Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dân Trung Quốc ngại đẻ, dù được khuyến khích

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sự mất cân bằng còn nghiêm trọng hơn ở các thành phố duyên hải giàu có, nơi có trình độ dân trí cao, như Thượng Hải.

KTĐT - Sự mất cân bằng còn nghiêm trọng hơn ở các thành phố duyên hải giàu có, nơi có trình độ dân trí cao, như Thượng Hải.

Cuộc khủng hoảng dân số ở Trung Quốc đã buộc các quan chức phải xem xét lại chính sách sinh một con, nhưng chính các cặp vợ chồng lại do dự.

Wang Weijia và chồng cô lớn lên trong những khu dân cư được chăng đầy các tấm áp phích thuyết giảng "Mẹ trái đất quá mệt mỏi để chứa thêm trẻ con" hoặc "Thêm một đứa trẻ nghĩa là thêm một nấm mộ".

Họ thấm nhuần những lời dạy này đến nỗi khi các quan chức chính quyền thành phố Thượng Hải - chột dạ bởi tỷ lệ sinh quá thấp và thực trạng dân số đang già đi - đột ngột thay đổi chính sách vào mùa hè này và bắt đầu khuyến khích các cặp vợ chồng trẻ sinh nhiều hơn một con, thì phản ứng tức thì, chắc nịch của họ là: "không đời nào".

"Chúng tôi đã dành tất cả thời gian và sức lực của mình chỉ cho một đứa trẻ. Chẳng còn gì cho đứa thứ hai cả", Wang, 31 tuổi, một quản trị nhân lực, cha của cậu con trai 8 tháng tuổi, nói với Wasington Post.

Hơn 30 năm sau khi chính sách một con của Trung Quốc được thực thi, tạo ra hai thế hệ những đứa trẻ béo phì và được cưng chiều quá đỗi - "những tiểu hoàng đế trong nhà" - đến nay một cuộc khủng hoảng dân số đang phủ bóng lên quốc gia này.

Tỷ lệ sinh trung bình đã từ 6 trẻ trên mỗi cặp vợ chồng đã hạ xuống còn 1,8 từ khi chính sách này có hiệu lực. Trong khi đó, số người già trên 60 tuổi được dự đoán sẽ bùng nổ từ 16,7% dân số vào năm 2020 thành 31,1% vào năm 2050. Con số này cao hơn nhiều so với tỷ lệ bình quân của thế giới là 20%.

Sự mất cân bằng còn nghiêm trọng hơn ở các thành phố duyên hải giàu có, nơi có trình độ dân trí cao, như Thượng Hải. Năm ngoái, số người già trên 60 ở thành phố này đã chiếm gần 22%, trong khi tỷ lệ sinh chưa đầy 1 trẻ cho mỗi cặp vợ chồng.

Xie Lingli, giám đốc Ủy ban kế hoạch hóa gia đình và dân số của Thượng Hải, cho biết các cặp vợ chồng cần có con để "giúp giảm tỷ lệ già hóa dân số và nhu cầu khát nhân lực trong tương lai". Thượng Hải sắp trở thành "thành phố già - dù chưa giàu - như các quốc gia phát triển như Nhật Bản và Thụy Điển", bà nói.

Sự nới lỏng dần dần

Được đưa vào hiến pháp từ năm 1978, chính sách một con của Trung Quốc được xem là chính sách gây tranh cãi nhất ở nước này. Các cặp vợ chồng vi phạm đối mặt với hình phạt nặng nề - ở vài nơi số tiền phạt cao gấp ba lần mức thu nhập trung bình năm, và bị kỳ thị tại nơi làm việc.

Các quan chức Trung Quốc lý giải chính sách này giúp giảm bớt sức ép lên tài nguyên thiên nhiên, dù bị phương Tây chỉ trích là vi phạm nhân quyền. Ở một số vùng nông thôn, đôi khi phụ nữ mang thai lần thứ hai bị ép phải phá. Thêm vào đó, nhiều cặp vợ chồng phá thai khi biết mình sẽ sinh con gái, dẫn tới sự chênh lệch nam nữ cao bất thường.

Những năm gần đây, các quan chức dân số đã dần dần nới lỏng sự khắt khe đối với chính sách một con. Năm 2004, họ cho phép có thêm những ngoại lệ sinh hơn một con - như ở các thành phố, người thuộc các dân tộc thiểu số, và các trường hợp mà cả vợ và chồng đều là con một. Năm 2007, nhiều khẩu hiệu cứng nhắc đã được dỡ bở.

Tháng 7 vừa qua, Thượng Hải trở thành thành phố đầu tiên ở Trung Quốc mở cuộc vận động rầm rộ nhằm khuyến khích sinh nhiều con.

Hầu như chỉ qua một đêm, các áp phích hướng dẫn các gia đình chỉ được sinh một con đã được thay thế bằng những áp phích mô tả chi tiết những ai đủ điều kiện để có con thứ hai, và cách để nộp đơn xin phép. Chính quyền thành phố gửi cán bộ dân số và tình nguyện viên đến tận nhà gặp các cặp vợ chồng, hoặc cài tờ rơi ở bậc cửa. Người ta cũng đưa ra những lời khuyên hỗ trợ về tâm lý và tài chính cho những ai đăng ký muốn có thêm con.

Tuy nhiên, chính người dân lại thờ ơ với chính sách mới này.

Mặc dầu ở một thị trấn ngoại ô của Thượng Hải, số đơn xin đẻ con thứ hai tăng nhanh sau cuộc vận động, nhưng trong thành phố, báo cáo cho thấy phản ứng của người dân không thay đổi. Thị trấn Huinan, với dân số 115 nghìn người, mỗi tháng chỉ nhận được 4-5 đơn xin đẻ con thứ hai.

Số ca sinh nở ở Thượng Hải vào năm 2010 vẫn dự kiến chỉ khoảng 160.000, cao hơn chút xíu so với năm 2009, nhưng thấp hơn năm 2008.

Feng Juying, Chủ tịch ủy ban kế hoạch hóa gia đình ở thị trấn Caolu, Thượng Hải, cho biết tài chính có lẽ là lý do chủ yếu khiến nhiều cặp vợ chồng không muốn có thêm con. "Họ muốn tạo điều kiện tốt nhất cho đứa con đầu tiên", bà nói.

Yang Jiawei, 27 tuổi và vợ, Liu Juanjuan, 26 tuổi, cho biết họ thích có hai con và về mặt luật pháp được cho phép làm điều đó. Nhưng giống như nhiều người Trung Quốc khác, họ chỉ có bảo hiểm nhân thọ và y tế do chính quyền cung cấp. Không có hệ thống an sinh xã hội này, việc đẻ con ra sẽ là vô trách nhiệm.

"Người phương Tây nhìn nhận sai lầm rằng chính sách sinh một con là vấn đề nhân quyền", Yang, một kỹ sư xây dựng có vợ đang mang bầu lần đầu 7 tháng, nhận xét. "Vâng, chúng tôi bị tước mất cơ hội đẻ thêm một con. Nhưng vấn đề không nằm ở chính sách. Đó là tiền".

Wang, một quản trị nhân sự, thì cho biết cô chỉ muốn đẻ một đứa vì bản thân cô từng là con một. "Chúng tôi là trung tâm của cả nhà, và từng được tất cả mọi người quan tâm. Chúng tôi không quen với việc chăm sóc người khác, và không thực sự muốn chăm sóc người khác".

Chen Zijian, 42 tuổi, chủ một công ty dịch thuật, thì nói thẳng toẹt về sự ích kỷ của thế hệ mới. Thế hệ 20-30 ngày nay lớn lên chứng kiến cha mẹ chúng phải vật lộn như thế nào trong thời kỳ đầu đổi mới của Trung Quốc, và không muốn lặp lại cuộc sống đó cho chính mình, anh nói.

Mỗi đứa trẻ ra đời tốn rất nhiều thời gian công sức của cha mẹ, anh cho biết. "Một bà mẹ phải mất đi ít nhất 2 năm công tác xã hội cho một đứa con nhỏ, và sau đó là những khoảng trống. Bạn phải nâng cấp căn hộ của mình, và phải chuẩn bị trường tốt nhất cho con ngay từ khi nó 9 tháng tuổi".

Hầu hết bạn bè của anh sẵn sàng làm điều đó một lần, nhưng không có lần thứ hai. "Chúng tôi là thế hệ đầu tiên có tiêu chuẩn sống cao hơn. Chúng tôi không muốn hy sinh quá nhiều", anh nói.