Dân vận và bài học kinh nghiệm từ một xã nông thôn mới

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã Dũng Tiến (huyện Thường Tín) đã tiến hành san gạt diện tích đất người dân sử dụng trước đó nhiều năm để trồng cây nhằm phục vụ xây dựng công trình nhà văn hóa thôn Cao Xá.

Tuy nhiên, cách làm vội vàng, chưa “thấu tình đạt lý” khiến công tác này gặp nhiều khó khăn.

Nhà văn hóa thôn Cao Xá (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín). Ảnh: Lâm Nguyễn
Nhà văn hóa thôn Cao Xá (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín). Ảnh: Lâm Nguyễn

Đất công do địa phương quản lý

Nhà văn hóa thôn Cao Xá (xã Dũng Tiến) được đầu tư xây dựng từ năm 2016, trên tổng diện tích quy hoạch là 1.500m2. Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành hạng mục chính là công trình nhà văn hóa, với tổng kinh phí thực hiện hơn 1,32 tỷ đồng. Năm 2021, UBND xã Dũng Tiến bắt tay vào triển khai giai đoạn 2 của dự án đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn Cao Xá. Dự kiến hơn 300 triệu đồng sẽ được đầu tư để chỉnh trang khuôn viên và xây dựng một số hạng mục công trình phụ như nhà vệ sinh, sân vườn, tường bao...

Để thực hiện giai đoạn 2 của dự án, chính quyền địa phương đã tiến hành san gạt và phá bỏ một phần diện tích mà người dân đang sử dụng trồng cây trước đó. Đáng chú ý khi hoạt động này của chính quyền địa phương chưa được sự đồng thuận của các hộ dân. Việc làm này của UBND xã Dũng Tiến khiến một số hộ dân thôn Cao Xá hết sức bất bình, phản ứng gay gắt. Việc san gạt mặt bằng để xây dựng, chỉnh trang khuôn viên nhà văn hóa thôn Cao Xá cũng bị đình trệ suốt hơn một năm qua.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND xã Dũng Tiến Lê Bính Thìn cho biết, diện tích chính quyền địa phương tổ chức san gạt để xây dựng khuôn viên nhà văn hóa thôn Cao Xá là đất nông nghiệp công ích do UBND xã quản lý, đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 5516/QĐ-UBND ngày 20/10/2015. Theo ông Thìn, các hộ dân có ý kiến phản đối không được bất cứ cấp chính quyền nào của địa phương giao đất. Người dân cũng không có giấy tờ chứng minh việc được cấp đất nông nghiệp công ích để sử dụng.

“Trong quá trình rà soát, các hộ không chứng minh được việc đã thực hiện nghĩa vụ về thuế, hay nói cách khác là không nộp thuế trong quá trình sử dụng đất. Chính vì vậy, việc địa phương lấy phần đất đã được quy hoạch để xây dựng công trình phúc lợi là không sai…” - ông Thìn khẳng định.

Công tác dân vận chưa “đến nơi đến chốn”!

Khẳng định việc tổ chức san gạt để lấy mặt bằng xây dựng khuôn viên nhà văn hóa thôn Cao Xá là không sai về mặt quy định pháp luật, tuy nhiên Phó Chủ tịch UBND xã Dũng Tiến Lê Bính Thìn cũng thừa nhận quá trình triển khai của địa phương có những thiếu sót nhất định. Đặc biệt là trong công tác dân vận.

Đại diện các hộ dân cho rằng, diện tích đất mà người dân đang sử dụng có thể không được giao, nhưng do người dân khai hoang, lập hóa từ hàng chục năm qua. Chính vì vậy khi muốn lấy để xây dựng công trình phúc lợi, người dân cần được biết, được bàn, thay vì chính quyền tự ý thực hiện.

Liên quan đến vấn đề này, Bí thư Chi bộ thôn Cao Xá Nguyễn Hùng Tráng, cho biết trong quá trình tổ chức, địa phương có thông tin đến người dân, nhưng thừa nhận là công tác dân vận được thực hiện chưa tốt. Người dân chưa hiểu hết vấn đề, chưa đồng tình, ủng hộ mà địa phương đã thực hiện là một thiếu sót.

Phó Chủ tịch UBND xã Dũng Tiến cho biết, hiện nay địa phương đang tiếp tục chỉ đạo các cấp ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội tiếp thu ý kiến, đề xuất của các hộ dân; vận động, tuyên truyền để người dân hiểu, ủng hộ nhằm sớm hoàn thiện việc xây dựng nhà văn hóa thôn Cao Xá; tiến tới đưa địa phương về đích nông thôn mới nâng cao trong năm 2022.

Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân. Trong công cuộc đó, Hà Nội luôn nhấn mạnh vai trò chủ thể của Nhân dân. Đối với quá trình thực hiện, người dân cần được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, giám sát. Chính vì vậy, cách làm của chính quyền xã Dũng Tiến về lý có thể không sai, nhưng về tình có lẽ chưa đủ thấu đáo, thuyết phục. Lãnh đạo địa phương cũng đã nhìn nhận được vấn đề và đang từng bước khắc phục.

“Tôn trọng Nhân dân, lấy dân làm gốc” từ câu chuyện xây dựng nhà văn hóa thôn Cao Xá không chỉ là bài học kinh nghiệm cho xã Dũng Tiến mà còn của chính quyền các cấp trên địa bàn Hà Nội trong quá trình huy động sự vào cuộc của các tầng lớp Nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.