Dự lễ dâng hương có Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh; Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định; Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Khánh; Phó Bí thư, Chủ tịch UBND quận Phạm Tuấn Long...
Lễ Dâng hương nhằm phát huy đề án “Tổ chức lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm” của UBND quận đồng thời là một hoạt động văn hoá truyền thống có ý nghĩa thiết thực không những của nhân dân phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm mà còn là niềm tự hào của nhân dân Thủ đô, nhằm góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, là nét đẹp truyền thống trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân Thủ đô, thể hiện tình cảm và truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam.
Sau Lễ dâng hương, Đội tế nam, tế nữ hành lễ, Nhân dân và du khách thập phương vào lễ, tiếp đó là chương trình biểu diễn văn nghệ truyền thống.
Dịp này, UBND Phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm đã xây dựng bộ nhận diện mới về Đình Yên Thái với các ấn phẩm như: Logo về Đình Yên Thái; Bản giới thiệu Đình Yên Thái bao gồm Tiếng Việt và Tiếng Anh; Lì xì của Đình Yên Thái.
Trong đó điểm đặc biệt của bộ ấn phẩm này là Tờ giới thiệu cầm tay về Đình Yên Thái với Bản Tiếng Việt và Tiếng Anh có mã quét QR code được tích hợp với Website: httpps://www.hoankiem360.vn và Bản đồ chỉ dẫn đến các địa điểm di tích khác trên địa bàn Phường Hàng Gai;… những ấn phẩm này được phát hành ra nhằm quảng bá rộng rãi tới nhân dân và khách du lịch khi đến với Hoàn Kiếm.
Đức Nguyên phi tên thật là Lê Thị Yến, sinh ngày mồng 7 tháng 3 năm Giáp Thân (1044), người hương Thổ Lỗi, huyện Siêu Thoại, trấn Kinh Bắc (nay là huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Trong hơn nửa thế kỷ (1063 - 1117) là Nguyên phi, rồi Hoàng hậu, Nhiếp chính Triều Lý, Ỷ Lan Nguyên phi đã tỏ ra là là bậc nữ lưu kiệt xuất, có tài kinh bang tế thế phò vua giúp nước, người hai lần nhiếp chính, giúp vua đánh thắng giặc, coi trọng nông tang, thương dân nghèo khó, giữ nghiêm phép nước, trừng trị bọn lộng quyền, tham nhũng, được xưng tụng là “Lý Đại Mẫu nghi”.
Sử cũ chép rằng: Vua Lý Thánh Tông đã 40 tuổi mà chưa có con trai nối dõi, thân hành đi cầu tự chùa chiền. Một sớm mùa xuân năm vua về viếng thăm chùa Dâu, trai gái, già trẻ các làng đều ra rước vua. Đoàn xa giá của vua đi đến đâu, các làng lân cận nô nức, đổ xô về phía ấy. Duy có một cô thôn nữ xinh đẹp của làng Sủi vẫn điềm nhiên hái dâu, xem việc ngự giá của vua không có quan hệ gì đến mình.
Lý Thánh Tông lấy làm lạ, bèn cho đòi người con gái đang đứng bên nương dâu kề gốc lan ấy đến trước kiệu rồng để hỏi. Cô gái ung dung nhẹ nhàng tới quỳ tâu: “Thiếp là con nhà nghèo hèn, phải làm lụng đầu tắt mặt tối, phụng dưỡng cha mẹ có đâu dám mong đi xem rước và nhìn mặt rồng".
Vua thấy cô gái ăn mặc quê mùa, nhưng cử chỉ đoan trang dịu dàng, lời nói phong nhã, đối đáp phân minh, lễ nghĩa khác người, vua cho cô gái theo Long giá về kinh đô. Vua Lý Thánh Tông cử một nữ học sĩ dạy Yến Nương, phong cho nàng là Ỷ Lan phu nhân và gọi cung của nàng là cung Ỷ Lan.
Tháng giêng năm 1066, Ỷ Lan phu nhân sinh hạ được một hoàng tử lấy tên là Kiền Đức, vua phong Ỷ Lan phu nhân làm Nguyên Phi.
Năm Kỷ Dậu (1069) có giặc Chiêm thành đến xâm lấn bờ cõi nước ta, vua Lý Thánh Tông phải trực tiếp cầm quân đánh giặc, Thái tử còn nhỏ, vua giao cho Nguyên phi Ỷ Lan trông nom và cai quản triều chính.
Năm Nhâm Tý (1072) vua Lý Thánh Tông ốm nặng rồi qua đời, Hoàng Thái tử Kiền Đức lên ngôi vua, tôn mẹ làm Thái hậu Linh Nhân. Vua còn nhỏ tuổi, Thái hậu Linh nhân buông rèm nhiếp chính, cùng hai danh tướng Lý Thường Kiệt và Lý Đạo Thành điều hành việc nước.
Trong những năm trị vì đất nước, theo sử sách còn ghi lại, Đức Nguyên phi - Hoàng Thái hậu đã có nhiều chính sách đem lại ấm no, hạnh phúc, yên vui cho Nhân dân nước Đại Việt thời đó. Cả hai lần buông rèm nhiếp chính Bà đều hoàn thành sứ mệnh mà đất nước, dân tộc giao cho, được vua khen ngợi, các quan trong triều khâm phục, Nhân dân quý trọng.
Ngày 25 tháng 7 năm Đinh Dậu (1117), Bà mất, được hỏa táng, dâng thụy là Phù Thánh Linh Nhân Hoàng Thái hậu, mai táng ở Thọ Lăng, phủ Thiên Đức. Ghi nhớ những công lao to lớn của Đức Nguyên phi, dân làng An Thái xây dựng đền thờ trên nền cung Ỷ Lan để hương khói thờ Bà và thờ Phật nhằm lưu truyền cho con cháu đời sau biết công lao to lớn của Bà.
Xưa nay, Nguyên Phi Ỷ Lan không chỉ được nhân dân và đạo Phật phong là "Như lai xuất thế, Lý triều Thiên Nam Đệ nhất", là “Phật Mẫu” mà còn được thờ và tôn làm Thành Hoàng của làng Yên Thái, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ (nay thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm) đời đời hương khói phụng thờ.