Xã đa nghề
Dân Hòa được nhiều người biết đến với những nghề truyền thống, như làm lồng chim Canh Hoạch, sơn tạc tượng Vũ Lăng, làm quạt Vác và nghề làm nón… Mỗi làng nghề đều có truyền thống lâu đời, chứa đựng trong đó những giá trị văn hóa riêng. Với đôi bàn tay tài hoa khéo léo, những người con Dân Hòa đã xây dựng được thương hiệu, chỗ đứng vững chắc trên thị trường cho các làng nghề của địa phương. Những sản phẩm do người thợ ở Dân Hòa làm ra được bày bán trên khắp cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Thiếu mặt bằng sản xuất, ông Nguyễn Minh Tân, thôn Vũ Lăng phải làm nghề ngoài đường. Ảnh: Nguyễn Nga |
Gia đình ông Nguyễn Minh Tân, thôn Vũ Lăng có truyền thống làm nghề sơn tạc tượng. Ông Tân chia sẻ: “Tôi đã gắn bó với nghề sơn tạc tượng hơn 40 năm nay. Nhờ làm nghề này mà gia đình tôi có cuộc sống dư giả. Tôi có điều kiện nuôi 3 con ăn học trưởng thành”. Anh Nguyễn Văn Tuấn một hộ sản xuất lồng chim ở Canh Hoạch cho biết: “Nhờ có thu nhập ổn định nên mình có điều kiện tham gia đóng góp vào các chương trình xã hội hóa ở địa phương”.
Nhờ phát huy tốt nghề truyền thống mà đời sống của người dân nơi đây được nâng lên từng ngày. Nếu ở thời điểm năm 2014, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt 27 triệu đồng/người/năm, đến năm 2017 con số này đã tăng lên 41 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 3%. Dãy phố buôn bán, trưng bày sản phẩm truyền thống luôn tấp nập người bán, kẻ mua. Đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa khang trang, quê hương ngày càng khởi sắc.
Phát huy hiệu quả làng nghề
Dân Hòa là một trong những xã về đích nông thôn mới (NTM) thuộc top đầu của huyện Thanh Oai. Có được kết quả này phần lớn là do xã phát huy hiệu quả nghề truyền thống, tạo lên nội lực của địa phương. Từ đó hoàn thành được những tiêu chí khó như thu nhập, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất… Phó Chủ tịch UBND xã Dân Hòa Phạm Đình Anh cho biết, xác định phát triển làng nghề là tiềm lực quan trọng cho phát triển kinh tế, chính quyền xã đã đẩy mạnh công tác khuyến công, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm của làng nghề. Bên cạnh đó, tạo cơ chế hợp lý để các hộ vay vốn mở rộng sản xuất, đầu tư trang thiết bị hiện đại, tích cực nghiên cứu thay đổi kiểu dáng mẫu mã, chất lượng sản phẩm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Cùng với đó không ngừng tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất phải đi đôi với việc bảo vệ môi trường, phát triển làng nghề bền vững.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các làng nghề hiện nay là mặt bằng sản xuất. Đất chật người đông, nên hầu hết các hộ làm nghề đều nằm đan xen trong khu dân cư. Nhiều hộ dân còn đem hàng ra ngoài đường làng làm, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt và cản trở giao thông. Chính khó khăn này đã khiến cho vấn đề môi trường của làng nghề khó được cải thiện, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện và duy trì tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM.
Theo kế hoạch, Dân Hòa đã có dự án quy hoạch xây dựng điểm công nghiệp làng nghề. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà đến nay dự án vẫn chưa được phê duyệt. Vì vậy, mong muốn lớn nhất của chính quyền cũng như người dân xã Dân Hòa là được quy hoạch và xây dựng cụm tiểu thủ công nghiệp dành riêng cho các hộ làm nghề, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, xử lý ô nhiễm môi trường cũng như việc buôn bán trao đổi hàng hóa. Nếu giải quyết được nguyện vọng trên, trong thời gian tới Dân Hòa mới phát huy hết được tiềm năng kinh tế của mình.
Hiện nay toàn xã có trên 80% dân số tham gia làm nghề truyền thống với mức thu nhập cao và ổn định. Đối với những lao động phụ có thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng, còn với thợ lành nghề có thể thu nhập lên tới cả chục triệu đồng. |