Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đan Phượng: Không để mặt trái của công nghệ thông tin ảnh hưởng đến học sinh

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong năm học 2022 - 2023, huyện Đan Phượng chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trong đó quan tâm giáo dục đạo đức, kỹ năng, lối sống, ý thức trách nhiệm cho học sinh, không để mặt trái của công nghệ thông tin ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh.

Nâng chất lượng giáo dục toàn diện

Ngày 23/8, ngành giáo dục huyện Đan Phượng tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023. Theo Phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng, hiện nay toàn huyện có 54 trường công lập với 1.058 lớp và 39.479 học sinh; 32 nhóm trẻ độc lập, tư thục.

Giờ học của cô và trò trường Mầm non Tân Lập B, huyện Đan Phượng.
Giờ học của cô và trò trường Mầm non Tân Lập B, huyện Đan Phượng.

Trong năm học qua, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song với sự nỗ lực của toàn ngành, các thầy cô giáo cùng với sự đồng hành của phụ huynh học sinh, ngành giáo dục của huyện Đan Phượng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Cụ thể, với cấp học mầm non, các nhà trường đã tổ chức hoạt động kết nối trực tuyến, phối hợp với phụ huynh chăm sóc và giáo dục trẻ thích ứng với mùa dịch. Các giáo viên mầm non đã rất nỗ lực để xây dựng các video hướng dẫn bài học cho trẻ trong thời gian nghỉ dịch. Lúc học sinh được đi học trở lại, các nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa để đồng hành, giúp trẻ phát triển toàn diện cả về tư duy và thể chất.

Với cấp tiểu học và THCS cũng có những sáng tạo trong công tác giảng dạy, kết hợp các hình thức dạy trực tuyến và trực tiếp tùy thuộc vào tình hình dịch Covid-19. Đặc biệt, nhiều giáo viên tình nguyện tổ chức các lớp dạy học ngoài giờ miễn phí cho học sinh yếu. Nhờ đó chất lượng giáo dục được nâng lên đáng kể.

Chia sẻ về kinh nghiệm thực tế tại trường, Hiệu trưởng trường THCS Trung Châu, huyện Đan Phượng Trần Trung Hiếu cho biết, các tổ, nhóm chuyên môn của nhà trường thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học.

“Cùng với đó, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của giáo viên cũng như học sinh để cùng tháo gỡ khó khăn với mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng dạy và học. Đặc biệt, trường đã kịp thời vinh danh các thầy cô giáo, học sinh có thành tích xuất sắc để tạo động lực cho thầy và trò phấn đấu vươn lên” - Hiệu trưởng trường THCS Trung Châu Trần Trung Hiếu cho biết.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy tại trường Tiểu học Đan Phượng.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy tại trường Tiểu học Đan Phượng.

Một điểm nhấn đáng chú ý theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng là công tác bồi dưỡng học sinh lớp 9 ôn thi vào lớp 10 được triển khai quyết liệt. Phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch bồi dưỡng và tổ chức khảo sát chéo 2 đợt ở 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Từ đó, các trường có căn cứ điều chỉnh kế hoạch ôn tập phù hợp.

Kết quả điểm trung bình các môn thi vào lớp 10 THPT đều cao hơn năm học trước. Cụ thể, trong kỳ thi vào lớp 10 vừa qua, điểm trung bình môn Toán của huyện là 7,16 điểm; Ngữ văn 6,3 điểm; Tiếng Anh 6,07 điểm.

Bên cạnh đó, việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với khối lớp 2, lớp 6 được triển khai nghiêm túc. Phòng GD&ĐT huyện đã hướng dẫn các trường tổ chức lựa chọn sách giáo khoa theo đúng quy trình, phân công đội ngũ phù hợp, rà soát trang thiết bị để tham mưu UBND huyện đầu tư.

Đồng thời tổ chức tập huấn về chương trình, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá học sinh; tổ chức hội thảo đánh giá rút kinh nghiệm, kịp thời điều chỉnh trong quá trình thực hiện các bộ sách giáo khoa mới.

53/54 trường đạt chuẩn quốc gia

Năm học 2021 - 2022, ngành giáo dục Đan Phượng có 2.616 cán bộ giáo viên, nhân viên (biên chế 2.488, hợp đồng 128). Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn đạt 92,2%. Công tác bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ được coi là yếu tố tiên quyết để nâng cao chất lượng giáo dục.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng phát biểu tại hội nghị.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng phát biểu tại hội nghị.

UBND huyện đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Quản lý đô thị, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện tổ chức rà soát cơ sở vật chất các trường học để đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, có 11 dự án xây dựng trường mới, 31 dự án xây thêm các phòng học, phòng chức năng, 35 dự án cải tạo sửa chữa.

Trong năm học vừa qua, huyện đã đưa vào sử dụng trường THCS Hồng Hà, THCS Thọ An, Mầm non Tân Hội B, Mầm non Phương Đình (khu La Thạch), 5 nhà giáo dục thể chất kết hợp bể bơi cố định và 10 thư viện mở, cải tạo sửa chữa 11 trường học. Phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND huyện mua sắm trang thiết bị lớp 2, lớp 6 với tổng kinh phí trên 12 tỷ đồng. Mua sắm trang thiết bị đối với 7 trường đề nghị công nhận mới, công nhận lại, nâng chuẩn quốc gia mức độ 2 trên 16 tỷ đồng.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đan Phượng Lê Văn Thìn trao giấy khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc năm học 2021 - 2022.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đan Phượng Lê Văn Thìn trao giấy khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc năm học 2021 - 2022.

"Kết thúc năm học 2021 - 2022, huyện có thêm 6 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, nâng số trường đạt chuẩn trong toàn ngành là 53/54 trường, đạt tỷ lệ 98,1%; trong đó có 22 trường chuẩn quốc gia mức độ 2" - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng phấn khởi cho biết.

Chia sẻ kinh nghiệm phát huy cơ sở vật chất trong trường học, Hiệu trưởng trường Mầm non Tân Hội B Đỗ Thị Hằng cho biết, trường có diện tích 8.200m2 với 20 nhóm lớp, 596 học sinh. Cơ sở vật chất của nhà trường được trang bị tương đối đầy đủ với các phòng học, phòng chức năng như: Phòng sáng tạo nghệ thuật, phòng chiếu phim, phòng hoạt động thể chất, phòng âm nhạc, phòng học montessori…

“Các phòng học được thiết kế tỉ mỉ, bảo đảm môi trường học xanh, an toàn, thân thiện. Có thể nói, việc được trang bị đầy đủ các phòng chức năng giúp cho học sinh có trải nghiệm tốt hơn, chất lượng giáo dục vì thế cũng được nâng lên đáng kể” - cô Đỗ Thị Hằng cho biết.

Giờ học của cô và trò trường Tiểu học Đan Phượng.
Giờ học của cô và trò trường Tiểu học Đan Phượng.

Chú trọng giáo dục nhân cách cho học sinh

Về những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2022 - 2023, ngành giáo dục Đan Phượng tập trung triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là lớp 3, lớp 7; áp dụng một số mô hình giáo dục tiên tiến ở các cấp học. Đồng thời kiện toàn đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng.

Cùng với đó, đa dạng nội dung, hình thức bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đội ngũ trong các nhà trường. Đồng thời, các nhà trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và công tác truyền thông trong giáo dục; tiếp tục bổ sung kho học liệu điện tử phù hợp, chất lượng và khai thác có hiệu quả.

Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Lê Thanh Nam tặng giấy khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc năm học 2021 - 2022.
Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Lê Thanh Nam tặng giấy khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc năm học 2021 - 2022.

Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng, ngành giáo dục huyện sẽ đẩy mạnh việc kết nối với các trường trong nội thành như quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Cầu Giấy để giáo viên có thể giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, nhất là bồi dưỡng học sinh giỏi.

Đặc biệt, huyện chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức trách nhiệm của công dân với xã hội. “Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, mạng xã hội như hiện nay, các nhà trường lưu ý quan tâm, không để mặt trái của công nghệ thông tin ảnh hưởng xấu đến học sinh. Đồng thời quan tâm đưa các đặc sản của huyện như nem Phùng, bưởi Diễn, rau an toàn… vào trưng bày, giới thiệu trong nhà trường để học sinh biết và tự hào về quê hương” - bà Bùi Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng và đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội tặng giấy khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc năm học 2021 - 2022.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng và đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội tặng giấy khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc năm học 2021 - 2022.

Cũng về vấn đề này, Hiệu trưởng trường Mầm non Tân Hội B Đỗ Thị Hằng cho biết thêm, trong năm học vừa qua, nhà trường đã tổ chức “Ngày hội tắt điện thoại đồng hành cùng con” được đông đảo phụ huynh hưởng ứng.

“Chúng tôi muốn gửi gắm thông điệp tiền bạc có thể làm ra nhưng tuổi thơ của trẻ không bao giờ quay lại, để các phụ huynh tiết chế sử dụng điện thoại, dành nhiều thời gian hơn đồng hành, chia sẻ cùng con. Qua đó, trẻ có những giây phút ấm áp, hạnh phúc mà không bị lệ thuộc vào các thiết bị công nghệ” - cô Đỗ Thị Hằng bày tỏ.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Lê Thanh Nam ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của ngành giáo dục huyện trong năm học vừa qua. Đồng thời khẳng định, giáo dục là lĩnh vực được ưu tiên trọng tâm đầu tư trong chuyển đổi số.

Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Lê Thanh Nam phát biểu tại hội nghị.
Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Lê Thanh Nam phát biểu tại hội nghị.

Ông Lê Thanh Nam đề nghị ngành giáo dục huyện rà soát mạng lưới trường học, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, quan tâm đầu tư các phòng chức năng để bảo đảm phát triển giáo dục toàn diện. Cùng với đó cần tiếp tục rà soát, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhất là lực lượng giáo viên giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông mới.

“Ngành giáo dục cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục phục vụ dạy và học. Đồng thời đẩy mạnh công tác khuyến học, xã hội hóa, huy động sự quan tâm của toàn xã hội trong đầu tư, phát triển giáo dục” - Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Lê Thanh Nam đề nghị.

 

Tại hội nghị, huyện Đan Phượng đã khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm học 2021 - 2022. Cụ thể có 53 tập thể đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, 233 chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và 1.408 cá nhân đạt danh hiệu Lao động tiên tiến.