Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dân tộc thiểu số được cử tuyển vào đại học, tuổi không quá 22

Bảo Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số được xem xét cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng với nhiều chế độ đãi ngộ.

Theo Bộ GD&ĐT, dự thảo Nghị định Quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số. Theo đó, mọi công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số có thể được xem xét vào diện cử tuyển của các trường đại học, cao đẳng... trên toàn quốc nếu đáp ứng đủ các điều kiện, như độ tuổi, thời gian thường trú tại địa phương, sức khỏe, độ tuổi.

Học sinh vùng cao luôn nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền trong công tác đào tạo. Ảnh: Bảo Trọng

Cụ thể, người được hưởng chế độ cử tuyển phải đáp ứng: Tốt nghiệp THPT đối với người được cử tuyển vào đại học, cao đẳng; tốt nghiệp THCS hoặc THPT đối với người được cử tuyển vào trung cấp (ưu tiên học sinh tại trường phổ thông dân tộc nội trú); xếp loại hạnh kiểm năm cuối cấp (hoặc xếp loại rèn luyện năm cuối khóa) đạt loại khá trở lên; xếp loại học tập năm cuối cấp (hoặc cuối khoá) đạt loại khá trở lên với đối tượng được cử tuyển vào đại học, loại trung bình trở lên với đối tượng được cử tuyển vào cao đẳng, trung cấp.

Ưu tiên người có kết quả kỳ thi THPT quốc gia đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy chế tuyển sinh đại học chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy của Bộ GD&ĐT. Các trường hợp được xem xét cử tuyển có độ tuổi không quá 22 và sức khỏe đảm bảo theo quy định.

Liên quan đến chế độ đào tạo, kinh phí, dự thảo quy định sẽ do UBND cấp tỉnh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chi trả trực tiếp cho các cơ sở giáo dục theo quy định về dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu.

Dự thảo có 21 điều, dự kiến có hiệu lực trong năm 2020.