Kinhtedothi - Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới chưa đầy một tháng, thế nhưng, sáng 25/12, UBND tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã phối hợp với Bộ VHTT&DL tổ chức họp báo thông tin lễ tôn vinh đón bằng di sản và kế hoạch bảo tồn "dài hơi".
Đây là di sản phi vật thể thứ 8 của Việt Nam được thế giới công nhận, nhưng việc bảo tồn được thực hiện sớm hơn các di sản khác.
Sau những di sản được vinh danh hàng năm, đặc biệt là thực trạng "chạy đua" danh hiệu, công chúng luôn đặt câu hỏi: Mỗi tấm bằng ghi nhận tiêu tốn bao nhiêu tiền của? Mặc dù, đại diện lãnh đạo các địa phương xin khất câu trả lời đối với việc xây dựng hồ sơ dân ca ví, giặm trình UNESCO lần này, song di sản đã được quan tâm ở khía canh "hậu" vinh danh. "Không chỉ sau khi di sản được thế giới vinh danh, 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh mới nghĩ đến việc bảo tồn dân ca ví, giặm. Từ các thế hệ lãnh đạo trước tôi đã đề ra chương trình chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nghệ nhân, dạy hát dân ca ví, giặm trên truyền hình… Đến nay, chúng tôi tiếp tục phát huy và nâng kế hoạch bảo tồn lên bước cao hơn. UBND hai tỉnh đã thống nhất năm 2015 sẽ dành một nguồn kinh phí đủ mạnh để bảo tồn di sản này" - bà Đinh Thị Lệ Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết.
Chưa đầy một tháng sau khi dân ca ví, giặm được thế giới công nhận, hàng loạt kế hoạch bảo tồn trong thời gian tiếp theo đã được vạch ra. Những người làm di sản của 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh yêu cầu các đơn vị cơ sở tiếp tục nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu dân ca ví, giặm; từng bước nâng đề án bảo tồn di sản từ cấp tỉnh lên cấp quốc gia. Kế hoạch nghiên cứu thể nghiệm sân khấu hóa dân ca cũng được vạch ra. Đặc biệt là việc xây dựng chính sách đãi ngộ nghệ nhân được chú tâm hơn. Chính sách ấy sẽ được cụ thể hóa bằng việc vinh danh và bảo vệ nghệ nhân, lập danh sách những nghệ nhân tiêu biểu, xây dựng hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân ưu tú, khuyến khích họ sinh hoạt và truyền dạy tại cộng đồng và trong các CLB dân ca ví, giặm. Theo thông tin từ Cục Di sản văn hóa, trong 22 hồ sơ đề nghị xét tặng nghệ nhân ưu tú đợt một của tỉnh Nghệ An, có tới 11 nghệ nhân thuộc lĩnh vực dân ca ví, giặm.
Kế hoạch bảo tồn dân ca ví, giặm được đề ra cụ thể trong 6 mục: Nghiên cứu kiểm kê, tổ chức truyền dạy cộng đồng, quảng bá và phổ biến, ban hành chính sách đãi ngộ nghệ nhân, phục hồi di sản, nâng cao năng lực hoạt động. Thế nhưng, điểm qua các chương trình bảo tồn cụ thể, người ta vẫn lo lắng về tình trạng phổ cập di sản bằng chỉ tiêu năm 2015 có 30 - 40% số xã có CLB dân ca Nghệ Tĩnh, mở rộng chương trình giảng dạy dân ca ví, giặm trong trường phổ thông… Trong khi thế mạnh của dân ca ví, giặm là sức sống trong cộng đồng, vậy hướng bảo tồn có nhất thiết phải đặt chỉ tiêu phổ cập? Đề cao mục tiêu bảo tồn là ưu điểm của địa phương sở hữu di sản, song bảo tồn cũng cần tập trung mà mang tính riêng biệt để tránh tình trạng phổ cập di sản như nhiều địa phương khác.
Một buổi trình diễn dân ca ví, giặm.
|
Lễ đón bằng UNESCO ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại sẽ diễn ra vào 20 giờ ngày 31/1/2015 tại Quảng trường Hồ Chí Minh, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Lễ vinh danh gồm 2 phần: Phần lễ và chương trình biểu diễn nghệ thuật với chủ đề "Về miền ví, giặm". Chương trình được tường thuật trực tiếp trên kênh VTV1 và VTV4. |