dự định đề xuất tăng 7- 8%, trong khi phía chủ sử dụng lao động không muốn điều chỉnh.
Đại diện người lao động đề nghị tăng 7 – 8%Lương tối thiểu vùng hướng đến đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Theo nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân, "việc điều chỉnh lương tối thiểu cần cân nhắc đến các yếu tố để xác định, đó là: Biến động về chỉ số giá tiêu dùng, điều kiện kinh tế - xã hội, GDP, năng suất lao động, khả năng chi trả của DN”.
Trong Nghị quyết số 27-NQ/TƯ về chính sách cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và NLĐ trong DN, nêu rõ: Điều chỉnh mức tăng lương tối thiểu vùng để đến năm 2020 mức lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu của NLĐ. Từ năm 2021, vẫn tiếp tục điều chỉnh lương tối thiểu vùng theo định kỳ. Từ quan điểm này, ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết: Đến năm 2020 phải kết thúc việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng đảm bảo 100% nhu cầu sống tối thiểu cho NLĐ. Đến nay vẫn còn thiếu 10% mới đạt được 100% mức tối thiểu. Từ nay đến năm 2020 chỉ còn 2 năm nên 10% được chia cho hai mốc (2018 – 2019 và 2019 – 2020) là phải kết thúc. “Năm nay chúng tôi dự kiến đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 từ 7 – 8%. Với khoảng tăng này sẽ đáp ứng 5% phần thiếu hụt còn lại của 10% về nhu cầu sống tối thiểu. 5% còn lại sẽ dành cho năm 2020” – ông Thọ nhấn mạnh.
Trong khi đó, một thành viên của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện phía chủ sử dụng lao động cho biết: Có khả năng VCCI sẽ không đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2019. Theo vị này, kinh tế có khởi sắc, nhưng DN vẫn cần thêm nhiều “dư địa” để ổn định, cạnh tranh và tham gia vào các sân chơi lớn. Trước đó, mùa đàm phán điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2017, lúc đầu VCCI cũng đưa ra kịch bản không tăng lương; nhưng cuối cùng sau nhiều lần đàm phán căng thẳng, phía VCCI đã chấp nhận thống nhất điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2018 tăng 6,5% so với mức tăng của năm 2017, tương đương từ 180.000 – 230.000 đồng cho 4 vùng lương.Các chuyên gia đề xuất mức 5 - 7% Muốn điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng, yếu tố cần phải cân nhắc là năng suất lao động. Tuy nhiên, các báo cáo vừa qua cho thấy, tốc độ tăng lương tối thiểu cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động. Bà Nguyễn Thị Lan Hương – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động xã hội, Bộ LĐTB&XH thông tin: Tỷ lệ năng suất lao động so với lương tối thiểu chiếm đến 50%, trong khi đó, tại các nước chỉ 25 - 30%. Vì thế cần có những điều chỉnh, điều tiết cho phù hợp”. Theo bà Hương, sở dĩ lương tối thiểu tăng cao vì hiện nay hệ thống tiền lương có sự ràng buộc lẫn nhau. Tưởng là tăng lương tối thiểu chỉ áp dụng đối với NLĐ không có chuyên môn kỹ thuật, nhưng thực tế lại cho tất cả mọi người. Những ai hệ số lương cao thì càng có lợi. Do đó, cần cắt đứt sự ràng buộc này, có nghĩa lương tối thiểu chỉ là sàn thấp nhất. Nhiều năm là Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, với các điều kiện kinh tế xã hội như hiện nay, mức điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng 5 - 6% là phù hợp. Trước tình hình mức sống tối thiểu của NLĐ ở khu vực có quan hệ lao động mới đáp ứng được khoảng 90 – 92%, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cũng đồng tình với việc cần tiếp tục điều chỉnh lương tối thiểu vùng theo hướng tăng thêm. Ngay từ đầu năm 2018, tăng trưởng kinh tế đạt mức 7,38% cao nhất trong nhiều năm gần đây, nhưng ông Lợi cho rằng điều kiện để điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng cần phải dựa trên cơ sở biến động của chỉ số giá sinh hoạt, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cũng như quan hệ cung - cầu trên thị trường. Dù còn băn khoăn về năng suất lao động của nước ta còn thấp, trong khi nhiều năm tốc độ tăng tiền lương bình quân đều nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động nhưng ông Lợi dự đoán mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 sẽ trong biên độ 6 - 7%.
"Chúng ta nên thực hiện tốc độ tăng lương tối thiểu thấp hơn 7% tốc độ tăng năng suất lao động. Ví dụ, năm tới, dự kiến GDP 6,5 – 7%, tốc độ tăng năng suất lao động chỉ từ 1 – 1,2% thì tăng lương tối thiểu chỉ được ở mức 5 – 6%." - Bà Nguyễn Thị Lan Hương -nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động xã hội |