Tại Hà Nội, cơ bản các trường đã hoàn thành hồ sơ, phiếu đăng ký dự thi của TS và gửi dữ liệu về Sở GD&ĐT Hà Nội.
Đảo chiều
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, đến ngày 18/4, đã có gần 779.340 TS nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia. Trong đó, TS đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ hơn 583.000 (chiếm 74,84%), số TS tự do gần 56.000 (chiếm 7,13%), còn lại là các TS chỉ đăng ký thi tốt nghiệp THPT (chiếm 18,03%). Đặc biệt, tỷ lệ TS chọn các môn xã hội năm nay chiếm áp đảo với gần 385.000 TS (49,39%) đăng ký bài thi khoa học xã hội và gần 298.000 TS (38,22%) đăng ký bài thi khoa học tự nhiên. Cũng có hơn 66.000 TS (8,49%) đăng ký cả 2 bài thi. Còn lại là TS tự do đã đỗ tốt nghiệp chỉ chọn môn lẻ để xét tuyển ĐH, CĐ.
Tại Hà Nội, qua thống kế sơ bộ cho thấy, điều bất ngờ ở mùa thi năm nay, số lượng TS chọn thi các môn Khoa học Xã hội (KHXH) tăng vọt so với những năm trước. Cụ thể, trường THPT Lương Thế Vinh, có khoảng 1.000 TS dự thi THPT Quốc gia 2017, trong số đó có hơn 35% TS lựa chọn môn thi Lịch sử. Tỷ lệ này cao gấp hơn 10 lần so với kỳ thi năm ngoái. Trường THPT Đồng Quan (huyện Phú Xuyên) tổng số HS khối 12 là 453, có đến 43% TS đăng ký tổ hợp KHXH. Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) cũng 45% TS chọn bài thi KHXH. Trường THPT Phan Huy Chú, trong số 380 HS lớp 12, trong đó 130 HS chọn tổ hợp xã hội. Còn Trường THPT Wellsiping có đến hơn 90% HS chọn tổ hợp KHXH.
Thầy Nguyễn Văn Dũng – Hiệu trưởng trường THPT Đồng Quan (huyện Phú Xuyên) cho biết, số lượng TS lựa chọn 2 bài thi rất ít. Lượng TS chọn thi môn xã hội tăng mạnh so với năm trước do các môn KHXH thi trắc nghiệm không cần phải diễn giải, chỉ cần chọn đúng – sai. “Các kiến thức thuộc môn KHXH thường gắn liền với đời sống, đặc biệt môn địa lý, giáo dục công dân nên nhiều em có thể suy luận chọn đáp án để làm bài. Do vậy tỷ lệ TS chọn thi bài tổ hợp xã hội cao” – thầy Dũng nhận định.
Nhiều băn khoăn
Việc TS lựa chọn các môn thi xã hội là một tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên, điều khiến không ít người lo ngại sự đột biến này thể hiện xu hướng... thi gì học nấy. “Những năm trước, các môn xã hội phải thi tự luận nên học hành rất vất vả. Năm nay Sử, Địa, Giáo dục công dân chuyển sang thi trắc nghiệm, chỉ cần đọc hiểu, biết phân tích, suy luận là có thể làm được bài, nên em chọn thi bài tổ hợp KHXH” - Nguyễn Văn Hải, HS lớp 12 trường THPT Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân – Hà Nội) chia sẻ.
Trong khi đó, thầy Đặng Đình Đại - Hiệu trưởng trường THPT Wellsping (Hà Nội) cho biết, nhiều TS chọn thi môn xã hội với tâm lý chỉ cần đỗ tốt nghiệp. “HS của trường có nét đặc thù riêng, cơ bản các gia đình đều hướng cho các em đi du học, nên TS chủ yếu đăng ký thi xã hội” – thầy Đại cho hay.
Một giáo viên trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm) cho rằng, nhiều TS chọn thi môn Sử không đồng nghĩa với việc TS yêu thích môn học này. “Đây có thể là lựa chọn an toàn cho những TS có học lực trung bình, trung bình khá. Việc lựa chọn chỉ mang tính chất phục vụ việc thi, thi gì học nấy. Nếu vẫn giữ tâm lý và cách suy nghĩ đó thì tình trạng ra khỏi phòng thi là quên ngay kiến thức sẽ vẫn còn” – giáo viên này băn khoăn.
Lý giải sự thay đổi này, PGS. TS Trần Văn Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, nguyên nhân do năm nay kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ có nhiều thay đổi. Các môn thi xã hội trong đó có Địa, Sử chuyển sang thi trắc nghiệm, không phải thi tự luận, do đó cũng không cần HS phải học thuộc dài dòng như trước. Bên cạnh đó xuất hiện các bài thi tổ hợp, TS được quyền lựa chọn 1 trong 2 bài thi và cũng có thể thi cả 2 để lấy điểm nào cao nhất sử dụng xét tuyển. Ngoài ra, các trường ĐH, CĐ cũng bổ sung nhiều tổ hợp môn xét tuyển mới có chứa các môn thi xã hội, nhiều trường bổ sung thêm các môn thi mới như Giáo dục công dân vào tổ hợp xét tuyển làm tăng cơ hội đỗ ĐH cho các em. Chính vì vậy, việc lựa chọn môn thi của các em tất yếu thay đổi.
Việc lựa chọn môn xã hội tăng cao, do có nhiều TS không có nhu cầu vào ĐH, CĐ. Bên cạnh đó, nhiều trường ĐH, CĐ cũng chỉ xét tốt nghiệp để “rộng đường” cho TS... Do đó, TS đăng ký thi xã hội tăng là điều dễ hiểu. TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội |