Vùng biển đa đạng bậc nhất Việt Nam đang bị suy giảm
Ngày 20/10, tại TP Nha Trang, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức Hội thảo báo chí tỉnh Khánh Hòa lần thứ X/2023 với chủ đề “Vai trò của báo chí, truyền thông trong công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Tham dự có ông Đinh Văn Thiệu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, các chuyên gia đầu ngành trong lãnh vực môi trường, lãnh đạo Hội Nhà báo các địa phương, cùng hơn 100 tham dự viên.
Phát biểu khai mạc, ông Đinh Văn Thiệu kỳ vọng Hội thảo sẽ là diễn đàn thông tin, quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Từ đó nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, về phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Khánh Hòa bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu hôm nay và mai sau.
Ông Đoàn Minh Long - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Hội thảo đã nhận được 60 tham luận từ các chuyên gia đầu ngành về môi trường và các nhà nghiên cứu, nhà báo trong lĩnh vực môi trường và kinh tế biển…"
Tại Hội thảo PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam; thành viên BCĐ Diễn đàn đại dương toàn cầu (GOF) cho biết, vịnh Nha Trang hội đủ các yếu tố để trở thành một “hình mẫu tự nhiên” hiếm có của hệ thống vịnh biển thế giới do chứa đựng hầu hết các hệ sinh thái biển nhiệt đới điển hình, tiêu biểu, như rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn...
Theo PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi, thời gian vừa qua vịnh Nha Trang đã chịu nhiều tác động như biến đổi khí hậu; thiên tai và các hoạt động của doanh nghiệp, người dân… Hậu quả, chất lượng môi trường vịnh Nha Trang biến đổi theo chiều hướng xấu, bị ô nhiễm cục bộ; các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn... bị suy giảm diện tích, có nơi bị suy thoái nghiêm trọng, vụn nát.
Theo đó, để Nha Trang – Khánh Hòa phát triển xứng tầm, nhưng giảm thiểu được các tác động tiềm tàng đến vịnh Nha Trang, trong quá trình điều chỉnh, mở rộng không gian đô thị cần chú ý kết nối hợp lý các mảng không gian sông - biển của đô thị ven biển hiện tại với vịnh Nha Trang ở phía Đông và không gian sông - núi ở phía Tây.
Trong đó, ưu tiên phát triển triển các ngành, lĩnh vực kinh tế thân thiện với môi trường trên nền tảng chuyển đổi xanh, lồng ghép các giá trị văn hóa biển để văn hóa biển không chỉ là “động lực tinh thần” mà là “động lực phát triển”.
“Bảo đảm hài hòa giữa phát triển và bảo vệ môi trường vịnh, bảo tồn các giá trị di sản trong vịnh Nha Trang với việc phát triển các ngành kinh tế dựa vào bảo tồn “thuận thiên”, như du lịch biển - đảo bền vững, nghề cá biển giải trí (câu cá giải trí, đánh cá giải trí, lặn ngắm cá giải trí, phục hồi cá cảnh rạn san hô). Phát triển nuôi trồng bền vững ở vùng đệm gắn với cải thiện sinh kế cộng đồng dân cư sống trong và lân cận vịnh Nha Trang”- PGS. TS Nguyễn Chu Hồi chia sẻ.
Trong khi đó, PGS. TS Võ Sĩ Tuấn - Nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học, Chuyên gia sinh thái biển cho rằng, Nha Trang là vùng biển đa dạng bậc nhất ở Việt Nam. Chính sự đa dạng của san hô và các sinh vật rạn khác đã tạo nên cảnh quan kỳ thú dưới nước và đây cũng là tài nguyên đặc biệt mà thiên nhiên ưu đãi cho Nha Trang - Khánh Hòa.
Theo PGS. TS Võ Sĩ Tuấn tỉnh Khánh Hòa đã có kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đã được ban hành vào tháng 11/2022. Gần một năm trôi qua, ý tưởng phục hồi rạn san hô đã được bàn luận trong nhiều diễn đàn và tưởng chừng sẽ được đầu tư thực hiện sớm.
Tuy nhiên, đến nay dường như chỉ một vài hoạt động nhỏ lẻ được triển khai nhưng không được đánh giá hay báo cáo. Thực trạng suy thoái rạn san hô như đã phân tích trên đây, đòi hỏi phải coi phục hồi sinh thái là hành động cấp bách và cần được triển khai bài bản.
“Trước hết, cần khẩn trương rà soát tiềm năng và tính khả thi trong tham gia phục hồi rạn san hô của các cơ quan đã được phân công trách nhiệm trong kế hoạch tổng thể. Việc doanh nghiệp tham gia phục hồi sinh thái cần được coi trọng và triển khai trong một khuôn khổ thống nhất với kế hoạch cụ thể do Ban Quản lý vịnh Nha Trang điều phối.
Hiện tại, rất cần triển khai một mô hình doanh nghiệp thực hiện phục hồi sinh thái với sự tư vấn của các cơ quan khoa học và ủng hộ của chính quyền nhằm đúc rút kinh nghiệm và mở rộng quy mô” - PGS. TS Võ Sĩ Tuấn chia sẻ.
Phát huy vai trò báo chí
Dưới góc độ báo chí, truyền thông, nhà báo Trần Trọng Dũng cho biết, trong bối cảnh phát triển truyền thông trên không gian số, ngoài duy trì thường xuyên các chuyên mục trên các loại hình báo chí truyền thống, rất cần quan tâm hoạt động truyền thông trên không gian mạng.
Bởi truyền thông không gian mạng sẽ tác động rất lớn tới nhận thức một bộ phận lớn người đọc trong xã hội, đặc biệt là trong giới trẻ, tầng lớp trí thức, cán bộ, nhân viên các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Nhà báo Trần Trọng Dũng cho rằng, từ thực tiễn trong các vụ việc liên quan về môi trường vừa qua cho thấy trong nội dung tuyên truyền, các cơ quan báo chí cần chủ động, tích cực truyền thông về chính sách, tổ chức phản biện mang tính xây dựng, khách quan với các dự án về môi trường.
Đặc biệt, là các vấn đề lớn liên quan môi trường mà dư luận, người dân quan tâm. Đồng thời, giới thiệu những giải pháp, cách làm hay, mô hình tốt, những tác động và hiệu quả mang lại cho môi trường sống tốt cho người dân.
“Tháng 3/2023 vừa qua, Chính phủ đã có Chỉ thị số 07 về việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí truyền thông chính sách. Tháng 8/2023, Bộ TT&TT cũng có văn bản đề nghị các địa phương, các cơ quan chủ quản báo chí tăng cường nguồn lực cho báo chí để truyền thông chính sách.
Vì vậy, đề nghị lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa quan tâm chỉ đạo tăng cường việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho Hội nhà báo và các cơ quan báo đài của tỉnh, hỗ trợ thêm kinh phí cho các cơ quan báo chí để góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí và hiệu quả công tác tuyên truyền, thông tin về bảo vệ môi trường…” - nhà báo Trần Trọng Dũng gợi mở.
Chia sẻ thêm về vai trò báo chí, truyền thông với môi trường, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị cho rằng, báo chí cần làm tốt vai trò định hướng, dẫn dắt tạo sự lan tỏa và hiệu ứng truyền thông tốt về bảo vệ môi trường gắn với phát triển bền vững. Theo đó, các cơ quan báo chí không chỉ đưa tin dựa trên các văn bản pháp luật, mà còn tập trung phản ánh những vấn đề về thực thi pháp luật. Đồng thời, thu nhận các ý kiến phản hồi vướng mắc để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách phù hợp với thực tiễn.
Đặc biệt thông tin về bảo vệ môi trường gắn với phát triển bền vững cần phải có chiều sâu, định hướng hành động tích cực gắn với các hoạt động phát triển kinh tế -xã hội.
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi cũng lưu ý, khi phản ánh hoặc đưa tin về vấn đề môi trường sẽ đối mặt với khá nhiều vấn đề được coi là “nhạy cảm”. Bởi truyền thông phải đi trước, mở đường, dẫn dắt tạo dựng niềm tin và sự đồng thuận của xã hội.
Vì vậy, khi đưa tin vấn đề này phóng viên, nhà báo cần lắng nghe ý kiến nhiều chiều, coi sự thật là nguyên tắc tối thượng, thông tin khách quan, kịp thời có sự kết nối và tác động thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của công chúng. Từ đó, định hướng dư luận theo chiều hướng tích cực, tránh tạo ra điểm nóng, gây rối loạn môi trường truyền thông...
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, trong môi trường truyền thông số, nhất là sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội và công nghệ truyền thông hiện nay, đã và đang tác động rất lớn đến môi trường sinh thái của các phương tiện báo chí truyền thông, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của các cơ quan báo chí.
"Do đó, các cơ quan báo chí cần tích cực đẩy mạnh truyền thông bảo vệ môi trường gắn với phát triển bền vững trên các phương thức truyền thông mới, đa nền tảng.
Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số; đưa các kênh thông tin đa phương tiện phục vụ cho công tác truyền thông. Đặc biệt, các cơ quan quản lý nhà nước nên xây dựng công cụ đo lường. Đánh giá hiệu quả truyền thông qua các cơ quan báo chí truyền thông một cách hiệu quả, thiết thực, với mục đích chung tay xây dựng một xã hội an toàn, hài hòa và phát triển” - PGS. TS Nguyễn Thành Lợi chia sẻ.
PGS. TS. Lê Thị Thanh Hà - Viện Xã hội học và phát triển Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh:
Báo chí, truyền thông Việt Nam tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối bảo vệ môi trường của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến người dân. Với phương châm là tuyên truyền đúng, trúng, hấp dẫn, đưa chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường đến với bạn đọc nhanh, chính xác, trung thực, đa chiều và khách quan.
Những thông tin công khai, minh bạch trên báo chí, truyền thông về bảo vệ môi trường đã góp phần giúp cho nhân dân có thêm căn cứ, bằng chứng để tin tưởng vào nhiệm vụ bảo vệ môi trường của mình.
Trong nhiệm vụ bảo vệ môi trường hiện nay, rất cần các nhà báo thực sự “xông pha” ở những điểm “nóng”, những nơi vi phạm bảo vệ môi trường nhằm đưa tin đầy đủ, chính xác về các sự kiện, tình trạng ô nhiễm môi trường, những vi phạm về bảo vệ môi trường, tránh tình trạng xuyên tạc, bôi nhọ, vu khống các sự kiện hiện thực.